Bỏ thâm niên, phụ cấp nhà giáo sẽ được tính như thế nào?

19/07/2019 06:43
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Không được hưởng phụ cấp thâm niên, không có phụ cấp đặc thù, lương nhà giáo chắc chắn thay đổi theo hướng... không có lợi cho giáo viên có thâm niên nghề...

Theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, của Bộ Chính trị, chế độ phụ cấp thâm niên nghề với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng sẽ không còn nữa.

Thực hiện chủ trương đó, tại Điều 76 của Luật Giáo dục 2019 vừa được Quốc hội thông qua, chế độ phụ cấp với giáo viên cũng chỉ được nhắc đến như sau: “Nhà giáo… được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Luật Giáo dục 2019 đã chính thức bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên, từ ngày 1/7/2020. 

Nhà giáo được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ như thế nào?

Nhà giáo được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ như thế nào? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Nhà giáo được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ như thế nào? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Ngày 9 tháng 10 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2015/NĐ-CP, quy định phụ cấp đặc thù, ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Nghị định có quy định về điều kiện và mức được hưởng phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao, dạy thực hành.

Theo đó, nhà giáo vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao, dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Không đứng lớp, một Hiệu trưởng ở Sóc Trăng bị yêu cầu trả lại hơn 74 triệu đồng
Không đứng lớp, một Hiệu trưởng ở Sóc Trăng bị yêu cầu trả lại hơn 74 triệu đồng

Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật. Người viết không trích dẫn, đi sâu vào phụ cấp này, bạn đọc có thể tham khảo tại Nghị định 113/2015/NĐ-CP.

Như vậy, phần lớn giáo viên không được hưởng phụ cấp đặc thù. Không được hưởng phụ cấp thâm niên, không có phụ cấp đặc thù, lương nhà giáo chắc chắn thay đổi theo hướng... không có lợi cho giáo viên có thâm niên nghề; thâm niên càng cao, lương càng giảm so với trước?

Nghị định Nghị định 113/2015/NĐ-CP còn có quy ước công nhận phụ cấp thâm niên, chồng chéo với Luật giáo dục 2019.

Đây là hy vọng, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 113/2015/NĐ-CP theo hướng có lợi cho nhà giáo sau khi Luật giáo dục có hiệu lực thi hành.

Cuộc sống nhà giáo chân chính hiện nay còn nhiều khó khăn, không ít nhà giáo đang làm đủ việc khác để nuôi đam mê của mình.

Mong ước đơn giản nhất của nhà giáo, sống được bằng lương; dành đam mê, nhiệt huyết của mình cho nghề dạy học.

Nghị quyết của Quốc hội từng khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; mong muốn của nhà giáo được Chính phủ thực hiện Quốc sách đó, đảm bảo cuộc sống của nhà giáo; nhà giáo dành thời gian tự học, tự rèn, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thầy cô giáo hạnh phúc, học trò chắc chắn hạnh phúc; đất nước phát triển nhanh, bền vững.                                     

Tài liệu tham khảo:

//luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

//luatduonggia.vn/nghi-dinh-113-2015-nd-cp-ngay-09-thang-10-nam-2015

Sơn Quang Huyến