Giáo viên không có lương tháng 13 như nhiều ngành nghề khác, đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ không có tiền thưởng Tết.
Thưởng Tết của giáo viên thể hiện cái tài, cái tâm của hiệu trưởng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Tuy nhiên một số tỉnh thành đã có quy định, nếu trường nào biết tiết kiệm từ số tiền ngân sách cấp cho các hoạt động trong năm, nhà trường có quyền dùng để chi thu nhập tăng thêm cho nhà giáo.
Vậy nên mới có chuyện kinh phí trên cấp về như nhau nhưng cuối năm có trường giáo viên được nhận dăm triệu/người, trường thì vài triệu nhưng có trường lại chẳng có một xu.
Trước tình trạng ấy sao không có những lời bàn ra tán vào? Sao không có sự so sánh nọ kia?
Sao không có những nghi ngờ tiêu cực cho chính lãnh đạo nhà trường? Vì lẽ đó, không ít hiệu trưởng cảm thấy áp lực, đau đầu khi mỗi độ Tết đến xuân về.
Trường sát vách nhau mà mức thưởng nơi trên trời, nơi dưới đất
Một số đồng nghiệp một trường tiểu học (xin được giấu tên) cho biết, trường mình và một trường láng giềng (kế bên) có mức thưởng hơn kém nhau đến 10 lần.
Trong khi cường độ làm việc của hai trường như nhau.
Cô M. nói, trường mình thưởng vào dịp Tết 2018-2019 là 500 ngàn/người.
Còn trường bạn thưởng 5 triệu đồng/người. Lý do có sự chênh lệch (do hiệu trưởng đưa ra) là do trường mình xây dựng nhiều cơ sở vật chất, mua sắm, tiếp khách nhiều.
Cô H. kế toán trường cho biết, 500 ngàn dùng để thưởng cho giáo viên cũng là tiền mượn ngân sách của năm tới. Một kiểu ăn trước trả sau để an ủi giáo viên, chẳng lẽ làm cả năm đến cuối năm lại không có gì?
Trường thưởng ít, hiệu trưởng và kế toán giải thích rằng mua sắm, sửa chữa nhiều cơ sở vật chất. Nhưng trường thưởng nhiều họ vẫn mua sắm, vẫn sửa chữa cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm nhưng sao họ vẫn dư?
Tiền thưởng Tết cho giáo viên không thể lấy một trường ở địa phương này để so sánh với một địa phương khác.
Bởi vì ngân sách của từng địa phương cấp về cho trường đều khác nhau. Nhưng giữa hai trường cùng trong địa bàn, trường có thưởng trường lại không, trường thưởng nhiều, trường chẳng có một xu cũng cần phải nói đến cái tài và cái tâm của từng hiệu trưởng.
Cái tài và cái tâm của người hiệu trưởng
Cái tài của hiệu trưởng là đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Xin nói thêm, không phải kiểu làm chia tiền bình quân cho từng học sinh đóng góp như việc làm của không ít hiệu trưởng hiện nay.
Cách làm của những hiệu trưởng có tài là huy động được ngày công lao động của phụ huynh.
Huy động sự chung tay của một số Mạnh Thường Quân trong và ngoài nhà trường.
Như việc, giúp nhà trường ngày công để sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ, ủng hộ thư viện trường học, đồ dùng, sách vở, truyện tranh…
Cái tâm của hiệu trưởng thể hiện ở việc chi tiêu chặt chẽ, hiệu quả và không nhận bất kỳ khoản thù lao hoa hồng nào.
Như hoa hồng bán sách giáo khoa, bán vở luyện viết, mua văn phòng phẩm cho nhà trường, mua trang thiết bị, đồ dùng dạy và học, hoa hồng bếp ăn bán trú, sửa chữa nhỏ…
Những khoản hoa hồng này trường càng lớn được trích lại càng nhiều. Nếu mang số tiền ấy ra chia đều cho giáo viên trong trường thì chẳng sợ các thầy cô không có Tết.
Nhưng gặp hiệu trưởng thiếu tâm thì sao? Thì những khoản hoa hồng ấy hiệu trưởng nhận hết cho ấm cái thân mình.
Chưa hết, họ còn bày ra làm thêm cái này, sửa lại cái kia, mua thêm cái nọ…đôi khi mọi cái còn dùng tốt. Những hiệu trưởng kiểu này, chúng tôi thường gọi là “ăn không từ thứ gì”.
Có một vài kế toán tiết lộ rằng, có những hiệu trưởng tham vô cùng, luôn vơ vét bằng mọi cách. Ví như mua văn phòng phẩm ít lại kê cho nhiều hay chi sửa chữa nhưng thực chất chẳng sửa cái gì…
Không đồng ý duyệt chi thì gây lộn, tạo áp lực, nên để yên thân dù biết chi sai vẫn đành phải ký.
Vì chi tiêu vô tội vạ (chủ yếu để bỏ tiền túi) thì còn đâu tiền để thưởng cho giáo viên?
Thưởng Tết nhiều thì khó chứ thưởng từ 1-2 triệu đồng/người chỉ cần hiệu trưởng muốn thì không có gì là khó cả.