Những mánh khóe né tinh giản biên chế trong ngành giáo dục

27/11/2017 07:21
Thuận Phương
(GDVN) - Nhà trường cần chặt chẽ trong việc đánh giá xếp loại giáo viên hàng năm để thẳng tay xếp loại những giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ.

LTS: Trước tình trạng giáo viên đứng lớp thừa thiếu cục bộ khắp nơi trên cả nước như hiện nay, nhà một nhà giáo – tác giả Thuận Phương đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. 

Theo đó, tác giả cũng thẳng thắn cho rằng, người lãnh đạo các cấp phải đặt chữ tâm làm đầu và cần cương quyết cho ra khỏi ngành những giáo viên thuộc diện dôi dư dù đó là con cháu mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quyết định số 3075/QĐ-BGDĐT về kế hoạch triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành cách đây hơn 2 năm.

Thế nhưng nhiều địa phương trong cả nước chưa triển khai hoặc triển khai nửa vời. Điều này không chỉ làm lãng phí một lượng ngân sách nhà nước mà còn làm mất niềm tin của không ít cán bộ giáo viên ngành giáo dục.

Đối tượng tinh giản biên chế được quy định rõ tại điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Bởi thế, để thực hiện việc tinh giản biên chế thì người đứng đầu chỉ cần rà soát lại các tiêu chí để phân loại đối tượng.

Tinh giản biên chế giáo dục chuyện không dễ dàng (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn).
Tinh giản biên chế giáo dục chuyện không dễ dàng (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn).

Dễ dãi trong đánh giá xếp loại giáo viên

Trong thực tế ở ngành giáo dục hiện nay hầu như rất ít giáo viên “Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ…” Vì từ bậc học mẫu giáo đến tiểu học rồi trung học cơ sở giáo viên nào cũng có bằng đại học từ xa hoặc tại chức.

Gần như rất ít giáo viên Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

Hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp."

Và càng không tìm nổi giáo viên nàoCó 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

Hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. 

Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp."

Chẳng phải giáo viên làm việc xuất sắc đến thế mà việc đánh giá công chức, viên chức cuối năm ở các trường học hiện nay lại vô cùng dễ dãi, đánh giá xếp loại mang tính cào bằng, “cá mè một lứa”.

Một trường khoảng 30 giáo viên thì có ít nhất 50% xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 50% còn lại là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bởi thế, để đưa giáo viên đang trong diện biên chế vào danh sách tinh giản như Nghị định 108/2014/NĐ-CP cũng không hề dễ dàng gì.

Những mánh khóe né tinh giản biên chế trong ngành giáo dục ảnh 2

Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục

Đó là chưa nói đến những giáo viên có người đỡ đầu, con ông cháu cha hoặc "chịu chi" thì dù có nằm trong diện phải tinh giản biên chế họ vẫn “bình yên vô sự”.

Một trường trung học phổ thông ở địa phương chỉ với hơn một ngàn học sinh nhưng có tới 3 phó hiệu trưởng.

Điều đáng nói rằng, vị hiệu phó thứ ba chính là một hiệu trưởng bị kỉ luật về tài chính.

Thay vì vị này đã đủ tiêu chuẩn nằm trong diện tinh giản nhưng chẳng hiểu lý do gì vẫn được ưu ái hạ một cấp và vẫn được giữ cương vị lãnh đạo.

Hiệu trưởng phân bua rằng: “Trên phân công về biết phải làm sao, thôi thì chia việc để làm cho vui”. Thế là hàng ngày lên trường, một trong những vị này ngồi chơi xơi nước là nhiều.

Bởi dù có muốn làm cũng chẳng biết làm việc gì. Nếu theo đúng biên chế, nhà trường chỉ cần một hiệu trưởng và hai hiệu phó là quá đủ.

Ngoài việc dư thừa ban giám hiệu thì giáo viên các bộ môn Sử, Địa, Anh văn, Toán ở không ít trường cũng thừa đáng kể.

Theo tiêu chuẩn giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần nhưng những giáo viên dư thừa, người dạy nhiều khoảng 10 tiết/tuần, người ít dạy có 4 tiết/tuần và lương thì vẫn nhận đủ.

Theo quyết định tinh giản giáo viên, nhà trường cũng giao trách nhiệm xuống tổ chuyên môn để bình xét giáo viên vào diện tinh giản biên chế. Đã có không ít chuyện tiêu cực xảy ra xoay quanh kiểu bình xét này.

