Giảng viên là GS, NSND giảm mạnh, lãnh đạo Đại học Sân khấu- Điện ảnh HN nói gì?

16/09/2023 06:37
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Còn rất hiếm giảng viên khối ngành đào tạo nghệ thuật muốn đi học nghiên cứu sinh.

Trong bài viết "Số lượng Nghệ sĩ nhân dân của ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN giảm mạnh" mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 11/9 cho thấy, qua 5 năm học gần đây (từ 2018-2019 đến 2022-2023), số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang giảm mạnh qua các năm. Không những vậy, quy mô người học trình độ đào tạo Tiến sĩ của trường cũng đang có xu hướng giảm.

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho hay:

“Tình trạng sụt giảm số lượng giảng viên cơ hữu là Giáo sư, Phó giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của trường trong những năm gần đây do nhiều thầy cô đã đến tuổi về hưu nhưng lại khó có nguồn để bổ sung ngay.

Việc có đủ số giảng viên cơ hữu với đầy đủ chức danh là điều rất cần thiết và quan trọng trong công tác đào tạo và phát triển của nhà trường, giúp trường không bị động về vấn đề đội ngũ giảng dạy, đào tạo. Tuy nhiên, hiện có rất ít số giảng viên hay người làm khối ngành nghệ thuật muốn học lên trình độ Tiến sĩ”.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Tường San).

Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Tường San).

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, toàn trường chỉ còn 4 giảng viên cơ hữu là Phó Giáo sư, không có giảng viên cơ hữu là Giáo sư.

Thầy Thành cho hay, với một số Phó Giáo sư, Giáo sư là giảng viên thỉnh giảng, hợp đồng dài hạn và số người học tiến sĩ của trường đang rất ít trong thời điểm hiện tại, nên số lượng giảng viên cơ hữu là Phó Giáo sư, Giáo sư này có thể tạm thời đáp ứng đủ cho công tác đào tạo trình độ Tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu không kịp thời được bổ sung sẽ là một vấn đề nan giải trong tương lai.

Lý giải nguyên nhân vì sao khó có nguồn giảng viên cơ hữu chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư, thầy Thành bày tỏ, đối với khối ngành nghệ thuật, lượng giảng viên, người học đi học nghiên cứu sinh để sau đó có thể trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư hiện nay còn rất ít.

Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê cho thấy, vài năm trở lại đây ở lĩnh vực nghệ thuật không có Giáo sư nào và rất ít Phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận. Cụ thể như sau:

Số Giáo sư, Phó Giáo sư lĩnh vực Nghệ thuật được công nhận trong 04 năm gần đây.

Số Giáo sư, Phó Giáo sư lĩnh vực Nghệ thuật được công nhận trong 04 năm gần đây.

Theo thầy Thành, đối với những người làm nghệ thuật nói chung và giảng viên dạy nghệ thuật nói riêng thì việc học lên Tiến sĩ là rất vất vả vì đây là ngành học đặc thù.

Hàng năm, trường đều có số lượng người học lên trình độ đào tạo Thạc sĩ khá đông. Tuy nhiên, khi học Thạc sĩ của khối ngành nghệ thuật là nâng năng lực thực hành nghề sâu hơn và chủ yếu sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, người học thường sẽ ra ngoài đi làm luôn thay vì theo hướng đào tạo và tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

Không những vậy, đối với những khối ngành khác là kiến thức, chương trình đào tạo hệ thạc sĩ khá tiệm cận với hệ đào tạo trình độ tiến sĩ, tuy nhiên, đối với khối ngành nghệ thuật, dù có những người học rất giỏi nhưng khi học lên trình độ đào tạo tiến sĩ lại thấy như một “chân trời mới” vì gần như 100% là học về phương pháp và lý luận, không còn gắn nhiều với thực hành như khi học thạc sĩ.

Hơn nữa, để đáp ứng được yêu cầu về mặt phương pháp, lý luận, thực hiện các công trình nghiên cứu, cũng như đủ năng lực để sau khi tốt nghiệp có thể đi giảng dạy, đòi hỏi người học nghiên cứu sinh của khối ngành nghệ thuật phải từng làm nghề trực tiếp trong khoảng thời gian nhất định.

Từ đó, mới có kinh nghiệm để nghiên cứu sâu và sau khi tốt nghiệp có thể đảm bảo kiến thức, kỹ năng truyền tải được cho người học.

Thế nhưng, rào cản của nhiều giảng viên khối ngành nghệ thuật hiện nay là rất khó đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là những ở độ tuổi khi đã có đủ kinh nghiệm như khoảng trên 40 tuổi lại càng khó nên không thể học lên nghiên cứu sinh.

Số người khác làm bên ngoài khi đã đủ kinh nghiệm lại không muốn học nâng cao trình độ để đi giảng dạy hoặc tuổi đã quá cao để học. Bởi mức lương làm giảng viên thấp hơn nhiều so với làm công việc tại các sân khấu, nhà hát,…

Ngoài ra, để được công nhận là Phó Giáo sư và Giáo sư thì điểm công trình khoa học vốn chiếm phần lớn nhưng theo quy định hiện hành, cách tính điểm này đồng loạt ở tất cả các khối ngành nên đây cũng là một thiệt thòi đối với khối trường đào tạo nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bởi, để có một công trình nghiên cứu của lĩnh vực nghệ thuật vốn không hề đơn giản.

