Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin

23/11/2019 07:42
Linh Hương
(GDVN) - Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào".

Trước xu hướng phát triển ngày càng nhanh của công nghệ và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, ngành Giáo dục xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, coi ứng dụng công nghệ thông là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong giai đoạn này.

Ngày 22/11/2019, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo”.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì, với sự tham gia của đại diện Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo và chuyên viên 63 sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện Ban giám hiệu và Khoa Công nghệ thông tin các cơ sở đào tạo đại học có khoa này…

Ngày 22/11/2019, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Cục công nghệ thông tin)
Ngày 22/11/2019, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Cục công nghệ thông tin)

Hội thảo nhằm mục đích đánh giá tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo;

Hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đào tạo góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29;

Và tập huấn quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và phổ thông có hiệu quả ở các sở giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo của Cục công nghệ thông tin, thời gian qua toàn ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin chi tiết của gần 52,000 trường mầm non và phổ thông (với hơn 1,5 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh), đây là kho dữ liệu lớn rất tin cậy phục vụ công tác quy hoạch và quản lý ngành; 80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến.

Năm 2018, chỉ số hiện đại hóa hành chính của Bộ vượt lên xếp thứ 2/18 bộ ngành; Bộ đã triển khai thành công hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) và kết nối quản lý tới 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 300 cơ sở đào tạo; cổng dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng với 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời cũng là đơn vị dẫn đầu trong triển khai chữ kí số đến tất cả công chức trong cơ quan Bộ.

Ngành Giáo dục cũng đang tích cực tham gia xây dựng Hệ Tri thức Việt số hóa của Chính phủ, qua đó hơn 5.000 bài giảng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được số hóa dưới dạng thức e-learning và cung cấp trực tuyến, Ngân hàng trắc nghiệm trực tuyến được xây dựng với trên 31.000 câu hỏi; hệ thống luận văn, luận án được số hóa đăng tải công khai; kho học liệu số phục vụ dạy học được xây dựng chính từ sự đóng góp và chia sẻ của giáo viên trên toàn quốc.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Cục công nghệ thông tin)
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Cục công nghệ thông tin)

Chia sẻ về hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo phục vụ thông tin quản lý toàn diện ngành. Bộ đã ban hành chuẩn dữ liệu và hướng dẫn cách thức kết nối phần mềm quản lý của các nhà trường với cơ sở dữ liệu ngành.

Hiện có 25% nhà trường đã kết nối, trao đổi dữ liệu một cách tự động với hệ thống của Bộ.

Hội thảo này giúp thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn khi triển khai cơ sở dữ liệu trong thực tế ở cơ sở, hướng đến vận hành một hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo một cách đồng bộ, cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch và thực thi chính sách quản lý ngành”.

Linh Hương