Bộ không hướng dẫn còn hỏi các trường môn Khoa học tự nhiên, sao mông lung quá

07/10/2021 06:32
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc sắp xếp nhân sự, thời khóa biểu, tới đây là kiểm tra, vào điểm, nhận xét năng lực và phẩm chất môn Khoa học tự nhiên vẫn đang khiến nhiều trường lúng túng.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cấp trung học cơ sở có nhiều môn “tích hợp” nhất và năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 6 nên giáo viên dạy các môn học này còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Sự khó khăn bởi giáo viên chưa được tập huấn thấu đáo, cách chỉ đạo của Bộ qua các Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH chưa thực sự rõ ràng, cụ thể về các môn tích hợp.

Nhiều giáo viên dưới cơ sở lúng túng khi thực hiện, họ lên tiếng suốt nhiều tuần qua nhưng phía lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học cũng không có những giải thích cụ thể về sự việc này.

Thay vì hướng dẫn, Bộ đi tìm câu trả lời từ một số trường

Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ có cuộc trao đổi trực tuyến với một số phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại buổi trao đổi, các cơ sở giáo dục đã chia sẻ những cách làm sáng tạo trong thực hiện dạy môn học mới này, đặc biệt là việc bố trí giáo viên, sắp xếp thời khoá biểu sao cho hợp lý, hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề môn Khoa học tự nhiên không chỉ nằm ở việc phân công thời khóa biểu. Hàng loạt bất cập mà các thầy cô giáo đã nêu ra trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian vừa qua, hầu như chưa tìm được câu trả lời:

Thi - kiểm tra - đánh giá như thế nào? Ai chịu trách nhiệm chính? Đánh giá chất lượng giáo viên môn Khoa học tự nhiên cuối năm ra sao? Chủ trương của Bộ là 3 thầy cô dạy 1 môn Khoa học tự nhiên hay hướng tới 1 giáo viên dạy Khoa học tự nhiên? Nếu tới đây chỉ 1 người dạy thì 2 giáo viên "phân môn" còn lại sẽ đi đâu về đâu?...

Để dạy tốt được môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, theo Thứ trưởng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về môn học, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở/phòng giáo dục và đào tạo, đến các hiệu trưởng và lan tỏa đến giáo viên.

Tuy nhiên, chưa kịp tìm thấy "chỉ đạo thống nhất từ Bộ, sở, phòng, hiệu trưởng và lan tóa đến giáo viên" thì chính Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận thế này:

“Bài toán đặt ra với môn Khoa học tự nhiên là sắp xếp thời khoá biểu, nhưng đây là bài toán có nhiều đáp án, tuỳ thuộc vào điều kiện thực hiện của từng trường. Vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng đúng chương trình và bảo đảm cho giáo viên giảng dạy phù hợp”, Thứ trưởng nói

Nhà giáo như tôi mà đọc ý kiến của Thứ trưởng cũng cảm thấy sao mà mông lung, khó hiểu quá! Tóm lại là môn Khoa học tự nhiên cần "chỉ đạo thống nhất" hay "có nhiều đáp án, tùy thuộc các trường"? [1]

Trong khi, ngày 21/7/2021 thì Bộ Giáo dục đã ban hành 2 Quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở càng khiến cho giáo viên…băn khoăn.

Việc dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

Việc dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

(Ảnh minh hoạ: rgep.moet.gov.vn)

Có lẽ để chương trình mới được thực hiện suôn sẻ thì trong lúc này, Vụ Giáo dục Trung học và một số thầy Tổng chủ biên các môn học tích hợp mà đặc biệt là Tổng Chủ biên Chương trình môn học Khoa học tự nhiên cần lên tiếng để giáo viên rõ hơn về cách thực hiện môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH chưa làm giáo viên hài lòng

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ có 2 Công văn chỉ đạo về cách thực hiện các môn học tích hợp nhưng rõ ràng khi đọc 2 Công văn này thì nhiều Ban giám hiệu và giáo viên dạy các môn học tích hợp chưa thể thực sự hài lòng hài lòng bởi nó mông lung và chung chung quá.

Nếu như Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, Bộ hướng dẫn về môn Khoa học tự nhiên như sau:

a) Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.

Vậy, nhà trường “chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học” như thế nào đây cho phù hợp?

Việc đào tạo, bồi dưỡng sẽ ra sao khi nó còn liên quan đến thời gian, kinh phí đào tạo vì Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên thì cũng đã nói về kinh phí, thời gian, số tín chỉ mới đủ điều kiện tối thiểu để dạy môn học tích hợp.

Việc kiểm tra, đánh giá cũng vậy, mọi thứ vẫn chưa thực sự rõ ràng khi Công văn 3613 hướng dẫn: “bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học” nhưng tỉ lệ ra sao thì giáo viên vẫn khó hình dung khi ra 1 đề thi có cùng nội dung của 3 phân môn.

Sang đến Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH thì môn Khoa học tự nhiên gần như không được đả động đến. Đọc hết cả Công văn, chúng tôi chỉ thấy có câu: “Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” mà thôi.

Còn dạy, xếp thời khóa biểu, kiểm tra, nhận xét như thế nào đối với môn Khoa học tự nhiên vẫn còn để ngỏ. Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH cũng chỉ đề cập nhiều đến các môn: Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật,Tin học, Ngoại ngữ 1…

Chính vì thế, việc sắp xếp nhân sự, thời khóa biểu và tới đây là kiểm tra, vào điểm, nhận xét năng lực và phẩm chất môn Khoa học tự nhiên vẫn đang khiến cho nhiều trường lúng túng.

Có lẽ lãnh đạo Bộ và thầy Tổng chủ biên chương trình môn học cần lên tiếng trong lúc này

Những khó khăn, lúng túng của nhiều nhà trường, giáo viên khi dạy các môn tích hợp mà nhất là môn Khoa học tự nhiên là điều đang hiển hiện rõ nhất.

Song, thông qua chỉ đạo từ Công văn 2613, Công văn 3699 hay một số chia sẻ của lãnh đạo Bộ với báo chí trong thời gian qua thì phần lớn vẫn hướng tới việc giao quyền chủ động cho nhà trường.

Vì thế, chỉ riêng việc xếp thời khóa biểu hàng tuần hiện nay cũng đang rất khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là giáo viên có chuyên môn phân môn nào thì dạy phân môn đó, chỉ có một số ít trường, một số ít địa phương phân công 1 giáo viên dạy cả môn tích hợp.

Chính vì vậy nên những khó khăn nảy sinh trong quá trình giảng dạy là điều chắc chắn nhưng họ cũng khó tìm được một nơi giải thích cụ thể vì hình như Hội đồng bộ môn, nhà trường cũng đều chưa tường cho nên họ cũng chỉ giải thích chung chung…

Nếu như lúc này, trước hàng chục bài báo đăng tải liên tục trên các phương tiện đại chúng trong mấy tuần gần đây nói về những khó khăn trong việc dạy và học môn tích hợp mà Bộ có một văn bản hướng dẫn, thầy Tổng chủ biên chương trình môn học Khoa học tự nhiên giải thích cụ thể những vướng mắc của giáo viên thì hay biết mấy.

Nhưng, hình như Bộ vẫn muốn… “giao quyền chủ động cho nhà trường”!

Môn Khoa học tự nhiên nói riêng và các môn học ở chương trình mới sẽ được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn khi giáo viên tường tận vấn đề và tất nhiên khi những khó khăn chưa được tháo gỡ thì hiệu quả giảng dạy, mục đích của môn học cũng rất khó đạt được như kỳ vọng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7548

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH