Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư này có hiệu lực từ 12/02/2020.
Tại khoản 2, Điều 2 đã hướng dẫn dẫn: “Nguyên tắc của Hội thi là dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực của giáo viên tham gia Hội thi” nhưng có lẽ nó chỉ đúng trên văn bản còn thực tế tại các đơn vị trường học thì chữ “tự nguyện” thường đi liền với từ…bắt buộc.
Hội thi giáo viên giỏi các cấp chưa thực sự cuốn hút giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Hòa Bình) |
Từ rất lâu rồi, Hội thi giáo viên giỏi các cấp chưa bao giờ là tự nguyện bởi thi cấp huyện, cấp tỉnh thì bao giờ Sở, Phòng cũng là sự phân bổ số lượng cụ thể cho các đơn vị. Thi cấp trường thì Ban giám hiệu phân bổ chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn từ những ngày Đại hội cán bộ, viên chức đầu năm học.
Đơn vị chúng tôi đang công tác đã tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cấp trường từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua. Trường có 45 giáo viên đang dạy lớp thì có tới 42 giáo viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp trường.
Kết quả, 100% giáo viên tham dự đều đạt danh hiệu “giáo viên giỏi cấp trường”. Những ngày diễn ra Hội thi, không chỉ giáo viên tất bật chuẩn bị mà học sinh cũng được xoay như chong chóng.
Trong 2 tuần diễn ra Hội thi, lớp học nào cũng làm địa điểm thi của nhiều thầy cô giáo. Vậy nên, nhiều em học sinh cảm thấy mệt mỏi và cũng chán ngán khi liên tục phải đóng vai hiền ngoan, tích cực xây dựng bài để “ủng hộ” thầy cô của mình.
Ngay những ngày đầu họ kỳ II này, một số giáo viên trong trường lại được dịp bàn tán xôn xao chuyện Hiệu trưởng gọi điện cho mình để động viên tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện.
Vẫn là những câu chữ cực kỳ hoa mỹ mà chúng tôi vẫn thường được nghe khi các phong trào của ngành phát động.
Đầu tiên, hiệu trưởng khích lệ bằng cách đề cao giáo viên được gọi để tham dự Hội thi như: Tôi thấy thầy, (cô) là người có năng lực nên mới chọn mặt gửi vàng. Tham dự Hội thi cấp huyện là đem lại thành tích, uy tín cho nhà trường mà cũng là uy tín của thầy (cô).
Cuối năm, khi xét thi đua thì chúng tôi sẽ lưu ý những giáo viên tích cực tham gia những phong trào của ngành, của trường. Giáo viên khi được hiệu trưởng gặp gỡ, gọi điện và khích lệ như vậy thì cũng rất khó chối từ. Nhất là cái giọng nửa đùa, nửa thật của hiệu trưởng khi chốt vấn đề: Danh sách của thầy (cô) tôi đã nộp về Phòng rồi.
Dù giáo viên thừa biết là hiệu trưởng chưa lên danh sách, chưa nộp về Phòng nhưng làm sao có thể chối từ được lời đề nghị của người đứng đầu đơn vị? Chối từ cũng đồng nghĩa với việc tự rước lấy những phiền toái và trở thành nhân vật được “lưu ý” trong mọi công việc, mọi hoạt động của nhà trường về sau.
Vì thế, giáo viên vẫn thường nói vui với nhau rằng ở trường học bây giờ phát động cái gì cũng đều nói trên tinh thần tự nguyện của giáo viên nhưng đa số đều là kiểu tự nguyện…bắt buộc.
Hội thi giáo viên giỏi tới đây có gì khác?
Khi Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, một số giáo viên thấy nó đã đi vào thực chất hơn. Như, Ban tổ chức Hội thi chỉ báo trước người tham dự 2 ngày và học sinh phải giữ nguyên trạng về sĩ số.
Nhưng, sự thật thì 2 ngày cũng đủ thời gian để giáo viên có thể “dạy nháp” trước một số tiết để làm vốn cho mình. Bởi, khi thi cấp huyện, cấp tỉnh bao giờ nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa cho giáo viên của mình.
Điều chúng tôi lưu tâm là Hội thi giáo viên giỏi các cấp tới đây sẽ không yêu cầu giáo viên phải viết và nộp sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả như trước đây.
Nhưng, lại yêu cầu giáo viên: “Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trong thời gian không quá 30 phút”. Thực tế, nó chỉ khác tên gọi chứ cũng na ná như một sáng kiến kinh nghiệm trước đây chứ có khác gì đâu. Nó còn phức tạp hơn khi giáo viên phải trình bày trực tiếp trước Hội đồng.
Vì sao giáo viên không thích dự thi Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh?
Hội thi giáo viên giỏi các cấp lâu nay rất nặng tính diễn mà không hiệu quả, ít quyền lợi nên giáo viên người ta không hứng thú cũng là điều dễ hiểu. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện nhưng có những địa phương, có những trường không chú trọng việc khen thưởng.
Thậm chí chỉ thông báo qua email rồi thôi nên giáo viên không hứng thú cũng là chuyện rất bình thường. Hơn nữa, Hội thi giáo viên giỏi các cấp thì năm nào cũng thi, không cấp này thì cấp khác...
Trong xét thi đua mấy năm nay thì danh hiệu giáo viên giỏi các cấp không còn quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm nên dù đạt danh hiệu giáo viên cấp tỉnh mà không có sáng kiến kinh nghiệm thì cũng chỉ được xét viên chức ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” là tối đa. Xét thi đua chỉ cao nhất là đanh hiệu “lao động tiên tiến…
Một khi quyền lợi không có, áp lực Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh lại rất lớn nên giáo viên người ta chỉ dừng lại ở cấp trường rồi thôi. Việc giáo viên tự nguyện đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cực kỳ hiếm mà có đi thì đa phần cũng đều là kiểu “tự nguyện”…bắt buộc là chính.