LTS: Kể về câu chuyện cuộc đời mình, về những nỗ lực để đến với nghề giáo, thầy giáo Khánh Văn mong rằng các bạn trẻ sẽ có động lực vượt qua khó khăn và kiên trì với mục tiêu mà mình đặt ra.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đến bây giờ, đã hơn 10 năm được đứng trên bục giảng để dạy các thế hệ học trò nhưng có những lúc nghĩ lại quá khứ của mình, tôi vẫn không tin đó là sự thật.
Tôi đã vượt qua được nỗi mặc cảm của chính mình, những lời thị phi của xóm làng để học tập và có cơ hội thực hiện ước mơ của mình là bước vào giảng đường đại học sau gần 10 năm xa trường lớp.
Điều may mắn nhất của tôi là trong quá trình học tập, tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô giáo kể cả khi học cấp 3 và sau này là đại học.
Chính từ sự quan tâm ấy đã cho tôi thêm nhiều động lực để phấn đấu và trưởng thành để giờ đây có cơ hội được giảng dạy, tiếp xúc, trò chuyện với học trò của mình hàng ngày.
Tôi lớn lên giữa lúc đất nước bước vào thời kì đổi mới với muôn vàn khó khăn của những năm tám mươi của thế kỉ trước.
Ảnh minh hoạ: chamngoncuocsong.com |
Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết những câu thơ đầy ám ảnh trong bài Đánh thức tiềm lực: “…thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bảy nổi/ khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi/ hột gạo nõn nà hao gầy đi vì thiên tai/ đói thâm niên/ đói truyền đời/ điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói..”.
Và, nhà tôi lúc đó nghèo lắm, cái nghèo cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Ngày đó, hình ảnh những bữa cơm trắng (không độn khoai sắn) đôi khi đã vượt qua tầm với của gia đình tôi.
Bởi thời điểm ấy, dải đất miền Trung có nhiều gia đình cũng đói nghèo mà có lẽ gia đình tôi lại đói nghèo hơn tất cả.
Nhưng, vượt lên tất cả khó khăn, tôi vẫn được gia đình nuôi ăn học đến hết cấp 2. Trong khi, bạn bè của tôi đã có một số bạn phải bỏ học dở dang để bước vào đời mưu sinh.
Sau khi học xong lớp 9 lúc bấy giờ tôi mới 15 tuổi và bắt đầu bước vào đời với hành trang chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng và vốn kiến thức non nớt của mình.
Tâm sự nhói lòng của cô giáo 9X nuôi ước mơ cho trẻ em khuyết tật |
Vì thế, tôi đã làm đủ mọi việc nặng nhọc để mưu sinh, để tồn tại và đỡ đần cho gia đình mình.
Một quãng đời lầm lũi và cơ cực mà tôi đã đi qua đến bây giờ nghĩ lại còn ngao ngán, sợ hãi và không biết sao mà mình đã vượt qua được.
Sau mấy năm từ giã mái trường, một số bạn bè cùng trang lứa thuở nào đã bước vào giảng đường đại học, cao đẳng thì cũng là lúc tôi lên đường nhập ngũ.
Ba năm lính không đem lại cho tôi lợi ích về kinh tế nhưng đã cho tôi nhiều niềm tin, nghị lực để đối mặt với thực tại của cuộc đời. Tôi trưởng thành, chín chắn hơn và cũng sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách cho tương lai ở phía trước.
Rời quân ngũ, tôi lại trở về với công việc nặng nhọc ngày trước của mình bởi trong tay chẳng có bằng cấp gì. Ban ngày, những lúc làm việc thì khuây khỏa, nhưng những khi màn đêm buông xuống tôi lại nghĩ suy mông lung lắm.
Tôi nghĩ về những lời thầy cô giảng bài năm trước, tôi nghĩ về những bài thơ, những câu chuyện mà mình đã đọc nhưng chưa đủ kiến thức để thấu hiểu tường tận.
Và, tôi mơ ước sẽ có một ngày được đắm mình trong những câu thơ thầy giảng, được cùng bạn bè quây quần bên nhau để giải những bài toán khó…
Tôi đã quyết định trở lại học cấp 3 - một quyết định khó khăn và có lẽ đây cũng có thể là quyết định mạo hiểm nhất của đời tôi cho đến bây giờ bởi lúc đó tôi đã 23 tuổi rồi.
Không một người nào tán đồng, ủng hộ tôi, trừ đứa em trai duy nhất của mình. Lúc đó, ai cũng khuyên ở nhà lấy vợ rồi lập nghiệp, học hành sao nổi nữa bởi tôi đã đã có gần 10 năm xa trường lớp, làm sao có thể tiếp cận được bài vở với rất nhiều kiến thức khó và mới.
Nhưng rồi, quyết định của tôi, ý chí và niềm tin đã chiến thắng tất cả. Suốt những năm cấp 3, tôi miệt mài học tập và quên đi mọi thú vui tầm thường khác.
Tôi không để lãng phí thời giờ vào những chuyện vui chơi vô bổ như một số bè bạn trong lớp.
Rồi, tôi đậu vào một trường đại học trong những năm đầu mà ngành giáo dục miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Anh em, bạn bè đến chia vui cùng tôi, riêng tôi thì niềm vui ấy còn lan tỏa theo nhiều ngày tháng sau nữa.
Không vui sao được khi mình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, mặc cảm và đã nghe quá nhiều lời thị phi của xóm làng để thực hiện quyết tâm của mình.
Ra trường, do công việc khó khăn nên tôi lại từ giã quê hương, khoác chiếc ba lô cũ sờn thời quân ngũ để vào Nam tìm việc làm.
Khi đã có việc làm, được đứng trên bục giảng, những ước mơ ngày nào của tôi đã thành hiện thực nên tôi luôn trân trọng với những gì mà mình đang có.
Điều tôi bằng lòng là cuộc sống xa quê dù khó khăn nhưng hàng ngày được truyền đạt những kiến thức của mình đã học được cho học trò, được vui buồn cùng những cảm xúc của các em.
Được chia sẻ, gần gũi với học trò, với nhiều em học sinh cũng đã và đang có những khó khăn như tôi ngày trước.
Có lẽ câu chuyện của cuộc đời của tôi năm nào cũng là nguồn động viên nho nhỏ cho một số em học trò của tôi hôm nay gặp khó khăn biết đứng lên trước những thử thách của cuộc đời.
Và, tôi tin không chỉ có học trò của tôi mà rất nhiều những em khác nữa trên đất nước này cũng đang có nhiều niềm tin, nghị lực để bước qua những khó khăn hiện tại nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp sau này.
Cuộc đời mỗi người nhiều khi phải trải qua những quyết định, những khoảnh khắc khó khăn cho tương lai của mình.
Và, quyết định trở lại với mái trường của tôi sau gần 10 năm bỏ dở chuyện học hành đã may mắn được mỉm cười để hôm nay tôi có cơ hội được đứng trên bục giảng, được làm công việc mà bản thân luôn yêu thích.
Vì thế, tôi tin rằng mỗi bạn trẻ hôm nay dù có khó khăn như thế nào cũng cần có lòng quyết tâm, có động lực để hướng tới mục tiêu của mình đề ra thì chắc chắn sẽ đạt được ước nguyện của mình.