Bộ Giáo dục cần làm rõ nghi vấn lách luật trong thí điểm sách Công nghệ giáo dục

23/10/2016 07:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Cái được đem ra để dạy chính thức, đại trà cho học sinh thì phải là sách giáo khoa, không thể gọi bằng bất kỳ tên gọi nào thay thế kiểu như "tài liệu".

Trong bài báo "Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?" đăng ngày 13/10, người viết nêu phát biểu được báo Vietnamnet dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tự bỏ tiền túi thuê luật sư để tìm chứng lý hợp pháp vững chắc trong việc cho phép triển khai chính thức phương án CGD trong các nhà trường. [1]

Bài viết "Ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp GS. Hồ Ngọc Đại lách luật?" đăng ngày 17/10, người viết đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi làm rõ về một thông tin khác được cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại phát biểu trên Vietnamnet:

"Anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi." [2]

Và khi xem phóng sự phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại của Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam được đăng lại trên Youtube, người viết lại giật mình khi ông Đại kể rằng:

Ông hỏi (nguyên) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi ký quyết định (cho triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, bỏ chữ "thí điểm"?) thì ông Luận có sợ không.

Ông Phạm Vũ Luận trả lời: "Em sợ chứ!". "Sợ sao anh còn ký?", ông Đại hỏi. "Em thấy việc gì có lợi cho dân thì làm, theo lời dạy của Bác Hồ." 

Từ ngày 25 đến 30 tháng 07 năm 2016, Trung tâm Công nghệ Giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai thí điểm các môn Công nghệ giáo dục (CGD) năm học 2015 – 2016 và Tập huấn giáo viên năm học 2016 – 2017 tại Hà Nội. Người phát biểu trên bục là ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học từ chức năm 2001 để phản đối Chương trình năm 2000 của Bộ. Ông Hào hiện là Phó giám đốc Trung tâm CGD – NXBGDVN. Ảnh: nxbgd.vn.
Từ ngày 25 đến 30 tháng 07 năm 2016, Trung tâm Công nghệ Giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai thí điểm các môn Công nghệ giáo dục (CGD) năm học 2015 – 2016 và Tập huấn giáo viên năm học 2016 – 2017 tại Hà Nội. Người phát biểu trên bục là ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học từ chức năm 2001 để phản đối Chương trình năm 2000 của Bộ. Ông Hào hiện là Phó giám đốc Trung tâm CGD – NXBGDVN. Ảnh: nxbgd.vn.

Điều này cũng được nhà báo Bùi Hoàng Tám kể lại trên trang cá nhân, báo Dân Trí, nhưng là ông Luận nói trước Quốc hội trong một phiên chất vấn trực tiếp.

Nỗi sợ và chuyện "lách luật" được cho là của nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi quyết định triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại khiến người viết cảm thấy cần tiếp tục tìm hiểu câu chuyện theo hướng căn cứ pháp lý.

"Lách" Luật Giáo dục 2005 và để tránh qua Hội đồng thẩm định?

Người viết xin nhấn mạnh rằng, chữ "lách" ở đây không phải chủ ý của cá nhân mình, mà người viết mượn từ chữ "lách luật" được báo Vietnamnet cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã sử dụng khi nói về quyết định của nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng như nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Chúng tôi chỉ đặt giả thiết mà không kết luận chủ quan, bởi có nhiều điểm nghi vấn giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội có quyền được biết, trong đó trách nhiệm giải trình thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Luật Giáo dục 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 là nền tảng, căn cứ pháp lý của nền giáo dục nước nhà, trong đó bao gồm chương trình và sách giáo khoa phổ thông, được quy định tại Điều 29 và Khoản 3, Điều 29 bổ sung. Trong đó quy định:

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (những chữ in đậm là của người viết để nhấn mạnh);

Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa."

Bộ Giáo dục cần làm rõ nghi vấn lách luật trong thí điểm sách Công nghệ giáo dục ảnh 2

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn

(GDVN) - Giáo sư Đại nhận xét: "Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức...

Nhưng sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói chung và cuốn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nói riêng ra đời và vào các trường học không theo quy trình này.

Riêng cuốn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số" được ông Đại và cộng sự triển khai năm 2006.

Bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học năm 2013, khi trả lời báo Giáo dục và Thời đại cho biết:

"Trước năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục.

Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu. 

Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Năm học 2011 - 2012, chủ trương của Bộ dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. 

