Số lượng Nghệ sĩ nhân dân của ĐH Sân khấu-Điện ảnh HN giảm mạnh

11/09/2023 06:27
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không chỉ số giảng viên cơ hữu là GS, PGS mà số NSƯT, NSND của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng có xu hướng giảm theo các năm. 

Là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh và truyền hình ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kĩ thuật và sau đại học; nghiên cứu và thực nghiệm khoa học trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường và góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, Trường do Tiến sĩ Phạm Trí Thành làm Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi làm Hiệu trưởng nhà trường.

Số người học trình độ đào tạo Tiến sĩ có xu hướng giảm

Từ năm 2000, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ các ngành: Nghệ thuật sân khấu và Nghệ thuật điện ảnh – truyền hình. Đến năm 2012, Trường tiếp tục được tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hai ngành: Lý luận và lịch sử sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh – truyền hình.

Đáng nói, số lượng người học trình độ đào tạo tiến sĩ của trường những năm gần đây liên tục giảm mạnh.

Trên website của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã niêm yết báo cáo ba công khai, trong đó quy mô đào tạo hàng năm với nhiều biến động.

Quy mô sinh viên theo trình độ đào tạo qua các năm học của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Quy mô sinh viên theo trình độ đào tạo qua các năm học của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Từ bảng trên, có thể thấy, quy mô người học trình độ đào tạo tiến sĩ liên tục giảm qua các năm, từ 26 nghiên cứu sinh (năm học 2018-2019) xuống còn 08 nghiên cứu sinh (năm học 2021-2022).

Mặt khác, số lượng giảng viên cơ hữu của trường có trình độ Tiến sĩ (bao gồm cả những người có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư) theo thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng giảm từ 25 giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ năm học 2018-2019 giảm xuống chỉ còn 14 người trong 2 năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021. Đến năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ tăng 2 người (nâng tổng số lên thành 16 giảng viên có trình độ tiến sĩ).

Ở năm học gần nhất 2022-2023, gần như mỗi chuyên ngành giảng dạy của Trường chỉ có 01 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, riêng chuyên ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn sân khấu có 02 giảng viên cơ hữu trình độ Tiến sĩ; chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh có 03 giảng viên cơ hữu trình độ Tiến sĩ.

Cũng tại thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, số lượng giảng viên cơ hữu là Giáo sư, Phó Giáo sư có xu hướng giảm qua các năm.

Năm học 2018-2019, trường có 01 giảng viên cơ hữu là Giáo sư, nhưng những năm học sau đó và gần nhất là năm học 2022-2023 không có giảng viên cơ hữu nào là Giáo sư; Trường có 11 giảng viên là Phó Giáo sư vào năm học 2018-2019 nhưng đến năm học 2022-2023 chỉ còn 2 người.

Có thể thấy, số lượng Phó Giáo sư và Giáo sư của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội không có nhiều và số lượng người học trình độ tiến sĩ mỗi năm của Trường rất ít.

Không chỉ số lượng giảng viên cơ hữu là Giáo sư, Phó Giáo sư của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội bị giảm mà số giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân của nhà trường cũng có xu hướng giảm theo các năm.

Số lượng giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội những năm gần đây.
Số lượng giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội những năm gần đây.

Từ bảng số liệu trên có thể thấy, số lượng giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ nhân dân của Trường giảm từ 11 người (năm học 2018-2019) xuống còn 01 người (năm học 2022-2023); số lượng giảng viên cơ hữu là Nghệ sĩ ưu tú giảm từ 9 người xuống còn 02 người (năm học 2022-2023).

Mặt khác, tại đề án tuyển sinh 2023 cho thấy trong 2 năm gần đây, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Năm 2021, nhà trường được phê duyệt 460 chỉ tiêu nhưng chỉ có 443 em nhập học; năm 2022, số sinh viên nhập học lại tiếp tục giảm mạnh khi trường được phê duyệt 460 chỉ tiêu nhưng thực tế chỉ có 340 em nhập học.

Trong đó, ngành học khó tuyển sinh với số người nhập học giảm mạnh nhất là ngành Diễn viên sân khấu kịch hát. Cả 2 năm 2021, 2022 trường tuyển sinh 55 chỉ tiêu cho ngành học này, tuy nhiên, năm 2021, chỉ có 48 em nhập học và số sinh viên nhập học ngành học này tiếp tục giảm xuống là 24 em vào năm 2022.

Được biết, ngành Diễn viên sân khấu kịch hát của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang đào tạo những chuyên ngành về nghệ thuật truyền thống của nước ta gồm Diễn viên cải lương, Diễn viên chèo, Diễn viên rối, Nhạc công kịch hát dân tộc.

Ngoài ra, một số ngành học khác của Trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu năm 2022 gồm: Đạo diễn sân khấu; Đạo diễn điện ảnh, truyền hình; Quay phim; Biên đạo múa; Nhiếp ảnh; Công nghệ điện ảnh, truyền hình; Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh.

Tường San