Giảm tuổi nghỉ hưu cho GVMN là hợp lý nhưng cần cân nhắc điều kiện từng vùng

04/05/2023 06:44
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non, những vùng khó đang thiếu giáo viên trầm trọng phải làm sao?

Vừa qua, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có tuổi thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 71 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): “Người lao động là giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục có tuổi thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định tại điểm a khoản này và có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm”.

Như vậy, căn cứ Bộ luật Lao động 2019, và theo đề nghị này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 55 tuổi với nữ và 57 tuổi với nam.

Trước đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Quý, công tác chuyên môn mầm non tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho rằng, nếu giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện hành sẽ phù hợp hơn. Bởi, giáo viên cao tuổi sẽ hạn chế hơn trong việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cũng như các hoạt động vừa học vừa chơi cho các em.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển).

Tuy nhiên, theo bà Quý, bản chất công việc giáo viên mầm non là vừa chăm sóc, vừa giáo dục, cả 2 yêu cầu này đều rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ mầm non ở trường trong quãng thời gian dài cả ngày từ sáng đến tối.

Giáo viên lớn tuổi có thể khó tiếp cận với các công nghệ giáo dục hiện đại, nhưng với thâm niên công tác trong nghề lâu năm, không thể phủ nhận rằng những giáo viên này lại có kinh nghiệm nhiều hơn để chăm sóc trẻ được tốt hơn so với đội ngũ giáo viên trẻ tuổi mới ra nghề.

Mặt khác, theo bà Quý, mặc dù hiện tại số giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Sìn Hồ chủ yếu là giáo viên trẻ tuổi, số lượng giáo viên lớn tuổi chỉ chiếm mấy phần trăm trong tổng số, nhưng hiện huyện còn đang thiếu khoảng 30 giáo viên mầm non theo chỉ tiêu được giao, trong công tác tuyển sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, bà Quý mong rằng, đề xuất nếu được ban hành cần phải cân nhắc áp dụng theo từng địa phương, bởi đối với những nơi vùng khó như huyện Sìn Hồ, nếu cho giáo viên nghỉ hưu sớm hơn thì tỉ lệ thiếu giáo viên mầm non của huyện càng gia tăng.

“Tình hình thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn vốn đã phải đứng trước thách thức với trường hợp giáo viên luân chuyển, nguồn tuyển cũng không còn nhiều sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực,... nên sẽ thiếu càng thêm thiếu nếu giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non”, bà Quý nói.

Cũng theo bà Quý, địa bàn huyện Sìn Hồ với tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số cao, những giáo viên trẻ ở miền xuôi mới ra trường khi làm việc tại địa bàn cũng có một số những khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ,... Tuy nhiên, huyện cũng thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng để giáo viên nào cũng tiếp cận được nhanh với chương trình giáo dục mầm non,... cũng như phân công công việc của mỗi giáo viên được phù hợp với từng hoàn cảnh.

Chia sẻ từ cô Trần Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa hồng, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông về vấn đề trên cho hay, trong thực tế, hầu hết các giáo viên mầm non đều mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện hành.

Bởi, nếu để tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non giống với các đối tượng lao động khác là không phù hợp và cũng không mang lại hiệu quả cho giáo dục, khiến các giáo viên lớn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, gây bất lợi cho cả giáo viên và cả các em học sinh.

So với giáo viên lớn tuổi, các giáo viên trẻ có chất lượng giảng dạy được tốt hơn nhờ có sự tiếp cận nhanh nhẹn với các nguồn thông tin, hướng dẫn, lại có sức khỏe, sự dẻo dai tốt hơn để có thể thực hiện các hoạt động múa, hát, phù hợp với chương trình giáo dục bậc mầm non.

Ngoài ra, với thực trạng là một địa bàn vùng khó, lại có nhiều dân tộc anh em sinh sống, các giáo viên lớn tuổi cũng khó khăn hơn trong việc học tập các tiếng dân tộc khác nhau để giao tiếp với học sinh và phụ huynh so với giáo viên trẻ.

“Học trò bậc mầm non cũng thường thích giáo viên trẻ tuổi hơn, trong thực tế, khi các con nhìn thấy cô giáo lớn tuổi đã kêu “bà ơi” rồi thì làm sao còn phù hợp để đứng lớp giảng dạy, múa hát cho các em được”, cô Minh chia sẻ.

Cũng đồng tình với đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Hoàng Thị Khánh Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên bày tỏ quan điểm, không như các bậc học khác, với đặc thù của ngành giáo dục mầm non, các giáo viên cần phải linh hoạt trong các hoạt động liên quan đến thể chất hay những chương trình đổi mới. Những vấn đề này dường như khá khó khăn cho các giáo viên lớn tuổi.

Hơn nữa, ở độ tuổi của các em bậc mầm non, không chỉ học sinh mà cả các phụ huynh cũng thường có tâm lý thích giáo viên trẻ tuổi hơn với mong muốn giúp các con được giáo dục một cách chất lượng, phù hợp với xu thế hiện nay.

Tường San