Giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi, chơi số đề trong trường học có phù hợp không?

07/08/2019 06:33
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Điều đáng nói là có nhiều người làm chủ hụi một một thời gian thì họ tuyên bố vỡ nợ hoặc tìm cách trốn khỏi địa phương và những hệ lụy thì không nhỏ chút nào.

Từ xưa đến nay, trường học vẫn được xem là chốn yên bình, là môi trường lành mạnh để đào tạo ra các thế hệ học trò.

Chính vì thế, thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, học tập nhưng thực tế bên cạnh những thầy cô gương mẫu, hết lòng vì học sinh thân yêu thì thời nay vẫn đan xen nhiều những câu chuyện chưa đẹp trong một số đơn vị trường học.

Nhiều những vấn đề nổi cộm trong trường học bây giờ là giáo viên chơi hụi, giật hụi, chơi số đề…và khi đã đụng vào vấn đề tiền bạc, cũng như chuyện đỏ đen thì đương nhiên sẽ có nhiều chuyện xảy ra.

Chơi hụi, chơi số đề đang tồn tại âm thầm trong các trường học (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
Chơi hụi, chơi số đề đang tồn tại âm thầm trong các trường học (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)

Vẫn biết, giáo viên cũng là những con người bình thường, cũng có những cảm xúc bình thường, giáo viên cũng phải lo kinh tế gia đình như mọi người làm những công việc khác.

Nhưng, cao hơn thế, giáo viên là những người đang làm thiên chức dạy người. Nếu trong đầu có những điều vụ lợi, toan tính, nếu trong người ham máu đỏ đen như một số người khác thì có lẽ sẽ không phù hợp trong môi trường giáo dục.

Thế nhưng, thực tế bây giờ thì lại hoàn toàn khác. Nhiều trường học bây giờ thì giáo viên thường tham gia tổ chức chơi hụi trong trường hoặc tham gia với một số người bên ngoài.

Hình thức chơi hụi được xem là giúp đỡ vốn lẫn nhau nhưng thực tế đây là cách cho vay lời cắt cổ. Chẳng hạn, một dây hụi có 20 người chơi, mỗi tháng góp vốn 1 triệu đồng nhưng những người khó khăn muốn lấy hụi trước họ chỉ kêu 5- 6 trăm nghìn, thậm chí ít hơn để được lấy trước.

Vì thế, chơi hụi giúp cho những người có kinh tế khá giả giàu thêm nhưng khiến cho những người có kinh tế khó khăn sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Điều đáng nói là có những giáo viên làm chủ hụi một một thời gian thì họ tuyên bố vỡ nợ hoặc tìm cách trốn khỏi địa phương và những hệ lụy thì không hề nhỏ chút nào.

Thời gian qua đã có nhiều trường hợp giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi mà báo chí đã từng nhiều lần phản ánh. Chẳng hạn, vào tháng 10/2017, bà Tăng Ngọc Thu (giáo viên trường Trung học phổ thông Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) giật hụi gần 1 tỷ đồng của 45 giáo viên trong trường, trong huyện.

Giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi, chơi số đề trong trường học có phù hợp không? ảnh 2Giật hụi tiền tỷ của 45 giáo viên vẫn được xếp hạng hoàn thành nhiệm vụ

Điều đáng nói là bà Tăng Ngọc Thu lại là phó chủ tịch công đoàn trường Trung học phổ thông Trà Cú.

Trong tháng 6/2019 vừa qua, nhiều người dân ngụ tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã gửi đơn “tố cáo” bà Lê Ánh Thủy – Giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Hội 1 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, bà Thủy làm chủ nhiều dây hụi từ 1 đến 5 triệu đồng/phần/tháng trong nhiều năm qua. Bình quân mỗi dây hụi từ 16 đến 18 hụi viên, trong đó có hụi viên tham gia chơi từ 1 đến 3 phần...

Từ những phản ánh của báo chí và thực tế trong công tác thì chúng ta thấy có nhiều giáo viên làm chủ hụi rồi tuyên bố bể hụi, giật hụi hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú đã để lại cho những người chơi hụi vô vàn khó khăn mà trong số họ có rất người chơi là giáo viên.

Từ đó, dẫn đến kiện cáo, thưa gửi làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Nội bộ trong trường thì mất đoàn kết, bàn tán, bình phẩm, nhiều giáo viên thì như ngồi trên đống lửa bởi bị mất vốn, mất tiền tích cóp trong nhiều năm trời.

Trong khi, chủ hụi trốn đi cũng đồng nghĩa là tự nguyện bỏ nghề, còn người mất vốn thì thưa kiện, theo đuổi để đòi tiền, biết bao nhiêu thị phi còn lại sau mỗi lần như vậy.

Bên cạnh việc chơi hụi là tình trạng chơi lô đề đối với một số giáo viên nam, thậm chí có cả những thành viên là Ban giám hiệu nhà trường cũng là một nỗi buồn không gọi thành lời trong trường học hiện nay.

Những người bán lô đề thường là những người bán vé dạo. Hàng ngày họ vào cổng trường trò chuyện, bán vé số trá hình rồi ai mua số đề thì họ ghi. Nhiều người lúc đầu chơi vài chục nghìn, sau rồi tăng lên dần.

Giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi, chơi số đề trong trường học có phù hợp không? ảnh 3Thầy cô ơi, coi chừng bị lừa

Trong khi đồng lương giáo viên còn eo hẹp nên dẫn đến nợ nần và làm thêm nhiều việc khác để có tiền. Một số người vay mượn của đồng nghiệp xong thì... quên trả.

Đoàn kết trong nội bộ lục đục và chất lượng giảng dạy của giáo viên đó ngày cũng xao nhãng dần.

Có lẽ môi trường giáo dục không phù hợp với những người có máu kinh doanh tín dụng đen, người có máu đỏ đen cũng như vô số những trò chơi, những hình thức kinh doanh trá hình khác đang tồn tại trong trường học.

Môi trường giáo dục cần lành mạnh, nhân văn, biết giúp đỡ, yêu thương nhau khi đồng nghiệp khó khăn để cùng tiến bộ. Vì thế, các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần có những biện pháp chấn chỉnh những điều chưa đẹp trong nhà trường.

Và điều đặc biệt là mỗi thầy cô giáo phải biết mình là ai, mình đang làm gì để tự chỉnh sửa, uốn nắn và trau dồi phẩm chất đạo đức của mình trong môi trường giáo dục. Chỉ khi mỗi giáo viên ý thức tốt được việc làm của mình thì khi đó môi trường giáo dục mới thực sự lành mạnh.

Cuộc sống của người thầy dù biết vẫn còn nhiều khó khăn bởi đồng lương giáo viên còn eo hẹp. Vì thế, chuyện làm thêm, kinh doanh thêm là điều không tránh khỏi và cũng không ai cấm ngăn việc làm này.

Tuy nhiên, mỗi giáo viên cũng cần phải lựa chọn những việc làm thêm phù hợp để không dẫn đến những sự cố đáng tiếc như chơi hụi, chơi số đề mà chúng ta đang thấy.

Bởi những sự cố đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người tham gia mà còn ảnh hưởng đến nhà trường, đến hình ảnh người thầy và cả chất lượng giảng dạy trong ngành giáo dục.

NGUYỄN NGUYÊN