Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng. Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Hiện tại, trong 18 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia (theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo), ở lĩnh vực Thông tin và Truyền thông hiện đang có duy nhất Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) được đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có những chia sẻ liên quan đến nội dung này.
Củng cố tốt hơn định hướng phát triển của nhà trường
Đánh giá về vai trò của việc phân tầng đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc cho biết: “Theo tôi, việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Xây dựng quy hoạch mạng lưới tốt sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển chung của giáo dục đại học Việt Nam, tạo không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học trong mối quan hệ đồng bộ với toàn hệ thống giáo dục đại học và sự phát triển của xã hội. Việc quy hoạch mạng lưới tốt cũng sẽ giúp định hướng các trường đại học phát triển có trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Đi kèm với đó, quy hoạch mạng lưới tốt cũng giúp các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội được tập trung và có hiệu quả hơn. Đối với các trường đại học, việc quy hoạch trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm có thể giúp cho các trường đại học mạnh xác định rõ hướng phát triển trong tương lai, qua đó thu hút được nguồn lực đầu tư của xã hội tốt hơn”.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nằm trong danh sách đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc bày tỏ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa vào danh sách trở thành trường đại học trọng điểm ngành Thông tin và Truyền thông.
Với vai trò là trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và là trường đào tạo thế mạnh về ICT, chúng tôi cho rằng định hướng Học viện là trường trọng điểm ngành Thông tin và Truyền thông là phù hợp với chiến lược phát triển Học viện đã xây dựng.
Chúng tôi cũng cho rằng, nếu được xác định là trường trọng điểm ngày quốc gia là một cơ sở vững chắc để Học viện củng cố chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới”.
“Việc trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia sẽ là cơ hội để nhà trường huy động các nguồn lực, phát triển nhà trường theo chiều sâu trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức buộc Học viện phải nỗ lực để liên tục hoàn thiện và đổi mới, đặc biệt là với ngành Thông tin và Truyền thông là một ngành rất sôi động, liên tục phát triển và đi đầu trong kỷ nguyên số, trong cách mạng công nghiệp 4.0” - vị Giám đốc Học viện nhấn mạnh.
Sứ mạng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là “Sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và công nghệ số, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.
Về tầm nhìn, nhà trường xác định đến năm 2030, “Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học hàng đầu Việt Nam về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; là hình mẫu tiên phong về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, trở thành trường đại học hàng đầu của lĩnh vực”.
“Học viện cũng đã ban hành Chiến lược phát triển, trong đó xác định các nhiệm vụ quan trọng để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn đến năm 2030.
Việc được xác định làm cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành cũng cơ bản thống nhất với mục tiêu của Học viện là trở thành trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số.
Chúng tôi cho rằng việc trở thành một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm có vai trò giúp củng cố tốt hơn định hướng phát triển của nhà trường” - thầy Bắc khẳng định.
Mong có cơ chế đầu tư hiệu quả cho các trường tự chủ
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hiện đang là một trường đại học tự chủ toàn diện.
“Để thực hiện mục tiêu phát triển của nhà trường trở thành trường đại học hàng đầu ở trong khu vực, một trong những nhân tố rất quan trọng là cần có nguồn lực đầu tư tương ứng.
Đặc biệt là trường hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, và mới đây nhà trường đã xác định đẩy mạnh phát triển đào tạo trong lĩnh vực chíp và bán dẫn, thì nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, phòng lab trọng điểm, hạ tầng... giúp nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo là rất lớn.
Chúng tôi mong muốn, Nhà nước có các cơ chế để đầu tư một cách hiệu quả cho các trường đại học tự chủ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phát triển nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới” - thầy Bắc đề cập.
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông một lần nữa nhấn mạnh: “Học viện đã xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn và các chiến lược phát triển của mình trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng, việc bám sát và thực thi được chiến lược phát triển của bản thân nhà trường để tạo ra một cơ sở giáo dục đại học mạnh, cung ứng được nhiều nhân lực có chất lượng, nhiều sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ có giá trị cho xã hội, qua đó khẳng định được uy tín, vị thế của nhà trường đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của nhà trường.
Việc được xem xét là trường trọng điểm quốc gia và giữ được vai trò trường trọng điểm chỉ là kết quả của việc thực thi tốt sứ mệnh và hoàn thành được mục tiêu phát triển của nhà trường. Chúng tôi nhận thức rằng, để giữ uy tín và chất lượng của nhà trường, phải liên tục nỗ lực một cách bền bỉ.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục được sự quan tâm, đồng hành các cấp lãnh đạo, các Bộ/Ngành để giáo dục đại học gắn bó cơ hữu hơn nữa với các định hướng phát triển của Nhà nước và nhu cầu của xã hội
Đặc biệt, chúng tôi mong muốn đề án (Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - PV) sớm được thực thi để các mối liên kết đã xác định trong đề án sớm được thực hiện”".
Cần thiết xây dựng một quy định riêng cho các trường đại học tự chủ
Chia sẻ về hoạt động tự chủ của Học viện, Phó Giáo sư Đặng Hoài Bắc cho biết: “Học viện là một trong các trường đại học tự chủ từ sớm ở Việt Nam. Từ giai đoạn trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Học viện đã từng bước thực hiện tự chủ theo cơ chế doanh nghiệp. Năm 2016, sau khi về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư có vận dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp.
Tuy còn không ít các khó khăn, nhưng trải qua một giai đoạn thực hiện tự chủ ở mức độ cao, Học viện đã có những thành tựu nhất định.
Hiện nay, nhà trường đã tự cân đối được thu chi có tích lũy. Bên cạnh việc đảm bảo được chế độ, thu nhập đối với người lao động để giữ chân, thu hút được ngày càng nhiều các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giỏi, Học viện cũng đảm bảo được đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước hiện đại hoá môi trường học tập và nghiên cứu. Sau 8 năm thực hiện thí điểm tự chủ, Học viện đã tăng trưởng mạnh cả về quy mô, chất lượng đào tạo và vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng chỉ ra một số khó khăn trong thực tiễn: “Một là, tích lũy để đầu tư phát triển mạnh trong tương lai từ nguồn thu hiện nay còn hạn chế, trong khi huy động các nguồn vốn đầu tư khác còn gặp nhiều khó khăn.
Hai là, cơ chế phối hợp giữa các thiết chế Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban giám hiệu... còn cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường.
Ba là, cơ chế tài chính đối với trường tự chủ vẫn chịu sự quy định của nhiều văn bản chung cho các đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ, sử dụng ngân sách Nhà nước dẫn đến còn một số điểm vướng mắc trong việc thực thi tự chủ, tối ưu hoá hoạt động của nhà trường”.
“Việc xây dựng một quy định riêng, đặc biệt là quy định về cơ chế tài chính cho các trường đại học tự chủ, theo tôi là cần thiết.
Có thể xem xét tổng kết mô hình tự chủ của các trường đại học đang thực hiện để có bộ tiêu chí hoạt động phù hợp cho các trường tự chủ” - vị Giám đốc bày tỏ.