Chị Lê Thị Phương Mai sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định trở thành giáo viên Tiểu học.
Sau hơn 2 năm đứng lớp, chị Phương Mai bắt đầu nhận diện được sự nguy hiểm của nghề giáo.
Chị Mai tâm sự: "Tôi chủ nhiệm lớp 4. Lớp học của tôi có nhiều học sinh mải chơi, lười học, một số cháu tỏ ra bướng bỉnh và không nghe lời.
Tuần trước cháu L.D.A có xảy ra cãi cọ với bạn và đánh bạn.
Thấy vậy lớp trưởng phản ánh với tôi. Tôi gọi D.A lên và nhắc nhở.
Khi tôi vừa bước chân quay ra khỏi lớp cháu đã đứng đằng sau nói lầm rầm: Cô phạt đi, em sẽ bảo bố em kiện cô.
Tôi nghe xong sững người lại. Một đứa học sinh lớp 4 đã có tư tưởng như thế thì không hiểu lớn lên sẽ coi ai ra gì".
Cô Mai như thế vẫn chưa khỏi là thảm. Cùng trường có cô Kim Tuyến cũng là giáo viên trẻ.
Cô Mai kể cô Tuyến bị phụ huynh lên trường dọa đánh vì phạt học sinh trực nhật lớp:
"Tuần trước phụ huynh kéo nhau lên trường phải 15 người có cả bố, cả mẹ rồi cùng một số dân anh chị. Lên để dọa đánh cô giáo vì con họ bị phạt trực nhật.
Đầu đuôi là thằng bé sau khi tan học có xé giấy nháp và rải khắp phòng. Lớp trưởng bắt được thì bị bé này đánh. Cô Tuyến chủ nhiệm biết chuyện phạt em học sinh trên trực nhật 1 tuần.
Thế nào về đến nhà học sinh này kể với gia đình là do cô ghét nên bắt trực nhật.
Phụ huynh lại toàn dân anh chị có máu mặt kéo nhau lên trường đòi tát cô Tuyến.
Hiệu trưởng ra nói chuyện còn dọa đánh cả hiệu trưởng. Cô Tuyến hôm đó sợ xanh mắt mèo. Sau khi cô giải thích vẫn bị tát 2 cái".
Nhiều giáo viên như cô Mai, cô Tuyến cho biết hiện nay họ đành phải làm ngơ trước cái sai của học trò vì sợ bị sức ép từ phía gia đình.
Những vụ phạt học sinh bị tung lên mạng, sau đó giáo viên bị kỷ luật khiến nhiều thầy cô cảm thấy lo lắng và sợ hãi.
Cô giáo phạt học sinh quỳ trong lớp bị đình chỉ công tác một tuần (Ảnh: VietnamNet.Vn) |
Theo quy định tại Thông tư 08/TT ban hành ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường phổ thông có đưa ra 05 hình thức kỷ luật học sinh là: Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.
Nếu giáo viên thực hiện đúng theo thông tư này câu hỏi đặt ra là: Liệu rằng những hình thức kỷ luật như trên sẽ có hiệu quả đối với học sinh? Nên chăng chúng ta cần bỏ hẳn roi vọt trong học đường?
Nhìn sang những quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore...cũng không bỏ hẳn việc kỷ luật học sinh bằng roi vọt nhưng áp dụng theo những điều kiện và tình hình khác nhau.
Từ năm 1947, Nhật Bản bắt đầu áp dụng quy định cấm sử dụng các hình thức xử phạt thể xác với học sinh.
Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, tới năm 1997, tòa án tối cao Tokyo sửa đổi lại quy định này, cho phép các giáo viên được phạt học sinh đứng trong lớp, quỳ gối hay chép phạt.
Bộ Giáo dục của Hàn Quốc năm 2010 ban hành quy định cấm thầy cô đánh học sinh sau khi đoạn video ghi lại cảnh một em bị đánh đập dã man lan truyền trên mạng.
Tuy nhiên, lệnh cấm này bị phản đối kịch liệt ở Hàn Quốc, quốc gia từ lâu đã ăn sâu tư tưởng dùng đòn roi dạy dỗ học sinh. Hiện nay, luật này cũng chỉ còn được áp dụng ở Seoul và Gyeonggi.
Như vậy có thể thấy các quốc gia khác họ cũng không loại trừ những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh.
Tại Việt Nam nhiều thầy cô đang dần bị tước công cụ kỷ luật.
Chưa bao giờ các thầy cô lại cảm thấy cô đơn, hoang mang và lo sợ như thế.
Từ khi nào những người thầy, người cô lại cảm thấy sợ chính học sinh của mình?
Qủa thực không sợ sao được khi có những trường hợp phụ huynh 1 câu đòi kiện, 2 câu đòi kiện. Thầy Nguyễn Phi Long, giáo viên tại Thái Bình tâm sự:
"Hôm trước có một phụ huynh đi họp cho con. Con của họ bị hạnh kiểm khá vì làm vỡ kính phòng hiệu trưởng, làm gãy bánh xe kéo cổng rào và nghịch phá các bạn trong lớp.
Phụ huynh hùng hổ tuyên bố con họ ngoan và sẽ đi kiện lên Sở Giáo dục. Trong khi lỗi rành rành của con họ và đã có xác nhận của phụ huynh và học sinh lúc trước.
Gần 30 năm công tác và giảng dạy chưa bao giờ tôi thấy phụ huynh họ bênh con mình và bênh vực một cách mù quáng như bây giờ.
Một thế hệ học sinh nếu quá được bao bọc, nếu quá được nuông chiều rất tai hại.
Chỉ có áp lực mới giúp con người ta trưởng thành, nuông chiều sẽ khiến đứa trẻ bất cần và ảo tưởng".
Những câu chuyện như trên không phải là quá hiếm mà nó đang dần trở nên phổ biến hơn trong ngành giáo dục.
Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một vài bức ảnh sẽ biến một người giáo viên trở thành “ tội đồ”.
Nhiều gia đình thậm chí còn “khuyến khích” con cái mang điện thoại đi học. Nếu cô giáo có hành động trách phạt thì quay video hoặc chụp ảnh lại, bố mẹ sẽ “xử lý”.
Quả thực những người làm giáo dục đang cảm thấy lo lắng. Lo lắng vì sự tổn thương đối với nghề giáo là rất dễ xảy ra nhưng cơ chế bảo vệ giáo viên lại rất mỏng manh.
Tại một số nền giáo dục hiện đại hàng đầu trên thế giới học sinh vẫn bị bắt quỳ và chép phạt (Ảnh:2sao.vn) |
Điểm danh 10 vụ giáo viên kỷ luật học sinh bị phụ huynh tố cáo, đưa lên mạng thì phải có đến 9 vụ giáo viên bị kỷ luật. Dù sao việc kỷ luật giáo viên cũng dễ hơn và nhanh chóng dập tắt dư luận.
Do vậy các trường đa số lựa chọn hình thức xử lý khủng hoảng kiểu trên. Điều này khiến cho giáo viên càng dễ bị tổn thương và lo sợ bị kỷ luật, bị mất việc.
Thầy Nguyễn Phi Long cho biết: "Khi công cụ của giáo viên bị tước bỏ thì chúng tôi trở thành những kẻ yếu thế giữa một bên là dư luận, phụ huynh sẵn sàng ăn tươi nuốt sống các thầy cô mà chưa cần biết chuyện gì đang xảy ra.
Trong khi đó nhà trường lại lựa chọn giải pháp là kỷ luật giáo viên để xoa dịu phụ huynh và dư luận. Cách xử lý này giúp cho trường tránh được sự khủng hoảng nhưng lại đẩy giáo viên vào tình thế thân cô, thế cô.
Hơn bao giờ hết hiện nay chúng tôi rất sợ. Chỉ cần một đoạn clip, một hình ảnh được tung lên mạng là coi như xong một sự nghiệp trồng người".
