Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong?

07/11/2018 07:03
Thanh An
(GDVN) - Bài toán nhân lực của ngành giáo dục đã nhiều năm mà đến bây giờ chúng ta vẫn loay hoay đi tìm lời giải nhưng đáp số thì chưa biết đến bao giờ mới có.

LTS: Chia sẻ về bài toán nhân sự của ngành giáo dục, thầy giáo Thanh An đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Bài toán tuyển sinh, tuyển dụng nhân lực cho ngành giáo dục liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều thời điểm khác nhau nên đến bây giờ đang tồn tại rất nhiều bất cập.

Tình trạng sinh viên ra trường không có việc việc làm, rồi tinh giản giáo viên ở nhiều trường học, chuyển giáo viên từ cấp trung học cơ sở, tiểu học xuống mầm non ở các địa phương liên tục được các cấp điều chỉnh.

Nhưng, xem chừng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa và chưa biết đến bao giờ các cơ quan chức năng mới giải xong bài toán phức tạp này.

Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong? (Ảnh: Chinhphu.vn)
Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong? (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chuyện sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm chúng ta đã nói khá nhiều trong thời gian qua. Nó không chỉ lãng phí mà còn tạo nên sự bất ổn cho thị trường lao động.

Hàng ngàn sinh viên ra trường không biết đi đâu, về đâu và làm gì luôn là nỗi day dứt cho nhiều người.

Vậy nhưng, hàng năm các trường sư phạm vẫn tiếp tục tuyển sinh và đào tạo giáo viên ở tất cả các cấp học với một số lượng cũng không hề ít.

Những giáo viên được biên chế, được ký hợp đồng dài hạn cứ tưởng là ổn định công việc nhưng rồi chúng ta vẫn thấy hàng loạt các địa phương thực hiện chính sách tinh giản.

Nhiều nơi thì điều chuyển giáo viên các cấp học trung học cơ sở, tiểu học xuống dạy mầm non như Thanh Hóa, Nghệ An…mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Mấy ngày nay, báo chí lại đưa tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đang phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 ngành Giáo dục Mầm non (hệ vừa học vừa làm) với thời gian là 2,5 năm cho một số giáo viên dôi dư.

Theo số liệu thống kê, số giáo viên đăng ký nhập học là 81 học viên, gồm có: 51 giáo viên trong biên chế, 27 giáo viên đang hợp đồng (đã được sắp xếp theo vị trí việc làm ở các cơ sở giáo dục mầm non) và 3 giáo viên đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục…

Ngày 30/10/2018, trên Website của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đăng tải thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2018.

Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong? ảnh 2Phương án tinh giản, sắp xếp, sáp nhập bộ máy giáo dục địa phương

Điều mà chúng tôi cảm thấy trăn trở nhất là khối trung học phổ thông chỉ tuyển nhân viên vào làm việc, không tuyển một chỉ tiêu nào vào vị trí giáo viên đứng lớp.

Khối trung học cơ sở cũng chỉ tuyển 35 giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc.

Điều thấy bất cập nhất là vào dịp hè vừa rồi, Trường Đại học An Giang tổ chức bế giảng và phát bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên sư phạm ở tất cả các môn học.

Mỗi môn học có mấy chục sinh viên ra trường nhưng cả 2 cấp học chỉ tuyển 35 giáo viên cho 3 môn Tin, Nhạc và tiếng Anh.

Vậy, những sinh viên Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa…sẽ đi đâu, về đâu và làm gì đây?

Không chỉ sinh viên của nhiều ngành học năm nay không có việc làm mà sinh viên các năm trước đã ra trường và cả những sinh viên đang ngồi trên giảng đường liệu sẽ làm gì khi nhu cầu tuyển dụng của địa phương không có chỉ tiêu cho tuyển dụng?

Rõ ràng, hậu quả của việc không sử dụng lao động ngành sư phạm đã được đào tạo sẽ tốn kém cho cả ngân sách địa phương và người học cũng phải đầu tư tiền bạc, thời gian suốt 4 năm trời đằng đẵng.

