Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên làm gì khỏi ngã gục trên bục giảng?

02/06/2019 07:25
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Với giáo viên, sẵn sàng tâm lý, công tác “trọn đời cho sự nghiệp giáo dục”. Có kế hoạch phù hợp với sức khỏe của bản thân mình.

LTS: Thông tin dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động khiến nhiều giáo viên cảm thấy lo lắng.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ bài viết thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công tác trong ngành giáo dục đã hơn 30 năm, thầy giáo Tr. bần thần khi nghe thông tin tuổi nghỉ hưu tăng lên nam 62, nữ 60 theo lộ trình mới, từ năm 2021.

Thầy tâm sự “Mình đã công tác qua 6 trường khác nhau, tiễn đúng 18 người nghỉ dạy.

Giờ thống kê lại có 3 giáo viên nữ, nhận lương hưu được hai năm, như vậy là 57 tuổi; có 5 giáo viên nữ nhận được nhận được nhận lương hưu được 4 năm, như vậy là 59 tuổi. Có 2 giáo viên nữ, nhận được 6 năm, như vậy 61 tuổi; một nữ giáo viên còn sống nay 63 tuổi.

Với 5 giáo viên nam, một người xin nghỉ hưu trước 2 năm, một năm sau chết; ba người nhận được 3 năm lương hưu, như vậy 63 tuổi; 1 giáo viên còn sống, năm nay 67 tuổi.

Năm nay, có một thầy làm hồ sơ nghỉ hưu trước hai năm, nhận tiền một lần vì có bệnh hiểm nghèo; một thầy tháng 12/2019 nghỉ hưu, thầy giáo này dạy hết tiết, áo đẫm mồ hôi, cao huyết áp, tiểu đường típ 2, có dấu hiệu ung thư thanh quản.

Mình sang năm làm hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi, may ra còn được nhận vài năm lương hưu; buổi đến trường, buổi đi bệnh viện, kiểu này không nghỉ, e chết gục trên bục giảng”.

Giáo viên cần xác định tâm lý “trọn đời cho sự nghiệp giáo dục” (Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)
Giáo viên cần xác định tâm lý “trọn đời cho sự nghiệp giáo dục” (Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)

Tăng tuổi nghỉ hưu giáo viên, ai chịu thiệt thòi nhất?

Trước tiên, người viết xin lỗi các đồng nghiệp “già”. Nói thật lòng, nghề giáo “càng dạy, càng dốt”, chứ chẳng phải “gừng càng già, càng cay”. Càng già, “sức ì”, “bảo thủ” càng phát triển, tất cả đều do “sinh lý tuổi già” gây ra.

Thời nay, sự phát triển của công nghệ, xã hội nhanh như vũ bão, giáo viên nào mà cứ “vỗ ngực, xưng tên” với học trò, thật ra đang “ngồi đáy giếng”, thầy cô chỉ là người biết trước, học trước; giáo viên không tự học, tự trau dồi kiến thức, kĩ năng càng “dốt”.

Số giáo viên “càng già, càng cay” không phải là không có, mà “không nhiều lắm”. Khi đi công tác các trường, nếu kiểm tra hồ sơ, dự giờ giáo viên “già”, người thanh tra đều nhận được câu “nói nhỏ” của cán bộ hoặc của “giáo viên già”: “thầy (cô) ấy già, sắp về hưu rồi, em thông cảm…”.

Ai chẳng có tuổi trẻ, nhưng “tuổi già” không phải ai cũng có, “trọng già, già để tuổi cho”; có người cả đời đi dạy, sắp về hưu mới có “tiết dạy giỏi”!

Phần lớn giáo viên có tuổi cận hưu, chất lượng giảng dạy “lực bất tòng tâm”, lúc đó người chịu thiệt thòi nhất là học sinh chứ không phải ai khác.

Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên gục trên bục giảng?

60 tuổi thì giáo viên mầm non, tiểu học sao dạy hát múa cho trẻ?

Nếu nhìn vào “bảng thống kê” của thầy giáo Tr., người viết đã tâm sự, sẽ có “không ít” giáo viên “gục” trên bục giảng nếu theo tuổi nghỉ hưu dự kiến. Đó là sự thật, không chối cãi.

Làm sao để giáo viên không gục trên bục giảng?

Cần có thống kê tuổi thọ trung bình của giáo viên là bao nhiêu với nam, với nữ. Từ đó có chính sách đặc thù cho giáo dục.

Việc chuyển giao thời đại công nghệ, cần có giáo viên trẻ, có năng lực tiếp thu, truyền đạt, giáo dục; tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên lúc này có phù hợp không? Chẳng khác người già chặn đường người trẻ, dân ta có câu “đó rách, ngáng trộ”!

Với giáo viên mầm non, cần có chính sách bồi dưỡng những người từ 50 tuổi, chuyển đổi bậc giảng dạy. (Trước đây đã làm).

Với giáo viên, sẵn sàng tâm lý, công tác “trọn đời cho sự nghiệp giáo dục”. Có kế hoạch phù hợp với sức khỏe của bản thân mình. Nếu không đảm bảo “phong độ” thì xin ban huấn luyện nghỉ “thi đấu”.

Tăng cường tập thể dục, thể thao ở mức độ phù hợp với lứa tuổi; đảm bảo ít nhất mỗi ngày có 30 phút hoạt động thể lực như đi bộ, đi xe đạp v.v...

Tầm soát các bệnh nghề nghiệp, không hút thuốc, không uống nhiều bia rượu.

Lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực; quên tuổi tác, quên bệnh tật, nhớ chia sẻ, yêu thương. Tự học, tự rèn luyện các kĩ năng mới, cũng là cách “thể dục” trí não; sẵn sàng tiếp thu cái mới, già càng dẻo, càng dai!

Sơn Quang Huyến