Nghề dạy học, giàu hay nghèo?

13/11/2018 06:12
Phan Tuyết
(GDVN) - Tiền bạc đôi khi cũng không mua được tình cảm chân thành, mà giáo viên thì luôn tràn đầy điều đó.

LTS: Nghĩ về sự giàu nghèo của nghề dạy học, bản thân là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề - cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu làm cuộc điều tra về áp lực công việc thì nghề giáo sẽ là một trong những nghề chịu áp lực nhiều nhất.

Áp lực về chương trình, về chất lượng học sinh, về các chỉ tiêu thi đua, về sự theo dõi, giám sát từ phụ huynh…

Ngược lại, nếu điều tra về mức sống, mức thu nhập thì chắc chắn nghề giáo là một trong những nghề nghèo nhất hiện nay.

Nghĩ về sự giàu nghèo của nghề dạy học (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Nghĩ về sự giàu nghèo của nghề dạy học (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Ngoài một số thầy cô dạy môn Toán, Anh văn thì phần lớn giáo viên chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi hàng tháng để sống và nuôi gia đình.

Nhà giáo nghèo nhất

Khi nhà giáo chỉ sống bằng đồng lương “ba cọc ba đồng” thì mọi mua sắm, chi tiêu phải được thắt chặt nhất.

Những ngày tết, trong khi các ngành khác tiền thưởng lên đến vài triệu đồng thì giáo viên vẫn chỉ khiêm tốn dừng ở con số vài trăm nghìn đồng cho đến một triệu đồng đã là sang lắm rồi.

Nhiều thầy cô, ngoài giờ lên lớp lại tất tả ngược xuôi với đủ thứ nghề tay trái để đem lại thu nhập cho gia đình. Cô đi bán bảo hiểm, chạy bàn cho đám cưới; thầy đi chụp hình thậm chí chạy cả xe ôm.

Đồng lương ít ỏi, chi tiêu không đủ trang trải trong tháng nên cứ thiếu trước hụt sau. Chắt chiu dành dụm cả năm, có thầy cô cũng không dám thưởng cho mình tấm áo mới ngày tết hay cho cả gia đình một chuyến du lịch mà chi phí cũng chỉ dăm bảy triệu đồng.

Nếu nói không ngoa phần đông các thầy cô giáo ở các trường vẫn đang là “con nợ” không chỉ một mà nhiều ngân hàng.

Nghề dạy học, giàu hay nghèo? ảnh 2Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây?

Có thầy cô, lương nhận chưa nóng tay đã có nợ đòi, thà ăn thiếu, chi tiêu thiếu trong tháng một chút nhưng nợ ngân hàng phải trả đủ mới mong hết nợ lại có chỗ để vay tiếp.

Việc mua đất cất nhà, sắm sửa đồ nội thất cho đến phương tiện đi lại cũng nhờ kiểu vay trả góp và trừ vào lương hàng tháng như thế mới có thể mua sắm được. Món nợ này chưa thanh toán xong, món nợ khác lại bùng phát.

Thế mới có người nói “không làm thế này, đến suốt đời giáo viên cũng không thể có nổi một cục đất chọi chim”.

Nhưng chẳng ai giàu bằng?

Ngoài cái nghèo về vật chất thì nghề dạy học lại có nhiều thứ giàu mà không dễ ai cũng có được.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã viết: “Nếu tình thương là quý nhất trên đời, Cô giáo em là người giàu có nhất. Cô dành trọn tình thương cho học trò lớp lớp, Bao năm rồi không một chút cạn vơi”.

Đó là lòng nhiệt huyết với nghề, dù gánh nặng “cơm áo gạo tiền” luôn đè nặng nhưng thầy cô vẫn miệt mài bên trang giáo án. Thầy cô luôn dành cho học sinh tình thương bao la, lòng bao dung độ lượng.

Những mừng vui khi trò thành đạt, những âu lo khi trò chưa ngoan. Những trăn trở, lo toan khi trò học yếu. Những khắc khoải suy tư khi trò lâm hoàn cảnh khó khăn...

Ai hạnh phúc hơn thầy cô khi chính phụ huynh vẫn luôn gọi hai tiếng thầy, cô thay cho con cái họ? Ai có vinh hạnh khi đi ra đường luôn được học sinh cung kính chào hỏi?

Nghề dạy học, giàu hay nghèo? ảnh 3Nhớ ơn cô, thầy là món quà trân quý nhất

Ngày sinh nhật, ngày 20/11, ngày Tết cổ truyền, ngày 8/3 thậm chí ngày lễ giáng sinh thì những bó hoa, những cánh thiệp, những lời nhắn hỏi thăm chúc sức khỏe luôn ngập tràn lời yêu thương gửi tới.

Những lời thăm hỏi vô cùng ngọt ngào làm rung cảm bất cứ ai “Kính gửi cô! Người mẹ hiền yêu dấu! hay: Chúng em mãi mãi luôn ở bên cô…Em yêu và kính trọng thầy nhất trên đời! Thầy là number 1…

Ai giàu hơn thầy cô khi được nhận từ học sinh những tình cảm chân thành như thế? Cảm động biết bao khi những học trò cũ về thăm “Lại lắng từng câu, Lại nhập từng lời” cùng với bao nỗi niềm nhớ thương khắc khoải “Trời trở lạnh đông về cuối ngõ, Rét đầu mùa thầy ngủ có ngon không?”.

Cái giàu của nghề giáo còn phải kể đến việc tạo dựng, giữ gìn cho gia đình một nền nếp mẫu mực. Thầy cô luôn biết cách khi vun vén gia đình để trong ấm ngoài êm.

Có kiến thức sư phạm, nắm được tâm lí lứa tuổi vì thế phần lớn thầy cô luôn thành công khi dạy dỗ con cái, nhiều em chăm ngoan, học giỏi và đỗ đạt cao.

Tiền bạc đôi khi cũng không mua được tình cảm chân thành, mà giáo viên thì luôn tràn đầy điều đó.

Cũng nhờ cái sự giàu có đó, mà thầy cô luôn được tiếp thêm sức mạnh để tạm quên đi cái nghèo, sự khốn khó về vật chất và những áp lực, những căng thẳng trong công việc thường ngày.

Phan Tuyết