Giáo viên nghỉ hưu ở tuổi bao nhiêu là hợp lý?

07/05/2019 07:04
MAI CÔNG TÌNH
(GDVN) - Đặc thù là ngành phải dùng ngôn ngữ nhiều nên có nhiều người mới gần 60 tuổi thôi đã cảm thấy như nói không ra hơi sau khi phải đứng lớp hàng tiếng đồng hồ...

LTS: Trước đề xuất về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhà giáo Mai Công Tình chia sẻ về tính đặc thù của nghề giáo để hi vọng các giáo viên được về hưu ở độ tuổi phù hợp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu như sau:

Phương án 1:

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2:

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ảnh minh họa trên Báo Nghệ An
Ảnh minh họa trên Báo Nghệ An

Đây là dự thảo độ tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề. Tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục thì các phương án này liệu đã hợp lí? Với tư cách là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi xin có những ý kiến về nội dung này như sau:

Tăng độ tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Đặc biệt là trong tương lai gần Việt Nam sẽ là nước có tỉ lệ dân số già.

Hơn nữa trong thời gian qua, do mức sống của người dân được nâng cao nên tuổi thọ bình quân của nước ta cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, đối với lĩnh vực giáo dục, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ có nhiều vấn đề bất cập.

Mặc dù đã tăng tuổi thọ nhưng có một thực tế là về thể trạng của người Việt Nam ta là nhỏ bé, sức khỏe không thể bằng người các nước khác. Vậy nên khi đến tuổi 60 rất nhiều người hay bị ốm đau phải nằm viện.

Trong khi đó theo biên chế con người thì ở cấp học như Tiểu học mỗi lớp chỉ có một giáo viên đứng lớp. Khi ấy không có người đứng lớp thay cho giáo viên bị ốm sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn nhà trường, đến chất lượng học tập và học sinh.

Hay như đối với giáo viên mầm non, nếu cô giáo đứng lớp là một người 59, 60 tuổi thì liệu có đảm đương được khối lượng công việc, thời gian gần như kín cả ngày ở trường, trên lớp hay không? Rồi tâm lí học sinh, phụ huynh chỉ muốn được học với cô giáo “trẻ, đẹp”.

Giáo viên nghỉ hưu ở tuổi bao nhiêu là hợp lý? ảnh 2“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng

Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới toàn diện, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Với những người có tuổi cao sẽ là vô cùng khó khăn. Không phải là họ không cố gắng, không học hỏi, nhưng khi mà mắt đã mờ, tai đã nhãng, chân tay đã chậm thì họ sẽ gặp không ít trở ngại.

Hơn nữa do đặc thù là ngành phải dùng ngôn ngữ nhiều nên có nhiều người mới gần 60 tuổi thôi đã cảm thấy như nói không ra hơi sau khi phải đứng lớp hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Nhiều giáo viên từ khi ra trường đến khi về hưu đã có cống hiến gần 40 năm cho sự nghiệp giáo dục nên họ muốn được nghỉ ngơi, sống an nhàn tuổi già cùng con cháu. Đây cũng là một ước nguyện chính đáng mong được các cấp quản lí cùng chia sẻ.

Mặc dù mới là dự thảo và còn cần nhiều ý kiến để cho dự thảo được hợp lý và tạo được sự đồng thuận lớn nhất của tất cả mọi người dân.

Tuy nhiên với cá nhân, tôi mong rằng trong dự thảo cũng cần tính tới cả đặc thù nghề nghiệp, đặc thù riêng ở mỗi cấp học để khi thực hiện trong thực tế đảm bảo tốt nhất cho lợi ích chính đáng của mỗi người dân.

MAI CÔNG TÌNH