LTS: Thẳng thắn cho rằng, sách Chuẩn kiến thức kỹ năng hiện nay đang vô tình là vật cản cho sự phát triển của ngành giáo dục và đặc biệt là những người giáo viên, tác giả Thanh An đã đưa ra quan điểm của mình trước vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ ngày 25/8/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 7394/BGDĐT-GDTrH yêu cầu các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trong cả nước phải áp dụng dạy học theo sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng cho tất cả các môn học.
Từ đó đến nay, giáo viên đều phải bám vào cuốn sách chuẩn này để giảng dạy và ra đề kiểm tra, thi cử cho học sinh.
Tuy nhiên, có một thực tế là sách chuẩn kiến thức kĩ năng mà Bộ ban hành nhiều khi đã được các lãnh đạo của ngành, trường dập khuôn máy móc, chưa khuyến khích được sự sáng tạo của người thầy.
Sách hướng dẫn chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn lớp 12 (Ảnh minh họa: classbook.vn). |
Có nhiều giáo viên dạy lớp rất không đồng tình với việc đang phải sử dụng sách chuẩn kiến thức kĩ năng do Bộ Giáo dục phát hành. Nhất là đối với một số môn xã hội bởi vì sách chuẩn kiến thức, kỹ năng yêu cầu giáo viên phải bám vào cuốn sách này để giảng dạy trên lớp.
Tuy nhiên, nội dung cuốn sách có phần sơ sài, mỗi bài học chỉ được hướng dẫn có vài dòng theo ý chủ quan của người viết sách nên giáo viên không hứng thú.
Bởi thực tế giảng dạy sẽ buộc người thầy phải biết chỗ nào là quan trọng để nhấn mạnh cho học sinh, chỗ nào không quan trọng có thể lướt qua được.
Nhưng nếu không bám vào cuốn sách này lại không đúng với yêu cầu hiện nay của ngành.
Và điều dĩ nhiên các tiết dạy khi có giáo viên, ban giám hiệu dự giờ hay thi giáo viên giỏi mà không bám vào chuẩn kiến thức kĩ năng thì không đạt yêu cầu.
Nhưng bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng thì dạy vô cùng chán ngán. Bởi vì chuẩn kiến thức mới là cái chuẩn tối thiểu của nội dung bài học.
Trong khi, lớp học có nhiều đối tượng học trò: em giỏi có, em khá có, những em yếu kém cũng không hiếm.
Người thầy muốn được quan tâm hết cho học sinh nhưng cũng rất muốn nâng cao, mở rộng vấn đề cho các em khá giỏi có thể phát huy khả năng của mình.
Bộ Giáo dục xin đừng vội vàng áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới |
Nếu chỉ dạy theo chuẩn kỹ năng thì các em học sinh khá giỏi học rất nhẹ nhàng nhưng chưa có điều kiện giúp các em tiến xa hơn.
Nội dung chuẩn kiến thức kĩ năng là cái chuẩn tối thiểu của 1 bài học mà giáo viên phải thực hiện.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo ngành của một số địa phương lại quá cứng nhắc máy móc vào chuẩn kiến thức kỹ năng nên đã có những chỉ đạo, nhận xét không đúng với nội dung chuyên môn khi dự giờ hay kiểm tra giáo án, đề kiểm tra của giáo viên.
Tôi có một anh bạn kể rằng trong một lần đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hôm đó, anh phải dạy ở đơn vị bạn nên đã chuẩn bị rất kĩ càng, chu đáo. Ngày lên lớp dạy, anh cảm thấy rất tự tin sau khi kết thúc tiết dạy của mình.
Thế nhưng, khi được ban giám khảo nhận xét, đánh giá tiết dạy thì giám khảo hội thi nhận xét: Kiến thức của thầy rộng quá, không phù hợp với học sinh, dạy không đúng chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ.
Nghe nói vậy anh bạn của tôi cảm thấy rất bất bình. Bởi là một tiết giảng văn thì ngoài kiến thức bài học, người thầy còn phải liên hệ mở rộng vấn đề cho học sinh có cái nhìn đa chiều.
Hơn nữa, đây là tiết thi giáo viên dạy giỏi thì người thầy phải cung cấp nhiều kiến thức hơn, quan tâm nhiều hơn đến mọi đối tượng học sinh.
Nếu là giáo viên dạy trên lớp bình thường thì có thể chỉ cần dạy ngang chuẩn kiến thức. Nhưng khi thi giáo viên giỏi thì phải dành một lượng thời gian nhất định để mở rộng và tạo điều kiện cho những em khá giỏi phát huy khả năng của mình nữa chứ.
Tuy nhiên, với cách dạy “rộng quá” nên anh bị góp ý rất nhiều cho phần thực hành của mình.
Trong công tác dự giờ của một số ban giám hiệu hiện nay cũng vậy, nhiều thầy cô trong ban giám hiệu đi dự giờ giáo viên trong trường những môn không phải môn đào tạo của mình thì thường xách theo cuốn chuẩn kiến thức kỹ năng lên lớp để vừa dự giờ vừa so sánh chuẩn kiến thức với nội dung mà giáo viên giảng dạy trên lớp.
Khi thấy giáo viên dạy có một chút khác kiến thức là góp ý, bắt bẻ, nhiều khi xếp loại “không đạt”.
Chính từ cách chỉ đạo và đóng góp như vậy nên nhiều khi chưa thể thúc đẩy sự sáng tạo của người thầy trong những tiết dạy. Nhiều giáo viên dần dần cũng phải tự co mình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để phải bị phiền toái đến bản thân.
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
Chúng tôi không phản bác, không có dụng ý chê trách sách chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ Giáo dục đã ban hành.
Tuy nhiên, từ cách chỉ đạo, hướng dẫn như vậy nên rất nhiều giáo viên co dần vào những chiếc áo đồng phục đã được sách Chuẩn kiến thức kỹ năng “mặc sẵn”.
Những bài kiểm tra thường xuyên, định kì thì được hướng dẫn là không được quá chuẩn kiến thức kỹ năng nên các dạng đề kiểm tra giáo viên cũng chỉ ra ở mức trung bình. “Sân chơi” cho học sinh khá giỏi gần như không có.
Những đề kiểm tra như vậy thì đối tượng học sinh khá giỏi làm rất đơn giản và mất rất ít thời gian nên khó phát huy được tính sáng tạo, tìm tòi của nhiều em học trò.
Sự máy móc, áp đặt của nhiều cán bộ nơi cơ sở họ chỉ căn cứ vào những kết quả tổng kết hàng năm mà chưa chú trọng đến việc phát triển tư duy, sáng tạo của học trò nên đã có những chỉ đạo mang tính áp đặt.
Chính vì vậy, sách Chuẩn kiến thức kỹ năng vô tình lại đang là vật cản cho sự phát triển của ngành giáo dục hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh nhưng cách chỉ đạo của Bộ và cơ sở nhiều khi vẫn chưa thực sự cởi trói cho giáo viên.
Trong khi ngành đang hướng tới việc tự chủ trong giáo dục, khuyến khích giáo viên sáng tạo nhưng cán bộ cơ sở lại bắt giáo giáo viên phải thực hiện giống nhau từng cái kế hoạch, từng hoạt động dạy học trong giáo án, từng nội dung trong Chuẩn kiến thức kỹ năng. Vô tình đang tự đánh mất đi những khâu đột phá, sáng tạo của cả thầy và trò.