Mấy ngày nay cả trường xôn xao về chuyện bị một số điện thoại lạ gọi mắng vốn; gọi bất cứ giờ nào, kể cả đêm khuya, buổi sáng sớm; giọng điệu hỗn láo, nội dung tục tĩu, thiếu văn hóa; tất cả chỉ vì là bạn của cô giáo A.; cô A. nợ tiền họ quá hạn chưa trả.
Trước tình hình đó, đại diện ban chấp hành công đoàn nhà trường đã gặp cô A. tìm hiểu.
A. nước mắt lưng tròng kể: “Tháng trước, thằng Bi gọi về xin mẹ tiền đóng học phí; kẹt quá, em tải app về điện thoại; làm theo hướng dẫn, em chụp hình thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, cung cấp tài khoản nhận lương cho họ.
Chỉ sau vài giờ, có người liên lạc ngay; em vay 6 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 5,4 triệu đồng; phải mất 6 trăm ngàn đồng phí giấy tờ; họ cho biết bảy ngày sau phải đóng cho họ đủ 6 triệu.
Kẹt quá, em đành vay đại; nhận lương, đang định trả nợ thì bố thằng Bi lại bị té gãy chân, nên chỉ trả cho họ được 3 triệu đồng.
Họ gọi điện đòi, em nói xin nợ ít bữa, đành chấp nhận một ngày quá hạn chịu phạt một trăm ngàn đồng; tuần rồi em trả nốt 3 triệu đồng, vẫn còn nợ bảy trăm ngàn đồng tiền phạt.
Hết tiền rồi, em không trả kịp, thế là họ gọi điện đến những bạn bè em chửi bới. Họ còn nói, nếu hôm nay không trả, họ gọi cho phụ huynh học sinh v.v...
Em không ngờ, mình đã cho họ truy cập danh bạ mà không biết, thật lòng xin lỗi các anh chị em trong trường”.
Các thầy cô giáo nên cẩn thận khi vay online. (Ảnh minh hoạ: Nguoitieudung.vn) |
Chia tay A., cô cảm ơn rối rít vì vừa giúp cô thoát một cục “dại”, còn chúng tôi, hôm nay sẽ không còn bị “khủng bố”.
Vào Google, chỉ cần gõ “vay tiền online”, có ngay 110 triệu kết quả, trong vòng 0.43 giây; thế mới biết dịch vụ này đã, đang “làm ăn” như thế nào.
Hình thức cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động ngày càng nở rộ. Người vay chỉ cần tải ứng dụng (app) vay tiền về điện thoại, đăng ký thông tin cá nhân, làm theo yêu cầu và gửi yêu cầu vay.
Rất nhanh chóng, không cần thế chấp, chỉ thời gian ngắn, tiền sẽ được gửi vào tài khoản của mình.
Có những trường hợp, vay món này chưa trả; người cho vay lại đề nghị cho vay món mới; nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu, lãi chắt; chỉ vài chục triệu đồng ban đầu, sau vài tháng dư nợ hàng trăm triệu đồng, mất nhà không biết.
Giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi, chơi số đề trong trường học có phù hợp không? |
Nhờ pháp luật can thiệp ư, khó lắm, được vạ… nhà mất rồi.
Hình thức cho vay online không giấy tờ, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Người cho vay cứ "vô tư" đưa ra lãi suất trên trời khi đáo nợ, người vay phải đành chịu.
Không trả, chạy không thoát đâu; người ta đã có danh bạ bạn bè, người thân của mình; chỉ cần gọi điện thoại “mắng vốn”, chưa nói sử dụng “xã hội đen đòi nợ thuê”, người vay đã buộc phải trả đủ cả gốc, lãi, phạt.
Vay online, thầy cô ơi dễ vay khó trả lắm, lãi suất dạng cắt cổ trở lên.
Nếu có khó khăn đột xuất, xin tạm ứng lương trước; công đoàn nhà trường có thể tổ chức quỹ cứu trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn; vẫn còn đó những ngân hàng sẵn sàng cho vay “tín chấp”, thời gian có thể lâu hơn một chút, thế nhưng vẫn là cách “xử lý tình huống” an toàn cho nhà giáo.