Trong quá trình triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 - 2014 tăng thêm 19 tỉnh. 

Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.

Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

Quan điểm chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là một trong các giải pháp tăng cường Tiếng Việt hiệu quả và được thực hiện theo kế hoạch từng năm học." [3]

Sở dĩ phải dông dài như vậy để có thể nhận thấy rằng, Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục không phải sách giáo khoa có thể sử dụng được cho hệ thống giáo dục phổ thông, vì nó không được xây dựng theo Điều 29 Luật Giáo dục 2005 cũng như mục 4 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục mà người viết trích dẫn phía trên.

Nhưng nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã "hợp tức hóa" Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục thành "tài liệu dạy học" chính thức, bỏ chữ "thí điểm" và cho triển khai đại trà từ năm 2013.

Đọc lời bà Thắm phát biểu trên báo Giáo dục Thời đại, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học cũng rất thận trọng gọi đúng tên nó là "tài liệu" mà không gọi nó là sách giáo khoa.

Giảng viên cốt cán Trung ương hướng dẫn cách viết và phân tích một số Tiếng trong chương trình Tiếng Việt 1 CGD trong chương trình tập huấn tại Huế tháng 6/2016. Ảnh: sachcongnghegiaoduc.vn.
Giảng viên cốt cán Trung ương hướng dẫn cách viết và phân tích một số Tiếng trong chương trình Tiếng Việt 1 CGD trong chương trình tập huấn tại Huế tháng 6/2016. Ảnh: sachcongnghegiaoduc.vn.

Có điều, trong Luật Giáo dục 2005 cũng như Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục năm 2009 không có khái niệm nào về "tài liệu dạy học", chỉ có hai khái niệm chương trình và sách giáo khoa. 

Theo nhận thức của người viết, cái được đem ra để dạy chính thức, đại trà cho học sinh thì phải là sách giáo khoa, không thể gọi bằng bất kỳ tên gọi nào thay thế kiểu như "tài liệu" hay "tài liệu dạy học".

Hơn nữa, trong khi chưa có chương trình mới thay thế, chương trình sách giáo khoa hiện hành là Chương trình năm 2000 là nền tảng để biên soạn sách giáo khoa theo Khoản 2, Điều 29.

Phải chăng đây là điều khiến ông Luận "cảm thấy sợ" khi ký quyết định này, phải bỏ tiền túi thuê luật sư tư vấn theo như lời kể được cho là của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Vị luật sư nào đó tư vấn cho Bộ trưởng Luận ký quyết định này dựa vào đạo luật nào, nếu không phải hai đạo luật nêu trên? 

Phải chăng là Luật Khoa học công nghệ và Luật Chuyển giao khoa học công nghệ, vì nó là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, tên gọi sản phẩm cuối cùng có chữ "Công nghệ giáo dục"?

Nếu quả đúng như vậy, thì thông tin bà Thắm nói "tài liệu" được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu là thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, quy định tại Điều 37, Luật Khoa học công nghệ? [4]

Chính vì thế dư luận mới quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã qua Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo Điều 29, Luật Giáo dục 2005 thẩm định hay chưa, Hội đồng gồm những ai?

Tiếp tục hô biến “tài liệu” Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại thành sách giáo khoa bằng “lách luật”?

Từ năm học 2013-2014 đến năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục ban hành các Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học bằng các quyết định.

Mới nhất là Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 1/7/2016 triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục trên 48 tỉnh thành. 

Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa nội dung văn bản này lên cổng thông tin điện tử của mình.

Con đường đi của cuốn Tiếng Việt lớp 2 - Công nghệ giáo dục cũng y chang.

Bộ Giáo dục cần làm rõ nghi vấn lách luật trong thí điểm sách Công nghệ giáo dục ảnh 4

Ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp GS. Hồ Ngọc Đại lách luật?

(GDVN) - Một là, tại sao ông Phạm Vũ Luận sẵn sàng chống lại Nghị quyết số 40 của Quốc hội, trong đó quy định thống nhất cả nước sử dụng một chương trình, một sách...

Nó là sản phẩm của đề tài nghiên cứu "Thiết kế công nghệ môn Tiếng Việt lớp 2 bậc tiểu học" đã được nghiệm thu. [5]

Trên bìa sách Tiếng Việt lớp 2 có ghi rõ: (Tài liệu thí điểm Công nghệ giáo dục), mà không phải là (Sách thí điểm) như cuốn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục khi còn "thí điểm". [6]

Theo báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học 2013 - 2014 công nghệ giáo dục sẽ được "thí điểm triển khai" ở lớp 2 với các môn Toán 1, Văn 2, Giáo dục lối sống 1, Tiếng Việt 2 tại 10 trường tiểu học trên 6 tỉnh. 

