Qua ba cấp Hội đồng Chức danh giáo sư xét duyệt, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 (bằng 79,76% số hồ sơ). Trong đó giáo sư là 85 (đạt 56,29% số đăng ký), phó giáo sư là 1.146 (đạt 82,68% số đăng ký).
Ngày 1/2 , Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chính thức công bố toàn bộ danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017. Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư.
Bên cạnh việc tăng về số lượng, so với năm 2016 và các năm trước, chất lượng khoa học của các ứng viên đã tăng lên một bước rõ rệt và ngày càng tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế.
Khi không còn đóng góp thì thôi đừng là giáo sư, phó giáo sư nữa! |
Số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (ISI và Scopus) của các ứng viên tăng mạnh. Năm 2017 (có 5.316 bài) tăng 2,1 lần so với năm 2016 (2.510 bài).
Cụ thể, Vật lý: 1.177 bài, Hóa học - Công nghệ thực phẩm: 1.027 bài, Y học: 674 bài, Sinh học: 597 bài, Toán học: 265 bài,...
Ứng viên của một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể: Kinh tế: 102 bài, Triết học-Xã hội học-Chính trị học: 14 bài,...
Năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ Việt Nam, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả.
Nhiều ứng viên thành thạo 2 ngoại ngữ, tham gia giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài hay dạy các chương trình bằng tiếng nước ngoài ở các trường đại học trong nước.
Các ứng viên trẻ và giỏi với nhiều công bố quốc tế có giá trị và trình độ tiếng Anh tốt cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nhanh số lượng tân giáo sư, phó giáo sư.
Nhìn vào con số kỷ lục này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT đánh giá, 1.226 giáo sư, phó giáo sư là con số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng kiến nghị, khi đã có bộ tiêu chuẩn rõ ràng thì việc xem xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư nên để trường đại học thực hiện. (Ảnh: Tiến sĩ Lê Trường Tùng cung cấp) |
Điều này đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước giải thích rằng, năm 2017, do thời hạn nộp hồ sơ chậm hơn 6 tháng so với năm trước. Hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ngày 5/11, năm trước là ngày 25/5.
Việc kéo dài thời hạn nộp hồ sơ vì chờ quy chế mới thay thế Quyết định 174 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thời hạn nộp dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng.
Ngoài ra, có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh, nên số lượng đăng ký tăng lên.
Theo ông Tùng nhìn nhận, hiện nay tỷ lệ giảng viên đại học là giáo sư/phó giáo sư chỉ khoảng 6%. Với kết quả công nhận vừa rồi, con số này sẽ tăng lên 7% - chưa phải là con số lớn.
Phó giáo sư /giáo sư nên là chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học (trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính–phó giáo sư, giảng viên cao cấp–giáo sư), ai theo đuổi việc dạy đại học thì sớm muộn cũng là phó giáo sư/ giáo sư.
Và trong các trường đại học, ít ra phải 1/3 giảng viên đại học là giáo sư/phó giáo sư, 1/3 là trợ giảng, 1/3 là giảng viên đang trong lộ trình trở thành giáo sư, phó giáo sư.
Các giảng viên có bằng tiến sĩ làm công tác nghiên cứu giảng dạy một cách nghiêm túc thì xứng đáng gọi là giáo sư.
Hiện nay việc đưa giáo sư lên “thượng tầng kiến trúc” với chức danh mang tính quốc gia là không hợp lý, lẽ ra chỉ nên ở mức “hạ tầng kỹ thuật” của các trường đại học là phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT cũng cho rằng:
“Điều mà dư luận băn khoăn không phải về số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến mà họ quan tâm tới chất lượng bởi lẽ lâu nay chất lượng đào tạo tiến sĩ của ta còn chưa cao và nhiều giáo sư không có công trình nghiên cứu giá trị cao.
Thậm chí thủ tục công nhận, bổ nhiệm cũng có nhiều điều bất hợp lý”.
Ông Lê Trường Tùng nói thêm, mặc dù đã có quy định chi tiết về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư như thành tích giảng dạy, nghiên cứu, bằng cấp, ngoại ngữ, thâm niên, viết sách...Cá nhân nào cũng có thể dựa vào đó để tính xem mình có đủ tiêu chuẩn hay không.
Tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn đó là để được công nhận đủ tiêu chuẩn hay không thì cần phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín tín nhiệm của ba hội đồng (hội đồng cơ sở, hội đồng chuyên ngành, hội đồng quốc gia) với số phiếu đồng ý của mỗi hội đồng phải từ hai phần ba (2/3) đến ba phần tư (3/4), không đủ phiếu là trượt.
Do đó, ông Tùng kiến nghị, khi đã có bộ tiêu chuẩn rõ ràng thì việc xem xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư nên để các trường đại học thực hiện.
Bởi lẽ, tiêu chuẩn nhà nước đưa ra là tiêu chuẩn tối thiểu, các trường có thể đưa ra tiêu chuẩn cao hơn và khi đó giáo sư, phó giáo sư sẽ là của một trường đại học cụ thể chứ không còn giáo sư, phó giáo sư quốc gia chung chung nữa.
Hơn nữa, rõ ràng, việc của cơ quan quản lý nhà nước là ban hành tiêu chí tối thiểu với phó giáo sư/giáo sư, ban hành quy chế công nhận bổ nhiệm giáo sư, còn việc thực hiện là các trường đại học.
“Các trường đã cấp bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, thì thêm việc công nhận chức danh phó giáo sư/giáo sư cũng là việc bình thường, và khi đó chất lượng sẽ gắn với tên tuổi của trường, tránh được những băn khoăn của dư luận như hiện nay”, ông Tùng chia sẻ.