LTS: Năm học 2016-2017 vừa mới khai giảng chưa lâu nhưng dư luận lại nóng lên bởi các hình ảnh nữ sinh đánh nhau, clip bạo lực học đường được tung lên mạng khiến xã hộ bức xúc.
Trước tình trạng đáng lo ngại này, cô giáo Phan Tuyết có bài viết thể hiện quan điểm của mình và đề xuất đưa học sinh vi phạm vào trường cải tạo, giáo dưỡng để làm gương cho các em khác, góp phần hạn chế sự gia tăng của vấn nạn này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Sự việc một học sinh Yên Bái treo cổ tự tử sau khi bị hai thanh niên bắt quỳ gối, đánh liên tục bằng tuýp sắt vì mâu thuẫn với bạn cùng trường chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại một phen chao đảo khi trực tiếp xem clip nhóm học sinh lớp 9 ở Nghệ An bị đánh hội đồng hai nữ sinh khác trường.
Hình ảnh hai nữ sinh bị đám bạn nữ xông vào đấm, đá, đạp túi bụi.
Đánh bằng tay, xông phi bằng chân nhưng chưa hả dạ, nhóm bạn nữ còn giật tóc, lấy dép "vả" tới tấp vào mặt hai nữ sinh, bắt ngẩng mặt lên để quay cho rõ…
Công an đang điều tra vụ 2 nữ sinh bị đánh hội đồng dã man |
Bị đánh hội đồng, hai nữ sinh ngồi chịu trận mà không dám có bất kì hành động phản kháng nào.
Xem xong clip bất cứ ai cũng rùng mình run sợ… Nhiều người thốt lên “Học sinh bây giờ đánh nhau dã man vậy sao?”
Người thảng thốt lo cho con mình bất kể lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường.
Nhiều ý kiến chất vấn:
“Nhà trường ở đâu? Các trường học không dạy môn Giáo dục công dân hay sao? Giáo dục đạo đức bị xem nhẹ chỉ lo nhồi nhét kiến thức, do thầy cô dạy dỗ chưa hết mình, do nhà trường trang bị kĩ năng sống cho các em quá kém, do chúng ta áp dụng những biện pháp xử phạt chưa thật nghiêm”.
Clip: Nữ sinh Nghệ An bị đánh "hội đồng" dùng dép tát bôm bốp dã man. |
Không ít ý kiến cho rằng phần do gia đình quá nuông chiều nên các em hư từ nhỏ, do ba mẹ bỏ bê, luôn dùng bạo lực với các con...
Hàng chục lý do đưa ra và câu chuyện về giải pháp để hạn chế tình trạng trên vẫn luôn là câu hỏi đi vào bế tắc.
Nếu nhìn từ sự việc, học sinh đánh nhau dã man rồi tung clip công khai trên mạng, chứng tỏ các em không biết sợ ai… những học sinh này trong trường cũng thuộc loại lì lợm, ngổ ngáo có tiếng.
Giáo viên còn phải sợ nói gì đến các bạn học sinh khác? Nghe thật buồn nhưng đó là sự thật.
Có thể kể ra đây hàng loạt vụ học sinh đánh giáo viên đến nhập viện.
2 nữ sinh Trung học Cơ sở ở Nghệ An bị 6 nữ sinh khác đánh hội đồng, quay clip rồi đưa lên mạng xã hội (Ảnh: thanhnien.vn). |
Gần đây nhất, ngày 31/10, thầy L.Đ.H, giáo viên môn Toán của trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) bị một học sinh lớp 10C20 đánh ngay trong giờ học chỉ vì học sinh này không học bài bị thầy nhắc nhở nhiều lần.
Thầy giáo Phạm Xuân Đông (sinh năm 1990), giáo viên trường Trung học Phổ thông Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An) lên lớp và phát hiện học sinh Trần Văn Việt, một học sinh lớp 12C3, cắt trọc đầu. Thầy yêu cầu các em lên Hội đồng nhà trường gặp thầy Phó hiệu trưởng chuyên trách xin phép nhưng Việt đã bỏ về nhà rủ thêm hai người phục đánh thầy đến nhập viện.
Thầy Nguyễn Huy Oánh (sinh năm 1944), giảng viên Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, bị một nam sinh viên trong trường dùng gậy sắt đánh trọng thương khiến dư luận bàng hoàng.
