Giám sát, xử lý hành vi vi phạm Bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn" sẽ không dễ

19/12/2023 09:08
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia nêu băn khoăn, khi ban hành quy tắc "Người nhân văn" việc phát hiện hành vi vi phạm có dễ dàng và nhà trường sẽ có phương án xử lý ra sao.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 2222/QĐ-XHNV-TCCB ban hành quy định về bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn".

Theo đó, tại Điều 5 trong Chương II của bộ quy tắc này nêu lên quy định: "Không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức, người lao động".

Hiện quy định này của nhà trường đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, môi trường giáo dục cần sự cởi mở nên khi đặt ra các quy định cần hết sức thận trọng.

Vị này cho biết thêm: "Theo tôi, trong trường học chỉ nên đưa ra những quy định "cấm" đối với những hành vi tổn hại đến danh dự, uy tín của nhà trường hoặc những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật cần được cụ thể hóa.

Vì thế, việc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đưa ra quy định như vậy theo tôi là hơi "khắt khe và cứng nhắc".

Ngoài ra, vị nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, nhà trường có thể đặt ra các quy tắc, nhưng việc giám sát và xử lý đối tượng vi phạm quy tắc đó là rất khó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: K.N

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: K.N

"Trong việc này, có thể những quy định đó được người học, cán bộ viên chức trong trường tiếp thu. Tuy nhiên, sẽ có người nghiêm chỉnh tuân theo, có người không.

Trong trường hợp có đối tượng vi phạm quy định đó thì nhà trường sẽ tính đến các phương án xử lý ra sao?. Ngoài ra, khi xử lý các vi phạm, liệu cách thức xử phạt có chồng chéo vào các quy định chung của pháp luật hay không?.

Chưa kể, nếu nhà trường không khéo léo và xử lý thiếu đồng bộ, có người vi phạm là bị xử lý nhưng có người vi phạm lại được bỏ qua thì nó sẽ tạo ra nhiều tình huống khó phân xử khi áp dụng quy tắc. Thậm chí, nếu việc thực thi diễn ra khi không tạo ra sự đồng thuận thì có thể những quy tắc ấy là thứ cản trở, gây xáo trộn trong nội bộ nhà trường.

Vì thế, đáng lý trước khi đặt ra quy định này, nhà trường nên có những bước khảo sát thận trọng và tính toán đến các tình huống có thể xảy ra, khi ấy việc ban hành sẽ không có những luồng ý kiến tranh cãi như hiện tại.

Nếu ban hành các quy định theo kiểu "cảm hứng", thấy dư luận phản ứng mạnh quá lại rút quy định thì cũng không hay chút nào", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh thêm.

Qua đó, vị này bày tỏ quan điểm rằng, nếu trong quá trình hoạt động nhà trường đảm bảo nguyên tắc hoạt động công khai, minh bạch "thầy ra thầy, trò ra trò" thì không cần thiết phải đề ra những quy định mang tính "ép buộc" như vậy.

Đồng quan điểm về việc này, Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có một số chia sẻ.

Theo đó, Luật sư Mai Thị Kim Sa cho biết, quy định này liên quan đến sự cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và quyền của tổ chức. Trong trường hợp này là môi trường giáo dục đại học, con người luôn là trung tâm, là mục tiêu hướng đến đầu tiên của quá trình phát triển. Do đó, với việc xã hội đang phát triển về mọi mặt thì vấn đề quyền con người cũng ngày càng được tôn trọng và bảo vệ.

Từ đó, các quyết định về việc cụ thể hóa quy tắc trong trường hợp này của nhà trường có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cách thức triển khai và mục đích của việc đưa ra quy tắc đó.

"Quy định cụ thể của nhà trường về việc không ghi âm, ghi hình hoặc chụp ảnh mà không có sự đồng ý có thể được xem xét theo góc độ có tính linh động và có lợi ích chung. Nếu quy tắc này cản trở quá mức vào quyền tự do cá nhân và không cân đối với mục đích bảo vệ hình ảnh cá nhân, thì có thể coi là chồng chéo và quá khắt khe", vị luật sư này cho hay.

Đối với sự việc này, Luật sư Mai Thị Kim Sa cũng cho rằng, với những quy định có mức độ ảnh hưởng đến tập thể, nhà trường nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề và thông qua sự thảo luận với cộng đồng sinh viên, giảng viên trước khi đưa ra quy định chính thức. Bởi lẽ, sự linh hoạt trong việc đưa ra quy tắc có thể đảm bảo không làm ảnh hưởng quá mức đến sự sáng tạo và tính cởi mở trong môi trường đại học.

Bày tỏ quan điểm của mình, vị luật sư này cho rằng, dưới góc độ nào đó, việc hạn chế quay phim và chụp hình trong nhà trường có thể tạo điều kiện cho sự lợi dụng thông tin và gây ra sự cục bộ trong nội bộ của nhà trường.

Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Luật sư Mai Thị Kim Sa - Trưởng văn phòng Luật sư Mai Thị Kim Sa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua đó, vị này nêu dẫn chứng: "Chẳng hạn trong truyền thông nội bộ, nếu không có đủ hình ảnh và video thì thông tin được truyền đạt đó có thể là không đầy đủ và thiếu minh bạch đối với các đối tượng tiếp cận.

Ngoài ra, việc hạn chế quay phim và chụp hình có thể tạo ra sự khó khăn trong việc kiểm soát và giám sát các hoạt động và quá trình làm việc trong nhà trường. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, có thể xuất hiện các hành vi không đúng đắn và tiêu cực từ một số cá nhân, cán bộ, giáo viên trong nội bộ.

Nếu thông tin chỉ được kiểm soát bởi một số cán bộ và giáo viên, có thể tạo ra sự thiếu minh bạch và xảy ra quan hệ nội bộ không tốt. Điều này có thể tạo điều kiện cho sự hiểu lầm và không hài lòng giữa các cán bộ, giảng viên với nhau.

Hơn nữa, việc cản trở việc chia sẻ hình ảnh và video có thể làm giảm khả năng thảo luận mở và chia sẻ ý kiến đa dạng trong cộng đồng cán bộ, giáo viên. Các thành viên có thể cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ ý kiến khi không có dẫn chứng bằng hình ảnh hoặc âm thanh".

Trung Dũng