Bộ Giáo dục chỉ đạo giảm áp lực chương trình mới thiếu thực tế, không khả thi

09/10/2020 06:23
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sĩ số lớp học đông, giáo viên chỉ có thể cho khoảng 1/3 học sinh được luyện đọc. Điều này, cũng góp phần làm cho nhiều em không thể hoàn thành bài học tại lớp.

Trước làn sóng phản ánh chương trình sách giáo khoa lớp 1 quá nặng, dư luận đang trông chờ Bộ Giáo dục sẽ có kế hoạch điều chỉnh sao cho phù hợp để giảm tải áp lực cho giáo viên và học sinh.

Lớp 1 có những em học cả tháng nhưng vẫn chưa thể cầm bút (Ảnh Phan Tuyết)

Lớp 1 có những em học cả tháng nhưng vẫn chưa thể cầm bút (Ảnh Phan Tuyết)

Thế nhưng giải pháp mà Bộ Giáo dục đưa ra trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Giải đáp thắc mắc chương trình lớp 1 mới' do Báo Tuổi Trẻ tổ chức đã làm nhiều giáo viên chúng tôi thất vọng.

Thất vọng vì những giải pháp Bộ đưa ra có giải pháp không thể đạt được vì thiếu tính thực tế, có giải pháp thì không mới, chúng tôi vẫn đang sử dụng hằng ngày nhưng với chương trình lớp 1 hiện nay việc áp dụng những giải pháp ấy cũng không khả thi.

Bộ đưa ra những giải pháp nào tránh gây áp lực cho việc học của học sinh?

Thứ nhất, theo ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thì hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo viên được quyền xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra vào cuối năm học cho mỗi môn học.

Việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình cho phù hợp với đối tượng học sinh hiện đang được giáo viên chúng tôi thực hiện.

Thế nhưng hiện nay, khi học chương trình lớp 1 mới không phải một bộ phận học sinh gặp khó khăn để thầy cô điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp (cụ thể là hạ chuẩn đối với một số em yếu, chậm tiến) mà phần đông học sinh trong lớp (trừ một số em đã đi học trước và biết đọc chữ) đều không thể theo kịp chương trình.

Lẽ nào thầy cô phải điều chỉnh nội dung dạy học cho cả lớp? Nếu điều chỉnh như thế chắc chắn không đạt được mục tiêu đề ra của chương trình.

Thứ hai, Bộ Giáo dục yêu cầu giáo viên lớp 1 không được giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng phụ huynh có thể phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái.

Học sinh học trên lớp cả ngày, có ngày học từ 4 đến 5 tiết tiếng Việt nhưng nhiều em vẫn chưa thể nắm được bài.

Tối về nếu không ôn lại cách đọc, không luyện viết thêm thì ngày mai lên lớp sao có thể tiếp thu thêm kiến thức mới?

Giáo viên không giao bài tập về nhà, phụ huynh sẽ tìm gia sư, cho các em đi học thêm hằng đêm thì ai quản được điều này? Chuyện nở rộ học thêm lớp 1 sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Có phụ huynh nói rằng "tối nào em cũng phải dạy con đọc lại bài mới học trên lớp nhưng con vẫn không đọc được vì quá nhiều.

Một bài học 3 chữ, đọc chữ này quên chữ kia, đau não lắm cô ạ. Hôm nào học xong con khóc mẹ cũng khóc, bảo sao trên lớp cô giáo không kêu".

Có phụ huynh vì lo cho con nên chọn giải pháp cho con đi học thêm để giáo viên dạy chứ để ở nhà dạy con vừa không hiệu quả vừa muốn “tẩu hỏa nhập ma”.

Thứ ba, yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp.

Học sinh có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp được không?

Ông Thái Văn Tài cho biết, hiện nay là chương trình học hai buổi với lượng kiến thức được tinh giản đi so với chương trình hiện hành và riêng đối với môn tiếng Việt tăng thời lượng thực hiện.

Vì vậy, đề nghị giáo viên có cách tiếp cận đúng chương trình và phù hợp với từng đối tượng để làm sao không tạo ra áp lực và đặc biệt giúp các em hoàn thành bài tập trên lớp, không giao bài tập về nhà.

Việc Bộ yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp có thể nói hiện nay như là điều không tưởng.

Bởi, học sinh nhiều trường học đang được học 2 buổi/ngày với số lượng tiết học dành cho môn tiếng Việt gấp đôi thời lượng (23 tiết/tuần mà theo quy định chỉ 12 tiết/tuần). Ngoài ra tối về các em còn phải học tại nhà hoặc đi học thêm vài tiếng đồng hồ nữa nhưng không ít em vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Vì thế, yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp (trừ học sinh đã biết đọc từ trước) đối với chương trình lớp 1 hiện nay được nhiều giáo viên ví von “khó như hái sao trên trời”.

Giải pháp nào giảm áp lực cho việc dạy và học lúc này?

Chương trình đã xây dựng, sách giáo khoa đã viết, thẩm định xong và đưa vào sử dụng. Bởi thế, điều chỉnh chương trình và sách giáo là điều không thể.

Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất lúc này là giảm sĩ số học sinh ở mỗi lớp. Hiện nay, ở nhiều tỉnh thành sĩ số học sinh vẫn đang ở mức 50, 60 em/lớp.

Những địa phương có sĩ số học sinh đạt mức chuẩn quy định 35 em/lớp giáo viên cũng đã thấy khá vất vả nói gì đến sĩ số cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi mức quy định.

Một tiết học chỉ có 35 đến 40 phút, ngoài 5 phút giải lao giữa tiết, 5 phút ổn định trật tự thì mỗi học sinh chỉ được giáo viên dành cho hơn nửa phút.

Học tiếng Việt, các em phải được đọc nhiều, được nói nhiều. Thế nhưng sĩ số lớp học đông, giáo viên cũng chỉ có thể cho khoảng 1/3 học sinh được luyện đọc. Điều này, cũng góp phần làm cho nhiều em không thể hoàn thành bài học ngay tại lớp.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/go-kho-cho-chuong-trinh-lop-1-moi-20201008084022792.htm

Phan Tuyết