Theo đó, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, việc phân loại và xử lý đơn, thư được thực hiện như sau:
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
1. Giao Văn phòng Chính phủ xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết đối với những đơn, thư do các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác chuyển đến; đơn thư phản ánh vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; vụ việc dư luận xã hội quan tâm; vụ việc có dấu hiệu giải quyết không đúng pháp luật.
Các đơn, thư còn lại chuyển Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
2. Giao Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước; đơn, thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thông qua việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xử lý đơn, thư của công dân, tổ chức gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Định kỳ hàng quý tổng hợp tình hình xử lý đơn, thư báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Giao Bộ Tư pháp tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về việc thi hành án dân sự; việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.