10 phẩm chất căn bản của người thầy trong thời đại 4.0

26/01/2020 06:09
Phó Giáo sư Đào Duy Huân
(GDVN) - Người thầy phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình, sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp.

LTS: Bàn tiếp về người thầy của thời kỳ hội nhập, theo quan điểm của Phó Giáo sư Đào Duy Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ thì người thầy trong thời đại 4.0 cần phải hội tụ đủ 10 phẩm chất căn bản.

Dưới đây là những phẩm chất đó theo quan điểm của thầy Huân.

Người thầy phải là tấm gương học suốt đời

Trong nghề dạy học, chất lượng học tập của  sinh viên và chất lượng hoạt động dạy học của thầy có tương quan tỉ lệ thuận với nhau, để đảm bảo chất lượng học tập của sinh viên cần quy định về trình độ năng lực của thầy.

Người thầy trong thời đại 4.0 phải có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong dạy học. Ảnh: TT
Người thầy trong thời đại 4.0 phải có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong dạy học. Ảnh: TT

Vì thế, chuyên nghiệp hóa nghề dạy học là cam kết của ngành giáo dục đối với xã hội về chất lượng đầu ra của sinh viên là cách để khẳng định giá trị của nghề dạy học trong xã hội.

Để đáp ứng được yêu cầu đó, người thầy phải trải qua một quá trình học tập và thực hành nghề dạy một cách tích cực và kỹ lưỡng, từ đào tạo ban đầu đến bồi dưỡng liên tục trong thực tiễn dạy học.

Người thầy phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp

Người thầy là người có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong các thiết chế giáo dục của xã hội và được trả công cho công việc của mình.

Điều này để nhấn mạnh đến trách nhiệm đạo đức, pháp lý của người thầy trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Nhà giáo đại học trong thời đại 4.0 phải dạy học sao cho khác và hơn robot
Nhà giáo đại học trong thời đại 4.0 phải dạy học sao cho khác và hơn robot

Hơn nữa, người thầy là thành viên của cộng đồng nghề giáo, tức là đảm trách một lĩnh vực hoạt động căn bản trong đời sống để duy trì sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Việc hỗ trợ cho học tập và phát triển của học sinh được xem là điều kiện sống còn cho sự thành công của người thầy.

Người thầy phải là nhà nghiên cứu ứng dụng

Nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nảy sinh, cải tạo những yếu tố cản trở là nhiệm vụ thường xuyên của người làm giáo dục.

Điều này nhấn mạnh rằng người thầy mới chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục ở nhà trường.

Đó là lý do chính để đòi hỏi người thầy phải suy nghĩ và hành xử như một nhà nghiên cứu, giải quyết vấn đề của thực tiễn xã hội, thực tiễn nhà trường.

Người thầy phải góp phần làm tiến bộ xã hội

Giáo dục bản thân nó là để làm thay đổi, làm mới người học và qua đó làm mới xã hội theo hướng tăng trưởng, tích cực.

Người thầy với chức năng giáo dục của mình sử dụng tri thức và kỹ năng sư phạm để làm cho học sinh được giáo hóa, thay đổi và trưởng thành, như là kết quả của quá trình học tập của người học.

Vai trò của thầy trong nhà trường hiện đại đã được mở rộng, không chỉ là nhà sư phạm mà còn là nhà nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn của nhà trường, nhà canh tân xã hội và người học suốt đời.

Người thầy phải luôn rèn luyện đạo đức

Người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước.

Cũng đã có nhiều cách ví von như: “một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ!”. 

Điều đó quả không sai, người thầy tồi sẽ đem lại hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.

Chính vì vậy, để nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo, mỗi một thầy, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh về giáo dục.

Mỗi người phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội.

Người thầy phải đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghề nghiệp

Với chương trình giáo dục theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, người thầy phải thực sự có lý tưởng nghề nghiệp, yêu nghề và nắm vững kiến thức chuyên môn được đào tạo; tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thầy cô giáo phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học. Tùy theo nội dung từng bài mà lựa cho phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học phù hợp.

Người thầy phải có năng lực chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học

Năng lực chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học là một trong những năng lực được nhấn mạnh trong kiểu dạy học “tập trung vào  sinh viên và hoạt động học”.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi có người thầy, suốt 3 năm đại học chỉ hỏi, không dạy!
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi có người thầy, suốt 3 năm đại học chỉ hỏi, không dạy!

Trong thực tế, biết chuẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học mới có thể thiết kế kế hoạch dạy học phù hợp.

Năng lực này đòi hỏi những kỹ năng như soạn phiếu phỏng vấn, tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng hồ sơ đối tượng dạy học… Chỉ khi nắm vững đối tượng, thầy giáo mới có thể điều khiển quá trình dạy học có hiệu quả.

Người thầy có năng lực thiết kế và lập kế hoạch dạy học

Năng lực này đòi hỏi những kỹ năng như nghiên cứu mục tiêu, nội dung chương trình, giáo trình chính, lớp học, học phần, dựa vào đặc điểm đối tượng đã khảo sát để lập kế hoạch phù hợp, khả thi, có thể kiểm soát được, đánh giá được.

Những kỹ năng này giúp thầy giáo nhìn thấy trước và lập kế hoạch, lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện, phương thức tiến hành các hoạt động chính của mình cũng như của học sinh. Làm như vậy, thầy giáo luôn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình giáo dục.

Người thầy phải có năng lực thực hiện kế hoạch dạy học

Năng lực này cũng đòi hỏi thầy giáo phải có kỹ năng giao tiếp (với  sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp,  địa phương…).

Thầy giáo phải có kỹ năng quản lý hoạt động dạy học trong phạm vi trách nhiệm của mình, lôi cuốn sự tham gia nhiệt tình của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Việc hình thành kỹ năng như vậy, không phải dễ dàng mà nó là kết quả của một quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện tay nghề công phu.

Người thầy phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học

Thầy giáo không những phải biết đánh giá chính xác, công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh mà còn phải hình thành cho các em khả năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.

Qua đó mà tự động điều chỉnh cách học, đồng thời, thầy giáo tự điều chỉnh cách dạy cho hợp lý. Muốn vậy, thầy giáo phải nắm vững và biết phối hợp các phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá (truyền thống và hiện đại).

Phó Giáo sư Đào Duy Huân