Năm học mới đã bắt đầu, các thầy cô giáo tại trường Phổ thông dân tộc Bán trú Vĩnh Ô (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại khoác ba lô ngược dòng Bến Hải, đi về phía đầu nguồn, nơi học sinh ở các bản sâu trong dãy Trường Sơn đang đợi.
Thăm thẳm con đường vào đến những điểm trường của Vĩnh Ô đều nằm trong vực biệt lập, những cung đường thăm thẳm, những thác, ghềnh nước chảy cuồn cuộn....qua những dãy rừng già của Trường Sơn.
Tuy vậy, với quyết tâm bám bản, giữ học sinh trên lớp, duy trì sĩ số, duy trì chất lượng giáo dục, thầy và trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đã và đang giúp miền đất gian khó này có những đổi thay tích cực.
Ngày khai giảng đón chào các em học sinh năm học mới ở điểm trường chính trường Phổ thông dân tộc bán trú Vĩnh Ô. Ảnh tư liệu nhà trường. |
Nói về khó khăn của trường, thầy giáo Nguyễn Văn Thông - Hiệu trưởng trường Vĩnh Ô cho biết: “Cơ sở vật chất của nhà trường được xây dựng từ những năm 1985 – 1987 nên đã xuống cấp và còn rất thiếu thốn, học sinh 99% là người dân tộc thiểu số.
Trường có 3 điểm trường cách nhau 12km với nhiều khúc sông, con suối.
Hiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn rất nhiều, tại điểm trường trung tâm cũng chỉ có 6 phòng học, nhưng đã bị xuống cấp nặng. Về mùa mưa, mái của các phòng bị dột nát, ẩm ướt nên phải bố trí cho các em học dạt sang hai bên. Nhiều phòng học chưa đủ trang thiết bị để phục vụ dạy học.
Ngay như sách giáo khoa và các dụng cụ học tập cho các em cũng chưa đáp ứng đủ, hàng năm trường phải vận động từ các nhà tài trợ để xin thêm sách giáo khoa cũ cho các em học sinh. Nhiều bàn ghế đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng chưa được trang bị lại.
Tại các điểm trường lẻ cũng không có phòng học và phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng, hoặc nhà nội trú của giáo viên để làm nơi giảng dạy cho các em. Các trang thiết bị bên trong như bảng viết, bàn ghế và nhiều dụng cụ thiết yếu vẫn chưa có…
Hàng năm vào mùa khô các thầy cô đỡ vất vả nhưng vào mùa mưa thì việc đến trường là cả một hành trình đầy gian nan của các thầy cô”.
Các thầy cô giáo "khởi động" năm học mới bằng những chuyến đi rừng tìm học sinh. Ảnh: Vĩnh Nguyễn. |
Nói về học sinh của mình, thầy Thông cho biết: “Trong khi các em học sinh miền xuôi hàng ngày được ba, mẹ đưa đón thì những học sinh Vân Kiều ở vùng núi phía Tây Quảng Trị, người “nhỏ thó như chú mèo con” phải tự mình lội qua hàng chục con suối, nhiều đèo cao mới đến được trường, lớp. Địa hình cách trở, nhiều sông suối cũng là một nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân Vân Kiều vùng phía Tây Quảng Trị”.
Thế nhưng, dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng thầy và trò trường Phổ thông bán trú Tiểu học Vĩnh Ô vẫn vượt qua những khó khăn, tổ chức tốt công tác bán trú tại cả 3 điểm trường để học sinh được học tập tại trường và duy trì sĩ số với tỉ lệ chuyên cần 100%, từ đó đã nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Theo thông tin từ phía nhà Trường, trong 3 năm qua nhà trường đều có học sinh đạt giải ở các sân chơi và Hội thi.
Dù là trường vùng khó nhưng, Vĩnh Ô cũng có học sinh tham gia đội tuyển U11 bóng đá mini huyện Vĩnh Linh đạt huy chương vàng toàn tỉnh Quảng Trị, phong trào thể dục thể thao các em học sinh tham gia đều đạt giải.
Các giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam đạt giải Nhì, ba, khuyến khích, hội thi viết chữ đẹp đạt giải khuyến khích.
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, các em học sinh là người dân tộc thiểu số Pa kô – Vân Kiều đều đạt giải với tất cả các hội thi và sân chơi dành cho học sinh Tiểu học của huyện, tỉnh.
Món quà đầu năm học mới ở điểm thôn 8 Vĩnh Ô. Ảnh: Vĩnh Nguyễn |
Nhờ những cố gắng ấy mà nhà trường trong 3 năm qua đều đạt Tập thể lao động tiên tiến.
Trường Vĩnh Ô hiện nay có 6 giáo viên đạt được thành tích cao như giáo viên giỏi cấp huyện, giáo viên chủ nhiệm giỏi, Đội giỏi….
Song song với công tác nâng cao chất lượng dạy học thì nhà trường rất chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức và rèn Kỹ năng sống cho học sinh như tổ chức các Hội thi Em yêu Tiếng Việt, Ngày Hội đọc sách....phối hợp với cá tổ chức tổ chức các hoạt động như Xuân yêu thương, Nâng bước em đến trường, Thắp sáng ước mơ....
Công tác trong vùng xa, vùng khó, các thầy cô giáo ở trường Vĩnh Ô coi trường là nhà, học sinh là các con nên cùng nhau phấn đấu, trao dồi chuyên môn cùng nhau góp sức nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.
Nói về nơi mình công tác, thầy giáo Hồ Văn Ninh tâm sự: “Vì thương học trò ở các bản xa đi học trong điều kiện cách trở, rồi đâm ra chán nản, bỏ học, mình phải vào tận bản để dạy chữ cho các em.
Học sinh miền núi bị thiệt thòi so với miền xuôi nhiều lắm.
Ngoài việc phải băng rừng, lội suối đến trường thì các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc học tập như sách vở, bút mực… cũng thiếu thốn rất nhiều.
Đến được trường thì quần áo, sách vở các em ướt sũng hết cả, ngồi co lại với nhau, thấy tội nghiệp lắm.
Ngay cả trường học cũng hết sức chật chội, bị xuống cấp, có nơi phải mượn tạm nhà công vụ của giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy học.
Mình là giáo viên, bổn phận của mình là dạy học, cũng mong muốn không để các em phải thất học nên chịu khó một chút thôi chứ biết sao giờ”.
Cô trò ở Vĩnh Ô trong một buổi học ngoài trời. Ảnh: tư liệu nhà trường |
Còn cô giáo Hồ Thị Liên nói về hành trình đến với bục giảng ở Vĩnh Ô: “Về mùa hè, nước suối cạn còn đỡ chứ về mùa mưa, nước chảy xiết nhưng cũng cố mà lội qua.
Đến nơi thì người lạnh tím, vội vàng thay quần áo để kịp lên lớp giảng bài.
Mình có sức khỏe mà cũng như thế thì huống chi các em học sinh người nhỏ thó mà phải hàng ngày lội suối đến trường.
Có lúc cả người lẫn cặp sách bị trôi tuột cũng phải cố vùng vẫy mà bơi qua".
Thế nhưng, gác lại những khó khăn đó, thầy cô giáo vùng cao Vĩnh Ô, nơi đầu nguồn sông Bến Hải vẫn ngày ngày gieo chữ cho vùng gian khó, góp phần đổi thay cho quê hương Anh hùng.