Người thầy giỏi không đơn thuần chỉ dạy cho…học sinh giỏi

10/01/2020 07:00
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nếu thầy cô chỉ quan tâm, bồi dưỡng những em học sinh giỏi trở thành…học sinh giỏi thì dễ vô cùng bởi những em này có động lực, ý thức học tập rất cao.

Một lớp học bình thường, không phải lớp chọn, không phải lớp chuyên thì đương nhiên là học sinh trong lớp sẽ có nhiều mức học lực khác nhau. Có em học giỏi từ nhỏ, có em học bình thường và thậm chí có cả những em lơ mơ, không nắm được kiến thức bài học.

Nếu người thầy chỉ  quan tâm, dạy cho học sinh giỏi trở thành…học sinh giỏi còn những em học sinh dở thì lơ là, ít quan tâm thì vô tình những em giỏi sẽ giỏi hơn và những em dở thì ngày càng dở hơn.

Trong lớp học có những em giơ tay thẳng, có những em giơ tay thập thò và có cả những em không giơ tay (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Trong lớp học có những em giơ tay thẳng, có những em giơ tay thập thò

và có cả những em không giơ tay (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Càng học sinh lớn càng ngại giơ tay phát biểu, xây dựng bài

Nếu thầy cô chỉ quan tâm đến những học sinh khá giỏi, ít quan tâm đến những em học sinh yếu kém trong lớp vì một vài lần đã quan tâm mà không thấy học trò thay đổi thì đó chưa là những thầy cô giáo giỏi. Hoặc, chỉ giỏi về chuyên môn mà không giỏi về tâm lý.

Thực tế là học trò càng lớn lại càng có nhiều em học tập thụ động, ít dám giơ tay phát biểu đó là điều mà những thầy cô giáo đang phải chứng kiến hàng ngày.

Nếu như ở Tiểu học, đa phần học sinh biết cái gì là giơ tay, thậm chí không biết chính xác vẫn giơ tay. Lên đến các lớp lớn hơn, càng ngày học sinh càng co cụm lại, nhiều khi biết rõ vấn đề mười mươi cũng không giơ tay bởi xung quanh các em ít có bạn giơ tay hoặc không có bạn nào giơ tay cả.

Lâu ngày, thành một thói quen nên nhiều thầy cô toàn phải chỉ định học sinh phát biểu, xây dựng bài. Tất nhiên, khi lớp học như vậy thì những kỹ năng cần thiết để tự tin nói, trình bày một vấn đề trước đám đông, làm việc nhóm của các em sẽ bị thui chột lại.

Vì thế, sự khích lệ của thầy cô đối với học trò, tạo cho học trò một thói quen trong học tập là điều rất cần thiết. Và, sẽ cần thiết hơn là sự bao quát lớp, sự quan tâm đến tất cả các đối tượng học trò trong một lớp học.

Thói quen của nhiều thầy cô là chỉ gọi học sinh…giơ tay thẳng

Người thầy giỏi không đơn thuần chỉ dạy cho…học sinh giỏi  ảnh 2Vì các con, tôi đã mang hết tâm huyết của mình ra để sáng tạo

Nếu thầy cô chỉ quan tâm, bồi dưỡng những em học sinh giỏi trở thành…học sinh giỏi thì dễ vô cùng bởi những em này có động lực, ý thức học tập rất cao. Các em rất nhanh hiểu bài và thường chủ động trong việc học kể cả ở lớp hay ở nhà.

Thực tế học ở lớp, các em học sinh giỏi, hay phát biểu bài, ngoan hiền thì vẫn được thầy cô quan tâm nhiều hơn. Chỉ cần đến lớp dạy mà thấy một học sinh giỏi trong lớp nghỉ học là thầy cô hỏi thăm liền.

Nhưng, đối với những học sinh yếu thì việc này lại ít xảy ra mà thực tế thì nhiều giáo viên chỉ nhớ được tên học sinh giỏi và những học sinh được xem là cá biệt trong lớp. Nhất là những thầy cô dạy nhiều lớp thì rất khó nhớ hết tên học trò của mình.

