Thông tin cho hay trong buổi gặp song phương ngày 19/02/2020 giữa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, ông Vương Nghị đề nghị sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam cùng với việc “Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam; tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác thực chất trên các lĩnh vực”. [1]
Đề xuất của ông Vương Nghị về việc sớm cho công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và việc có nên tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học là hai vấn đề lớn nên được xem xét cẩn trọng.
Theo suy nghĩ cá nhân, hiện chưa phải làm thời điểm thích hợp để những người từ các quốc gia bị dịch bệnh hoành hành nhập cảnh ồ ạt vào Việt Nam.
Chỉ riêng trong một số lĩnh vực như hàng không, du lịch, báo chí quốc tế đánh giá Việt Nam có thể bị thiệt hại hàng tỷ đôla do việc ngừng hàng loạt chuyến bay và kiểm soát chặt chẽ số người nhập cảnh từ các vùng có dịch, kể cả người Việt Nam từ đó trở về.
Việc giao lưu hàng hóa cần phải được thông suốt nhưng chuyện người từ các quốc gia đang bùng phát dịch nhập cảnh vào Việt Nam cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Chấp nhận những tiếng ì xèo của một số du khách đến từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) và những hoạt động thiếu thiện chí của YTN News (Kênh tin tức 24 giờ Hàn Quốc) là điều cần thiết bởi số người nhiễm virus tại Hàn Quốc hiện đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Chính Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun ngày 22/02/2020 đã phải thừa nhận “đợt bùng phát COVID-19 tại nước này đang bước vào tình huống nghiêm trọng". [2]
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Riêng ngày 28/02/2020, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Hàn Quốc cho biết nước này ghi nhận thêm 256 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cho đến nay lên 2.022 ca.
Cần phải nói thêm rằng, đề xuất của ông Vương Nghị hoặc ý kiến của YTN News là xuất phát từ quyền lợi của đất nước họ, Việt Nam tôn trọng quyền biểu đạt quan điểm của mọi bên nhưng không vì thế mà xem nhẹ việc phòng chống đại dịch đã lan rộng tới năm châu (Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc) trừ Nam Cực và Bắc Cực.
Nếu thiện chí, nếu có những hiểu biết về đại dịch Covid-19, những du khách đến từ Hàn Quốc và YTN News sẽ không đưa tin một chiều và những cáo buộc vô căn cứ như “khu cách ly Việt Nam nghèo nàn, chỉ cho ăn vài mẩu bánh mì”. [3]
Thiết nghĩ người dân và chính phủ Hàn quốc không nên bị một số thông tin sai lệch từ một nhóm người và YTN News mà nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tiêu cực.
Gác lại quá khứ, tạo dựng niềm tin giữa hai quốc gia và giao lưu hữu nghị giữa hai dân tộc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mang lại nhiều lợi ích cho Hàn Quốc chứ không chỉ cho Việt Nam, điều này chắc hẳn lãnh đạo các doanh nghiệp như Sam Sung, LG, Kia Motors,… và chính giới Hàn Quốc hiểu rõ hơn ai hết.
Những người trả lời phỏng vấn của YTN News và ban lãnh đạo kênh tin tức này cũng nên biết thêm thông tin về chuyện ông Khaltmaagiin Battulga, tổng thống Mông Cổ, cùng toàn bộ phái đoàn tháp tùng đã buộc phải tuân thủ quy định cách ly y tế phòng dịch COVID-19 sau chuyến công tác từ Trung Quốc trở về.
Chính phủ Việt Nam – như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan |
Đây là chủ trương đúng đắn được người Việt hoàn toàn ủng hộ.
Với việc bệnh nhân cuối cùng nhiễm Covid-19 xuất viện, Việt Nam đã khống chế tốt tình trạng lây lan đại dịch này nhưng chưa có gì bảo đảm chắc chắn, rằng không còn bất kỳ ai đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam không mang trong mình mầm bệnh.
Ngay cả với những người đã khỏi bệnh, khả năng tái phát không thể loại trừ.
Tại Nhật Bản, một hướng dẫn viên du lịch sinh sống ở thành phố Osaka bị nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện ngày 01/02/2020.
Đến ngày 19/02/2020 người này bị ốm trở lại và kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.
Giới chức y tế tỉnh Osaka cho rằng, người phụ nữ này có thể đã tái nhiễm virus Covid-19 hoặc virus trong cơ thể người này vẫn tiếp tục nhân bản.