Từ những điều mà giáo viên tâm sự nêu trên, thầy cô cho biết họ đang phải lựa chọn một kế sách “phản giáo dục” để bảo vệ sự an toàn của họ đó chính là sự im lặng.
Cô Phương Mai nói: "Đối với những giáo viên trẻ như chúng tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng tôi đều tâm niệm giáo dục tức là uốn nắn học sinh lên người.
Nhưng hiện nay nhiều giáo viên phải làm ngơ trước những cái sai của học sinh. Mỗi lần học sinh mắc lỗi việc đầu tiên chúng tôi hỏi nhau: Nó là con ai?
Nhiều đứa có bố mẹ làm cán bộ lớn, bố mẹ là dân xã hội...Họ sẵn sàng đến thẳng trường đốp chát vào mặt giáo viên và kiện cáo".
Phạt học sinh như thế nào để vừa đúng luật lại hiệu quả là một vấn đề nan giải! (Ảnh: Internet) |
Cô Mai thở dài: "Nhiều phụ huynh đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng: Tôi đóng nhiều tiền cho con vào học trường này, thì con tôi phải được sự dạy dỗ, chăm sóc tốt nhất.
Từ đó, họ cho mình cái quyền được đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia đối với con họ.
Tôi thấy điều này là sự bênh vực mù quáng. Một đứa trẻ có lên người cần sự giáo dục của thầy cô, gia đình.
Không thể phó mặc hết cho thầy cô. Con họ ngoan là do gia đình giáo dục tốt. Con họ hư lại đổ cho giáo viên và nhà trường.
Tôi nghĩ rằng với những phụ huynh như thế họ hãy dạy con mình trước khi trách các thầy cô. Họ cũng phải tự giáo dục lại chính bản thân mình nữa".
Thông tin thêm về vụ cô giáo tại Hà Nội bắt học sinh quỳ trong lớp. Cô Lê Thị Quy, nhân vật chính của vụ việc này có 25 năm công tác trong nghề và dạy rất nhiều lớp.
Hiện nay, cô Quy đang bị tạm đình chỉ để viết bản tường trình và tự kiểm điểm.
Cô Quy cho biết: Hình phạt này đến từ sự bất lực với học sinh trong lớp vì trước đó cố đã dùng nhiều biện pháp giáo dục khác nhau.
Cô Quy tâm sự: "Hình ảnh này do một phụ huynh chụp lại. Nhưng phụ huynh đó không phải là phụ huynh của em bị quỳ.
Thực ra tôi bất lực với nhiều biện pháp. Có những giờ giáo viên họ kêu: Cô ơi cháu không thể dạy được.
Tôi dùng tất cả những biện pháp rồi, tôi tâm sự rồi, nói chuyện rồi. Tôi cũng phạt các cháu bằng hình thức trực nhật lớp 1 tuần hoặc 1 buổi.
Với 5 cháu học sinh này đã thực hiện những nội quy đó rồi nhưng các cháu tiến bộ rất chậm. Tôi mời 5 phụ huynh của các cháu đến để bàn về biện pháp giáo dục.
Phụ huynh có đề nghị là con nhà tôi hư thế này tôi tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở lớp đây này.
Tôi nói không cô nào muốn phạt học sinh như vậy. Đây là phụ huynh họ đề nghị phạt như vậy cho con họ tiến bộ.
Trước khi thực hiện tôi cũng đã nói trước lớp phụ huynh yêu cầu như thế từ lần sau còn hư cô sẽ làm và sẽ làm từ tuần sau".
Trước những chia sẻ chân tình của cô Quy nhiều giáo viên thấy được mình ở trong đấy.
Họ cảm thấy bất lực trước việc học sinh hư nhưng không biết xử lý như thế nào? Cảm thấy lo sợ vì phụ huynh dọa kiện, dọa đánh. Cảm thấy cô đơn vì không ai bảo vệ.
Thầy Long phải thốt lên: "Nghề giáo viên bây giờ sao mà nguy hiểm quá!".