Học trò Hải Phòng: "Bạo lực đang biến nhà trường thành chiến trường" |
Nhiều người dân thành phố Đà Nẵng đã rất bức xúc khi biết vụ việc một học sinh đã thẳng tay tát vào mặt giáo viên và dùng hung khí tấn công thầy giáo chỉ vì nhắc nhở cậu học trò ăn mặc gọn gàng trước khi vào lớp…
Lý Thái Bình, lớp 11C3 ở Sóc Trăng do vi phạm nội quy của trường nên thầy Nguyễn Thành Trung là giáo viên đồng thời là giám thị phụ trách lớp 11C3 nhắc nhở Bình.
Bất tuân lời dạy của thầy, Bình lấy một khúc cây dài chừng 1m xông vào đánh thầy Trung tới tấp.
Trước hành vi hung hãn của học sinh, thầy Trung chỉ biết đưa tay lên đỡ rồi hô hoán để đồng nghiệp can thiệp…
Thực tế, ở các trường học hiện nay, ngoài những học sinh chăm ngoan, nhiều học sinh khác chẳng coi ai ra gì.
Trong giờ học, chẳng bao giờ chú ý học còn quậy phá, chọc ghẹo hết bạn này đến bạn khác. Ngược lại, nhiều giáo viên lại cảm thấy sợ những học sinh thế này.
Các em không chỉ công khai đánh bạn, nhiều em còn thách thức cả giáo viên, chửi bới thầy cô bằng những ngôn từ chợ búa, đôi khi dùng cả vũ lực để đánh dằn mặt “cho bõ ghét”.
Giáo viên sợ những học sinh này bởi nhiều lý do, thầy Kh. một giáo viên dạy lâu năm nói “Nhịn đi để dạy cho xong tiết chứ chọc ra nó quậy ảnh hưởng đến những học sinh khác”.
Phần giáo viên, nếu nói nhiều chẳng may không thể kìm nén cơn nóng giận trước những thái độ xấc xược, hỗn láo của trò mà buông những lời trách phạt nặng nề, coi như “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”, bị khiển trách có khi mất cả nghề chứ chẳng chơi!
Trường học dạy đủ cả, từ môn đạo đức ở cấp Tiểu học, môn Giáo dục công dân cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, những buổi ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm luôn lồng ghép kĩ năng sống, lối ứng xử văn hóa giữa mọi người với nhau… nhưng kiến thức các em học được đâu mỗi chỉ nhà trường mà còn môi trường sống ở từng gia đình, sự tác động của xã hội…
Học sinh vi phạm, dù đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục như khuyên bảo nhẹ nhàng, động viên giúp đỡ hay bắt ghi bản kiểm điểm, khiển trách trước lớp, nặng hơn nữa là hạ bậc hạnh kiểm cuối kì, đình chỉ học một tuần hay nhiều nhất là vài tháng… nhưng cũng chẳng ăn thua gì.
Bởi những em hay vi phạm nội quy, dùng bạo lực với các bạn phần lớn là những học sinh cá biệt, đến lớp chỉ để chơi và quậy phá, học còn không chú tâm nói gì đến hạnh kiểm.
Có em vẫn cứ cứ cố tình vi phạm hết lần này đến lần khác, càng nói chúng càng “thi gan” và chai lì.
Khi giới trẻ cổ vũ cho cái xấu |
Mời phụ huynh ư? Có phụ huynh đã không hợp tác còn lên tiếng sỗ sàng: “Con tôi hư mới cần thầy cô dạy dỗ”, “Lần sau nó hư cô cứ đánh chết nó đi, đừng gọi chúng tôi làm gì, mất cả việc...”.
Trở lại việc học sinh bị đánh hội đồng và quay clip tung lên mạng chẳng phải mới xảy ra lần đầu nhưng việc xử phạt chắc chắn cũng chỉ là cảnh cáo, nặng hơn nữa đình chỉ học một tháng… rồi đâu lại vào đấy bởi hình thức xử phạt như thế cũng chẳng đủ sức răn đe hay làm gương cho người khác.
Giá chúng ta cứ mạnh dạn cho những học sinh này vào trường giáo dưỡng, bắt học tập, cải tạo thì may ra sẽ hạn chế được những vụ việc tương tự xảy ra.
Có thể nói, xử phạt không nghiêm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bạo lực học đường không có hồi kết!