Vấn đề thứ hai là chuyện cho học sinh đi học trở lại.
Với học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học, cao đẳng nếu tiếp tục nghỉ học sẽ không gây nhiều khó khăn cho các gia đình khi bố mẹ đều làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp vì các cháu đã đủ lớn để tự chăm sóc bản thân.
Mặt khác khối trung học phổ thông còn bị lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nên không thể lùi thời gian học thêm nữa.
Ngược lại, học sinh tiểu học và trung học cơ sở nghỉ ở nhà nếu không có người trông nom sẽ mang đến nhiều bất cập.
Việc học trực tuyến hoặc qua truyền hình chỉ có thể thực hiện với học sinh có ý thức tự giác cao và gia đình có các phương tiện phù hợp.
Liệu học sinh nghỉ học ở nhà còn người lớn vẫn đi làm có tránh được tiếp xúc với môi trường bên ngoài? Liệu cha mẹ học sinh đi làm về có ai lập tức tẩy trùng quần áo và sát khuẩn cơ thể?
Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chính quyền địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ học thêm từ 1- 2 tuần để phòng dịch Covid-19 là sự thận trọng cần thiết nhưng nếu không làm đồng bộ với các biện pháp khác e rằng chưa chắc đã mang lại kết quả tốt.
Nghỉ học thêm 1-2 tuần nếu sau đó toàn quốc tuyên bố hết dịch sẽ cho các cháu đi học đúng là lý tưởng.
Vấn đề là nếu sau 2 tuần – tức là đến giữa tháng 3/2020 – tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì có tiếp tục cho nghỉ hay vẫn phải đi học lại?
Vậy phải chăng ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương cần lên phương án cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đi học lại vào 15/03/2020?
Nếu học sinh đi học lại thì phương tiện đưa đón, kiểm tra y tế và các biện pháp khẩn cấp sẽ như thế nào? Có cần thiết tăng cường lực lượng y tế dự phòng đến các cơ sở giáo dục hay chỉ cần lực lượng nhà giáo là đủ?
Người viết cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo ngành Y tế bổ sung lực lượng cho các cơ sở giáo dục chứ không thể khoán trắng cho thày cô giáo bởi họ thiếu chuyên môn về y học và còn phải lo chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, nơi nhiều học sinh sử dụng xe bus đi học, chính quyền cần có biện pháp tẩy trùng các phương tiện vận tải công cộng đề phòng lây nhiễm.
Cho học sinh nhỏ tuổi nghỉ học tuy cần thiết nhưng không phải là biện pháp căn cơ.
Điều quan trọng lúc này là ngành Y nhanh chóng tìm ra thuốc trị bệnh đồng thời làm việc với các nhà khoa học đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex cung cấp đại trà cho các cơ sở y tế và giáo dục bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19 mà các cơ quan này vừa chế tạo.
Theo đó ngay từ ngày 10/02/2020 bộ công cụ phát hiện nhanh chủng virus Corona mới cho kết quả trong vòng 70 phút đã thử nghiệm thành công. [4]
Được biết ngày 17/02/2020, các chuyên gia thuộc Đại học Nam Khai - Thiên Tân, Trung Quốc cho biết họ cũng đã phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19 chỉ trong vòng 15 phút.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu: “Tôi không coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay, hay khả năng dịch (corona) trở thành đại dịch, vì đang có khả năng đó. Tất cả các nước, dù có ca nhiễm hay không, cần phải chuẩn bị cho khả năng đại dịch”.
Với khuyến cáo đó, những dụng cụ kiểm tra trong vòng một giờ có thể kết luận dương tính với Covid-19 hay không sẽ góp phần phòng bệnh hữu hiệu hơn là tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/ong-vuong-nghi-de-nghi-som-khoi-phuc-cho-cong-dan-trung-quoc-sang-viet-nam-20200219223044583.htm
[2] https://tuoitre.vn/dich-covid-19-ngay-22-2-toan-bo-17-tinh-thanh-han-quoc-deu-co-ca-nhiem-20200222082809112.htm
[3] https://nld.com.vn/thoi-su/vu-doan-du-khach-han-quoc-bi-cach-ly-neu-fairplay-dai-ytn-news-phai-cai-chinh-va-xin-loi-2020022711534326.htm
[4] http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Viet-Nam-tim-ra-cach-thu-virus-Corona-trong-vong-70-phut/387120.vgp