Chỉ cần nhìn vào thông tin tuyển dụng của Sở Giáo dục An Giang, chúng ta cũng tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi mà rất khó có thể tự trả lời.

Tại sao địa phương không có nhu cầu tuyển dụng mà hàng năm vẫn tiếp tục tuyển sinh, cấp kinh phí để đào tạo làm gì?

Bài toán đào tạo, tuyển dụng trong tầm tay của địa phương mà sao lại chưa làm được?

Bởi, cung và cầu đều nằm trong kế hoạch của địa phương chứ đâu có gì là khó khăn mà những nhà hoạch định chính sách không “giải” được.

Không chỉ ở An Giang mà rất nhiều địa phương khác cũng trong trường hợp tương tự. Gần như tỉnh nào cũng có trường hoặc khoa sư phạm cho riêng mình.

Điều này cũng đồng nghĩa, địa phương có thể chủ động trong tất cả các khâu đào tạo và sử dụng nhân lực cho ngành giáo dục.

Nhưng, không hiểu vì lý do nào mà lãnh đạo các địa phương lại cứ để tình trạng này tái diễn từ năm này qua năm khác?

Từ chỗ thừa nhân lực mà nhiều địa phương đã đưa ra những giải pháp trước mắt như chuyển giáo viên từ các cấp học cao hơn xuống dạy mầm non, thậm chí có địa phương đưa nhân viên nhà trường đi đào tạo giáo viên…xem chừng sẽ khó đáp ứng được nhu cầu công việc và hiệu quả giảng dạy sau này.

Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong? ảnh 3Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất các giải pháp để xử lý việc thiếu giáo viên

Trong khi, tỉnh nào cũng có hàng trăm sinh viên sư phạm được đào tạo bài bản nhưng không được tuyển dụng vì không có chỉ tiêu và đang phải chịu cảnh thất nghiệp.

Việc chuyển đổi và giữ số lượng đã được biên chế, đã ký hợp đồng dài hạn như một số địa phương đang làm xem chừng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.

Muốn cân bằng được bài toán cung - cầu nhân lực ngành giáo dục hiện nay dù khó nhưng các cơ quan chức không không phải là không làm được. Nếu không nói là trong khả năng, chức trách của mình.

Các địa phương chỉ cần rà soát kỹ lưỡng nhân lực đang có trong ngành xem thiếu chỗ nào, môn nào thiếu, cấp học nào thiếu thì đào tạo tiếp. Môn nào thừa, cấp nào thừa thì tạm ngưng đào tạo.

Việc duy trì hoạt động đào tạo ở các trường sư phạm vì đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và số lượng giảng viên có sẵn càng làm tăng thêm bất ổn nhân lực cho ngành mà vấn đề quan trọng là sự lãng phí càng trầm trọng hơn.

So với các ngành nghề khác, nhân lực ngành giáo dục luôn cần sự ổn định và có kế sách lâu dài mới có thể phát triển tốt được.

Tuy nhiên, một khi giáo viên còn nơm nớp lo sợ về công việc của mình làm sao có thể toàn tâm cho giảng dạy đây?

Sinh viên ra trường nhiều năm mới xin được việc làm thì còn đâu kiến thức và hoài bão để giảng dạy và phấn đấu?

Và, điều quan trọng hơn, nếu tính về lâu dài thì những em học sinh giỏi lớp 12 có đủ nhiệt huyết để thi vào sư phạm hay không?

Thiết nghĩ, những điều này rất cần một bản quy hoạch dài hơi, có tính chiến lược của các nhà hoạch định chính sách ở ngành giáo dục và các cơ quan chức năng ở các địa phương trong cả nước.

Bài toán nhân lực của ngành giáo dục đã nhiều năm mà đến bây giờ chúng ta vẫn loay hoay đi tìm lời giải nhưng đáp số thì chưa biết đến bao giờ mới có.

Chúng ta đang chậm trễ và lãng phí quá nhiều…!

Thanh An