Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?

24/02/2020 06:25
Thanh Sơn
(GDVN) - Đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.

Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020.

Theo đó, nhà trường sẽ chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các trường sẽ lựa chọn sách giáo khoa nhưng kể từ tháng 7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì quyền lựa chọn sách lại thuộc về các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố).

Vì vậy, năm học 2020-2021 tới đây là các trường lựa chọn sách theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.

Đại diện phụ huynh sẽ gặp khó khi tham gia chọn sách giáo khoa mới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Đại diện phụ huynh sẽ gặp khó khi tham gia chọn sách giáo khoa mới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Theo Thông tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập 1 hội đồng. Đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng. 

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Việc cử đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục vào hội đồng là hoàn toàn hợp lý nhưng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là điều khiến lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục thấy vô lý.

Liên quan đến câu chuyện chọn sách giáo khoa, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với một số hiệu trưởng và được biết các trường đang gặp khó khăn vì đến nay vẫn chưa được tiếp cận đủ 5 bộ sách để đọc. 

Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết, đến cuối tháng 3, nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn nhưng hiện nhà trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu sách giáo khoa để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong hội đồng trong khi giáo viên khối 1 thì đông nên việc luân chuyển rất lâu.

Còn đọc qua bản điện tử thì không khả thi vì số lượng sách nhiều mà thời gian nhìn trên máy tính quá lâu thì giáo viên khó tập trung. 

Chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng cần phải tính đến việc mua sách của phụ huynh
Chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng cần phải tính đến việc mua sách của phụ huynh

“Giáo viên đọc sách giáo khoa mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn. Thẳng thắn mà nói, thành phần này trong Hội đồng chẳng khác gì “bù nhìn”, vị này nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm này, hiệu trưởng một trường ở vùng sâu, vùng xa tâm sự: “Hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.

Còn đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì lại không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu. 

Nhưng để thực hiện đúng theo Thông tư thì trường tôi sẽ đưa đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại vào Hội đồng chọn sách giáo khoa vì không còn sự lựa chọn nào khác”.

Rõ ràng, qua trao đổi cho thấy, cơ sở giáo dục đang gặp rắc rối trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021. Trong khi đó, trước khi Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT được ban hành ngày 30/01/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến trong thời gian 2 tháng. 

Ngay sau khi có dự thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, cơ sở giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết góp ý cho nội dung này trong dự thảo và đã chỉ rõ những bất cập trong thành viên của Hội đồng chọn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa được ban hành thì những bất cập mà các nhà trường chỉ ra vẫn chưa khắc phục được.

Thanh Sơn