Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lùi lịch thi trung học phổ thông quốc gia đến ngày 8-11/8/2020 và hiện nay học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 tại Hà Nội đang được học qua online, truyền hình. Là giáo viên Toán, trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội, thầy giáo Trần Mạnh Tùng có một vài chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về phương thức học tập hoàn toàn mới này.
Theo thầy Tùng, các hình thức dạy học online, qua truyền hình ở Hà Nội được triển khai mạnh mẽ gần đây là một tín hiệu đáng mừng nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo kịp thời giúp cho các nhà trường có căn cứ pháp lý và phương pháp làm việc kịp thời giúp học sinh không bị trôi quá nhiều kiến thức.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng dạy học online (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng, đây là hình thức dạy học còn mới nên có rất nhiều khó khăn “bủa vây” ngay từ đầu như:
Thứ nhất là thiếu tính đồng bộ: Do có sự khác nhau về nền tảng công nghệ thông tin của giáo viên, về cơ sở vật chất, về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học; thậm chí khác nhau cả chủ trương nên mỗi nơi, mỗi người một kiểu dẫn đến hiệu quả giáo dục không cao.
Thứ hai là việc triển khai rất bị động: Do diễn biến dịch Covid 19 là khó đoán nên việc nghỉ học và xây dựng chương trình học online của ngành giáo dục cũng phải … chạy theo.
Trước đây, một giáo viên muốn livestream một buổi dạy, cần vài ngày chuẩn bị, lâu lâu mới có một buổi. Bây giờ, hầu khắp mọi nơi là vừa làm vừa học, vừa dạy vừa sửa.
Cô giáo làng tiên phong dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh |
Điều đáng tiếc là, chúng ta chưa có kho tài nguyên có sẵn để dùng chung, dẫn đến mỗi giáo viên phải tự soạn bài từ đầu gây mất thời gian và hiệu quả không đồng đều.
“Nhiều giáo viên tâm tư, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ chuyên viên đông đảo, quản lý hàng chục, hàng trăm nhà trường mà đến khi cần sử dụng tài nguyên lại … không có gì thì cũng buồn thật.
Ngay cả việc dạy qua truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có các văn bản yêu cầu các nhà trường nhắc học sinh tham gia học, sau này có kiểm tra, đánh giá nhưng tôi thấy rất mơ hồ.
Tôi cũng cảm thấy, các đài truyền hình vào cuộc hơi bị muộn”, thầy Tùng nêu quan điểm.
Thứ ba là tính tự giác của học sinh còn yếu: Có thể nói, tính tự giác của người Việt nói chung cũng chưa hẳn là cao, các em học sinh cũng không phải ngoại lệ.
Ngay cả khi học trên lớp, nhiều học sinh cấp 3 mà còn phải nhắc từng việc trong khi học online từ xa thì việc tự giác cần phải đặt lên hàng đầu.
Điểm yếu của học qua truyền hình là không có sự tương tác. Với các hình thức dạy học online khác (Dùng zoom, office 365, hangouts, skype, …) cũng có trao đổi hai chiều nhưng hạn chế rất nhiều so với học trực tiếp, chưa kể nhiều học sinh “quái” đến mức có thể “qua mặt” thầy cô dễ dàng.
Bởi thế, theo thầy Tùng, sự tích cực, tự giác của mỗi học sinh mang tính quyết định chất lượng dạy học online. Và đây chính là khó khăn lớn nhất.
Mặc dù việc học qua online, truyền hình còn nhiều thử thách tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng nếu học sinh có kế hoạch học tập tốt thì chất lượng ôn luyện sẽ vẫn đạt hiệu quả cao.
Muốn làm được như vậy thì trước hết, các em cần ổn định tư tưởng bởi lẽ dịch bệnh gây khó khăn cho cả xã hội, các em học sinh cuối cấp cũng gặp rất nhiều trở ngại trong việc học và ôn thi.
Tuy nhiên, các quyết định về thi cử sắp tới sẽ dựa trên các khó khăn thực tế đó để có hướng điều chỉnh hợp lí. Các em không nên quá lo lắng hay phân tán tư tưởng. Việc cần làm bây giờ là tập trung cao độ để ôn thi.
Tiếp theo, mỗi em nên xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình. Kế hoạch cần chi tiết, hợp lý và nghiêm túc thực hiện theo. Có 2 căn cứ để xây dựng kế hoạch học tập đó là dựa vào thời khóa biểu của lớp, công việc các thầy cô giao và dựa vào nền tảng kiến thức của mỗi học sinh: Các em tham khảo nội dung đề thi, rà soát các kiến thức cơ bản xem mình còn yếu, còn thiếu phần, thiếu kỹ năng nào để lên kế hoạch ôn tập, lấp chỗ trống.
“Tôi vẫn nói với học sinh, thời gian của học kỳ 2 này đắt gấp 3, 4 lần các thời gian trước nên các em không được để lãng phí, nhất là khi thời tiết còn tương đối dễ chịu. Nghỉ dịch dài, ít đi lại nên các em cũng có nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch của mình”, thầy giáo này chia sẻ.