Mặt khác, đối với tình trạng số giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cũng đang giảm qua các năm, thầy Thành cho biết, trường cũng đến những nhà hát để mời các nghệ sĩ về trường tham gia vào công tác đào tạo, giảng dạy nhưng vẫn khó khăn.

Trên thực tế, để đạt được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, họ đã phải “lặn lội” dành rất nhiều năm làm nghề, tham gia các hoạt động để có có đủ huy chương, thành tích,… trong suốt thời gian dài nên không có thời gian để học tập nâng cao trình độ.

Hơn nữa, có những người nghệ sĩ rất giỏi về thực hành nghề nhưng lại không giỏi về công tác giảng dạy, không có năng lực sư phạm. Do vậy, trường khó có ngay được đội ngũ Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú để đáp ứng số người đã nghỉ hưu.

Thầy Thành cho biết thêm, nhà trường luôn cố gắng động viên, tạo điều kiện để thu hút nhiều người học, giảng viên học tập nâng cao trình độ như hàng năm có các học bổng đào tạo tài năng, học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, trường dự kiến đến năm 2025, có khoảng 40-50% số giảng viên là Tiến sĩ hoặc ít nhất là bắt đầu học nghiên cứu sinh để sau đó có thể trở thành Phó giáo sư, Giáo sư nhằm đáp ứng nguồn nhân lực đào tạo, giảng dạy cho nhà trường.

Nhiều ngành nghệ thuật truyền thống đang dần thiếu hụt nguồn nhân lực

Cũng theo dữ liệu từ đề án tuyển sinh 2023 của trường, trong 2 năm gần đây (2022, 2021), trường đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt là ở ngành Diễn viên sân khấu kịch hát.

Thầy Thành chia sẻ, giữa thời đại công nghệ 4.0, có rất nhiều "món ăn" nghệ thuật để con người lựa chọn thưởng thức nên nghệ thuật truyền thống cũng đang phải đứng trước nhiều sự cạnh tranh.

Đặc biệt, một trong những điều thầy và nhà trường cảm thấy xót xa nhất hiện nay là không còn nhiều môi trường để sinh viên thực hành và đến làm việc như trước kia.

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Tường San).

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Tường San).

Với thực trạng nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương) bị sáp nhập, thậm chí cả những nhà hát đã tồn tại 60-70 năm đứng trước nguy cơ tan rã, sáp nhập hay việc sáp nhập các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp với các trung tâm văn hóa của địa phương diễn ra trong thời gian gần. Điều này đã dẫn đến giảm số lượng biên chế của các nhà hát, đoàn biểu diễn.

Khi nhìn thấy cơ hội việc làm không còn rộng mở như vậy, nhiều em dù có đam mê cũng ngại chọn vào học các ngành nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống.

“Cách đây mười mấy năm, chúng tôi có thể chọn từ 5-10 người học có năng khiếu, tiềm năng, có đam mê với nghề nhất giữa hàng trăm người đến đăng ký vào trường nhưng những năm gần đây thì không còn được như vậy nữa”, thầy Thành kể.

Thậm chí, hầu hết sinh viên theo học các chuyên ngành tại khoa Kịch hát dân tộc của trường đều được chi trả tất cả từ việc 70% học phí, có học bổng, có tiền bồi dưỡng nghề, đảm bảo về chất lượng của giáo trình cùng đội ngũ giảng viên nhưng vẫn khó tuyển sinh.

Đặc biệt như nhạc công cải lương đã chục năm nay rất khó tuyển sinh; ngành Diễn viên rối của Khoa Kịch hát dân tộc (hiện nay chỉ có duy nhất Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đào tạo ngành học này trình độ đại học chuyên nghiệp) lại có có cơ hội việc làm rộng mở, lương cao, có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng những năm gần đây đều rất khó tuyển sinh.

Trong khi đó, tại các nhà hát đều đang thiếu nguồn nhân lực nhạc công cải lương, diễn viên rối, một số lĩnh vực khác như diễn viên cải lương, diễn viên tuồng, chèo đều đang thiếu những gương mặt mới nhưng chưa thể đáp ứng. Các ngành nghệ thuật truyền thống đang có xu hướng dần thiếu hụt nguồn nhân lực.

Hiện nay, để thu hút người học và đáp ứng được sự phát triển không ngừng của xã hội, các chương trình đào tạo của trường, kể cả những chương trình đào tạo khó nhất là nghệ thuật truyền thống đều được trường áp dụng những cập nhật, đổi mới nhưng vẫn lưu giữ được nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống.

Theo đó, các chương trình học vừa được cập nhật những phương pháp hiện đại của thế giới cộng với các phương pháp độc đáo nhất của nghệ thuật truyền thống. Do vậy, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội luôn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực.

Về cơ sở vật chất, thầy Thành cho biết thêm, hiện tại phòng học của trường không thiếu nhưng thiếu những không gian biểu diễn đúng chuyên ngành, thiếu trường quay,…, rất cần được nhà nước, các Bộ, ban, ngành có liên quan quan tâm đầu tư một cách chi tiết, đáp ứng đúng chức năng thực hành cho người học.

Tường San