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Nhà xuất bản Giáo dục đã biên soạn các bộ tài liệu này để thực hiện thí điểm. Nếu triển khai tốt, tài liệu này sẽ được nhân rộng trong những năm tiếp theo. [7]

Mới đây nhất, Trung tâm Công nghệ giáo dục do Giáo sư Đại làm Giám đốc, trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết triển khai thí điểm các môn công nghệ giáo dục năm học 2015 - 2016 và tập huấn giáo viên năm học 2016-2017 từ ngày 25 đến 30 tháng 7, 2016 tại Hà Nội.

Tại hội nghị thường niên năm nay, Trung tâm Công nghệ Giáo dục – NXBGDVN triển khai tập huấn 7 môn học với 18 nội dung bao gồm:

Toán (lớp 1,2,3,4), Tiếng Việt (lớp 2,3,4), Văn (lớp 2,3,4), Giáo dục Lối sống (lớp 1,2), Tiếng Anh (lớp 2,3), Mĩ thuật (lớp 1,2,3), Cuộc sống quanh ta (lớp 1).

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo tổng kết các môn thí điểm CGD tại 8 tỉnh thành đăng kí tự nguyện triển khai trong năm học 2015 – 2016. [8]

Mới nhất, theo báo Ninh Bình Online ngày 16/10, vừa qua, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cùng các chuyên gia của Viện khoa học Công nghệ giáo dục (một tổ chức không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam – người viết chú thích) đã về hỗ trợ kỹ thuật dạy Tiếng Việt 2, Văn 2-Công nghệ giáo dục tại các trường Tiểu học: Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Phú, Gia Lạc và Gia Minh, huyện Gia Viễn. [9]

Như vậy có thể thấy hoạt động "thực nghiệm" lẫn triển khai đại trà sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang diễn ra rất sôi động, quy mô rộng khắp.

Nổi bật hơn cả ở đây là vai trò đứng ra tổ chức, chỉ đạo điều hành các hoạt động đăng ký, mua sách, tập huấn...của Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo và không thấy ai nhắc đến một Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa nào thẩm định.

Vấn đề đặt ra là, những cuốn sách giáo khoa Công nghệ giáo dục này có phải là "sách giáo khoa" theo đúng quy định tại Điều 29, Luật Giáo dục 2005 và mục 4, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều về luật Giáo dục hay không?

Nếu chúng là "sách giáo khoa" theo đúng quy định của Luật Giáo dục thì Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa thẩm định khi nào, Hội đồng gồm những ai?

Nếu không, vậy tại sao nó lại được đưa vào nhà trường giảng dạy một cách phổ biến như thế, đến mức 100% các trường tiểu học ở Nam Định học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục từ năm 2013? [10]

Người viết đề nghị và hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học sớm có câu trả lời những thắc mắc nêu trên, tránh gây ra dư luận không tốt vì thiếu thông tin, trong khi không có thông tin nào liên quan đến các vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây là “bí mật”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/140524/sgk-cua-gs-ho-ngoc-dai-ngot-nua-the-ky-thang-tram.html

[2]]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html

[3]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hanh-trinh-cua-cong-trinh-khoa-hoc-thay-thiet-ke-tro-thi-cong-74266-bt.html

[4]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=28730#Dieu_37

[5]http://vnies.edu.vn/detail-thread-view-1-25-345_thiet-ke-cong-nghe-mon-tieng-viet-lop-2-bac-tieu-hoc.html

[6]http://sachcongnghegiaoduc.vn/san-pham/sach-thi-diem/item/305-tieng-viet-lop-2-tap-2.html

[7]http://www.giaoduc.edu.vn/thi-diem-day-cong-nghe-giao-duc-o-lop-2.htm

[8]http://www.nxbgd.vn/nxbgdvn.aspx?lang=vi&page=news&id=2589

[9]http://baoninhbinh.org.vn/tu-van-viec-day-tieng-viet-2-van-2cong-nghe-giao-duc-20161016105733551p4c31.htm

[10]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/cong-nghe-giao-duc-thoi-bung-dat-hoc-141543.html

Hồng Thủy