Ngoài ra, các em cần chủ động và tích cực học online theo chương trình của trường, của đài truyền hình và tham khảo thêm của những nơi uy tín khác.
Khi học online, các em nên có sự chuẩn bị chu đáo (kiến thức, tài liệu, thiết bị, phương tiện), phát huy hết sự tương tác và học bài, làm bài về nhà đầy đủ. Trong trường hợp còn vướng mắc sau bài học, hãy trao đổi cùng bạn bè, mạnh dạn hỏi lại thầy cô. Cố gắng phát huy hết sức mạnh hỗ trợ của internet.
Bên cạnh đó, mỗi tuần các em nên làm ít nhất 1 đề thi thử/ 1 môn để tự đánh giá và rèn kỹ năng làm bài. Nguồn đề trên mạng khá phong phú, các em chỉ cần chọn đề của những nơi uy tín và có đáp án. Đề trắc nghiệm nên việc tự chấm cũng thuận lợi.
Học sinh hãy tích cực làm các đề thi thử để “cọ xát”
Để chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020, riêng đối với môn Toán, thầy Tùng cho rằng các em học sinh lớp 12 cần lưu ý rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần nhấn mạnh “đề thi tương tự năm 2019” do đó các em chỉ cần tham khảo đề minh họa và đề chính thức của năm ngoái để có hướng học và ôn thi hiệu quả.
“Theo tôi, ở thời điểm hiện tại, với môn Toán các em nên học “2 trong 1”: Một là, các em học bài mới theo chương trình của trường.
Hai là, các em rà soát và ôn lại từ chương 1 của lớp 12. Hãy ôn phần 12 trước, phần lớp 11 nếu có thì sẽ ôn sau cho đỡ quên.
Môn Toán rất thuận lợi để ôn thi: Hãy ôn theo từng chương, từng bài. Thời điểm này, nên tập trung các kiến thức cơ bản, chưa cần sa đà vào các bài khó, phức tạp. Muốn có 8, 9 điểm, các bạn cần chắc chắn có 6, 7 điểm đã.
Bên cạnh đó, hãy tích cực làm các đề thi thử để “cọ xát” dần với các dạng bài hay thi. Khi làm đề, nên làm hết mình (nếu bấm giờ đúng 90 phút thì càng tốt). Làm xong, nên có chấm, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề minh họa theo hướng giảm tải, đơn giản hơn. Lúc đấy các em sẽ có thêm căn cứ để học và ôn thi đúng trọng tâm.
Theo tôi, đề năm nay sẽ đơn giản hơn năm 2019 nên chắc kiến thức cơ bản và có kỹ năng làm bài cẩn thận là một lợi thế”, thầy Tùng nhận định.
Thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất: không có chương trình lớp 11 trong đề thi trung học phổ thông quốc gia 2020. Nếu làm được điều này thì thầy và trò sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy, học và ôn thi, khắc phục khó khăn của đợt nghỉ dịch kéo dài (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Dịch Covid-19 khiến học sinh cả nước không đến trường trong một thời gian dài, đến nay không ít địa phương băn khoăn tháng 7 cao điểm nắng nóng, tác động không tốt đến việc ôn luyện thi do đó nên xét đặc cách tốt nghiệp chứ không nên tổ chức kỳ thi quốc gia nữa, thầy Tùng không đồng ý với kiến nghị này.
Bởi lẽ, theo thầy Tùng, khó khăn lớn nhất của học sinh hiện nay chính là việc nghỉ dịch kéo dài, làm gián đoạn việc học và xáo trộn nhiều trong đời sống, sinh hoạt. Khi còn thi đại học kiểu tự luận, chúng ta đã có hơn chục năm thi vào tháng 7 cũng nắng, nóng, cũng vất vả nhưng không phải là trở ngại qúa lớn.
Hơn nữa, hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đang đóng “2 vai”: vừa để xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Trong khi đó, hầu hết các trường đại học, cao đẳng vẫn đang sử dụng kết quả của kỳ thi này. Thời gian còn lại quá ít để các trường có thể xây dựng kế hoạch và triển khai tự tổ chức thi tuyển vào trường mình.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần nhấn mạnh, sẽ giữ ổn định kỳ thi này đến hết năm 2020. Trong tình hình hiện nay, tính ổn định là cần thiết, tránh có các điều chỉnh làm học sinh hoang mang, mất phương hướng”.
Từ những quan điểm nêu trên, thầy Tùng kiến nghị, đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 nên tinh giản hơn, nhẹ nhàng hơn năm 2019, chú trọng kiến thức học kỳ 1 lớp 12.
Và đặc biệt, “tôi đề xuất: không có chương trình lớp 11. Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc. Nếu làm được điều này thì thầy và trò sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy, học và ôn thi, khắc phục khó khăn của đợt nghỉ dịch kéo dài”, thầy Tùng kiến nghị.