Chính vì sự quan tâm đặc biệt cho những em học sinh giỏi nên trong những lớp học bình thường thì thầy cô vẫn hay gọi những học sinh giỏi xây dựng bài, đại diện nhóm trình bày bài tập nhiều hơn các học sinh có học lực yếu.

Đặc biệt, trong những tiết dạy thực hành thi giáo viên giỏi hoặc những tiết thao giảng, những tiết dạy có đồng nghiệp đến dự giờ thì giáo viên vẫn gọi học sinh giỏi trong lớp xây dựng bài để lớp học sôi nổi và đương nhiên đồng nghiệp sẽ đánh giá cao về tiết dạy.

Và, chính các em học sinh giỏi đã góp một phần quan trọng cho sự thành công của thầy cô giáo trong các tiết dạy được xếp loại ở các Hội thi hay các tiết thao giảng chuyên môn ở trong các nhà trường.

Bởi, một số thầy cô sợ thời gian ít, gọi những em học yếu làm mất thời gian của lớp, đôi khi có gọi thì các em cũng chẳng nói được gì nên vẫn thường gọi những em “giơ tay thẳng”, trình bày lưu loát trước lớp.

Lâu dần thành quen, thầy cô chỉ gọi học sinh giỏi xây dựng bài, đọc mẫu, lên sửa bài tập mà học sinh dở thì cứ mặc nhiên “đứng ngoài cuộc chơi”, các em chỉ làm mỗi một việc trong giờ học là chép bài vào vở sau khi thầy cô ghi lên bảng hoặc sửa bài tập cho lớp.

Những em học sinh giơ tay…khom khom

Người thầy giỏi không đơn thuần chỉ dạy cho…học sinh giỏi  ảnh 3Muốn rèn kỹ năng phản biện, hãy để trò tập làm thầy

Những em không được mặc định là học sinh giỏi thường có thói quen thụ động, ít dám giơ tay phát biểu, làm bài tập trước lớp bởi chỉ sợ mình trả lời sai. Có những em giơ tay nhưng không dám…giơ tay thẳng mà chỉ giơ “khom khom” cánh tay của mình.

Một số em thì giơ tay thập thò kiểu nửa giơ tay nửa để tay dựa vào đầu bởi không tự tin. Nếu thầy cô đứng lớp để ý, quan tâm thì gọi các em này xây dựng bài, khích lệ các em thì lâu ngày sẽ giúp các em tự tin hơn trong học tập.

Nhưng, cũng vì thói quen ít được gọi tên dù giơ tay nên những cánh tay của các em này lúc đầu thì giơ khom khom và đến sau thì không còn giơ tay nữa. Năm thì, mười họa thầy cô gọi đến tên mình. Biết thì trả lời, không biết thì thôi vì mình không phải là nhân vật được thầy cô quan tâm, chú ý nhiều.

Trong mọi công việc, công việc nào cũng khó khăn và gian khổ, việc dạy người lại càng gian nan và đòi hỏi cả một quá trình của cả thầy và trò. Chính vì vậy, mỗi thầy cô cũng cần thiết chú ý những điều rất nhỏ khi đứng lớp giảng dạy cho học trò.

Nếu thầy cô dành quá nhiều sự quan tâm, đầu tư mũi nhọn cho một nhóm học sinh giỏi ở trong lớp đương nhiên những em học yếu hơn sẽ bị lơ là, dẫn đến tình trạng một số học sinh mặc cảm mà ngại phấn đấu.

Một số em học yếu hơn, ít phát biểu, xây dựng bài nhưng khi phát biểu mà sai bị thầy cô quở trách hoặc chưa có những lời khích lệ rất dễ khiến cho học trò rơi vào trạng thái thụ động trong học tập.

Một lời khen, một hành động nhỏ khi quan tâm đến học trò yếu mà khiến các em thay đổi theo chiều hướng tích cực thì người thầy đó mới thực sự là những người thầy giỏi.

Tất nhiên, ai cũng biết là không thể biến học sinh dở thành học sinh giỏi trong một sớm, một chiều được mà đó là cả một quá trình dài. Nhưng, chỉ cần các em có thay đổi theo chiều hướng tốt, có ý thức học tập, xây dựng bài và dám nói trước lớp đã là một thành công lớn của người thầy khi đứng lớp.

NGUYỄN NGUYÊN