Liệu còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa lớp 1?

23/11/2019 07:55
Thùy Linh
(GDVN) - Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định “Đạt”, có tới 4 bộ thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vượt qua các vòng thẩm định, 32 cuốn sách thuộc 5 bộ sách giáo khoa, thuộc các nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm và đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất với 26/32 cuốn (4/5 bộ sách).

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định “Đạt”, có tới 4 bộ thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, liệu có tính độc quyền sách giáo khoa lớp 1?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - ông  Thái Văn Tài cho rằng, tính độc quyền sách giáo khoa chỉ có khi một bộ sách giáo khoa. Bây giờ có nhiều bộ sách giáo khoa lớp 1 đến từ nhiều nhóm tác giả khác nhau và nhiều nhà khoa học khác nhau. Như vậy, khi có sự đa dạng sách giáo khoa và tác giả viết sẽ không có tính độc quyền.

Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định “Đạt”, có tới 4 bộ thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định “Đạt”, có tới 4 bộ thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Thái Văn Tài cũng phản hồi về việc địa phương lựa chọn sách giáo khoa rằng: "Luật không quy định lựa chọn sách giáo khoa theo bộ hay môn.

Việc lựa chọn sách giáo khoa có chất lượng nhất là dựa trên tính phù hợp của từng bộ môn đối với địa phương.

Đây chính là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng. Cho nên, chúng ta không nên quá băn khoăn với tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài nhấn mạnh. 

Bộ sách giáo khoa đã được niêm yết và giá sách phụ huynh mua có gì khác nhau?

Còn về vấn đề giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ căn cứ việc xây dựng cơ chế tài chính, bởi sách giáo khoa có ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng, nên trong thời gian tới, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra giá sách phù hợp nhất, tránh tình trạng tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, trên tinh thần thực hiện xã hội hóa, sẽ có giải pháp hỗ trợ các thư viện trên cả nước, đối với những vùng khó mua sách giáo khoa. Cụ thể, huy động thực hiện đáp ứng các đối tượng vùng khó, trang bị thư viện, học sinh vùng khó được mượn sách, thay vì phải mua sách giáo khoa.

Thùy Linh