Hàng chục “mánh khóe” né tinh giản biên chế

Một giáo viên bậc trung học phổ thông nói rằng, xét nhân sự trong tổ chuyên môn không có giáo viên nào lọt vào một trong những quy định nêu trong Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Thế nên tổ xét đến các tiết dạy dự giờ trong năm. Nếu ai có nhiều tiết dạy đạt loại Tốt sẽ xếp trên, cứ thế đến người xếp cuối cùng sẽ lọt vào danh sách tinh giản.

Khổ nỗi, không ít giáo viên trước ngày dự giờ tìm mọi cách để lấy lòng đồng nghiệp xin được tiết dạy Tốt.

Nếu các tiết dạy như nhau sẽ tiến hành bỏ phiếu. Hình thức này ai có nhiều đồng minh đương nhiên sẽ thắng.

Thế là họ ra sức, nỗ lực lôi kéo đồng minh theo kiểu “đôi bên cùng có lợi”. Đã có không ít giáo viên “tiềm năng” có năng lực lại bị kiểu bỏ phiếu này triệt hạ.

Những mánh khóe né tinh giản biên chế trong ngành giáo dục ảnh 3

Làm sao tìm được giáo viên “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ” để tinh giản?

Những giáo viên có tên trong danh sách tinh giản của tổ đưa lên trường vẫn còn hy vọng tràn trề.

Vì trong số đó, có người là tay chân thân cận của sếp hay người giỏi luồn lách…đương nhiên họ sẽ có lý do ở lại mà người không có danh sách lại phải ra đi.

Có giáo viên thắc mắc: “Cuối năm bình xét tôi không nằm trong danh sách tinh giản, sao lại phải về? Còn người nằm trong danh sách ấy lại bình yên?”.

Bao giờ cũng thế, nhà trường thường đổ trách nhiệm cho cấp cao hơn “danh sách đưa lên, chọn ai là do cấp trên quyết định chứ nhà trường chẳng thể can thiệp”.

Giải pháp nào tinh giản giáo viên dôi dư?

Nhà trường cần chặt chẽ trong việc đánh giá xếp loại giáo viên hàng năm để thẳng tay xếp loại những giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Cần sắp xếp lại mạng lưới trường học. Hiện nay, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại khá nhiều trường học có khoảng 7-10 lớp.

Một điều đáng nói rằng trường này cách trường kia chưa tới vài cây số, đây là một sự lãng phí quá lớn.

Đơn cử, một trường học A chỉ có 7 lớp với số lượng chưa tới 200 học sinh nhưng vẫn phải đủ cơ cấu 2 lãnh đạo, 1 tổng phụ trách đội, rồi kế toán, thiết bị - thư viện, bảo vệ, tạp vụ với hàng loạt chức danh kiêm nhiệm như 4 tổ trưởng (3 tổ trưởng chuyên môn, 1 tổ trưởng văn phòng), Chủ tịch công đoàn, tổ trưởng tổ công đoàn, chữ thập đỏ, khuyến học, văn thể…

Vì khoảng cách các trường khá gần nhau nên có thể sáp nhập một số trường ít học sinh lại với nhau. Mỗi cơ sở phụ của trường sẽ giao cho một giáo viên kiêm nhiệm như là khối trưởng phụ trách. Được thế, số lượng cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên sẽ được giảm đáng kể.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành lập trường tư thục chất lượng cao. Chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn học sinh gia đình có điều kiện xin vào học tập.

Điều này càng tạo điều kiện cho các trường gần nhau sáp nhập một cách thuận lợi và một số giáo viên khác có cơ hội được làm việc. Ngành giáo dục cũng sẽ giảm được một lượng kinh phí không hề nhỏ.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để giáo viên lớn tuổi hết nhiệt huyết với nghề được về trước thời hạn theo chế độ của Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Cần khuyến khích tất cả giáo viên lớn tuổi nào có nhu cầu đều được giải quyết mà không bị khống chế vào một trong những quy định trong Nghị định nêu trên.

Đưa những giáo viên bậc trung học phổ thông dạy không đủ tiết xuống dạy bậc trung học cơ sở và tiểu học.

Làm được điều này, người lãnh đạo các cấp phải đặt chữ tâm làm đầu khi cương quyết cho ra khỏi ngành những giáo viên thuộc diện dôi dư dù đó là con cháu mình.

Tài liệu tham khảo:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giam-10-bien-che-o-cac-truong-hoc-407429.html

Thuận Phương