Bộ trưởng Nhạ hứa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cần sửa thêm các thông tư này

02/12/2020 06:11
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ vẫn giữ các văn bản hiện hành thì việc xóa bỏ các chứng chỉ ngoại ngữ và tin học tới đây vẫn còn vật cản đối với giáo viên trong quá trình công tác.

Trước thông tin sẽ không yêu cầu giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri ở Bình Định ngày 26/11 khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy phấn khởi.

Bởi, trong những năm qua đã có nhiều giáo viên tham gia học để có chứng chỉ tin học cơ bản, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho người Việt Nam nhưng cũng còn rất nhiều giáo viên chưa có được các chứng chỉ này.

Song, vấn đề đặt ra là khi Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ bỏ 2 chứng chỉ này thì những văn bản trước đây sẽ được sửa đổi ra sao?

Nếu Bộ vẫn giữ các văn bản hiện hành thì việc xóa bỏ các chứng chỉ ngoại ngữ và tin học tới đây vẫn còn vật cản đối với giáo viên trong quá trình công tác.

Theo dự kiến tháng 12 tới đây sẽ xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Theo dự kiến tháng 12 tới đây sẽ xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Xóa chứng chỉ và hướng tới việc xem trọng năng lực thật, phù hợp với nhu cầu công việc

Đến thời điểm này, đội ngũ nhà giáo đã có rất nhiều người hoàn thiện các chứng chỉ theo quy định của các Bộ trong những năm qua. Đó là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học cơ bản, chứng chỉ tiếng Anh bậc A2, B1 theo quy định.

Vì sao giáo viên lại phải tham gia các khóa học này để có chứng chỉ? Dù họ biết rằng đi học các chứng chỉ này nhiều khi chỉ tốn tiền, tốn thời gian mà thôi.

Chẳng hạn như chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp có thời lượng học tập lên đến 240 tiết nhưng đa phần các trường đại học chỉ dạy khoảng 7-10 buổi học là kết thúc.

Nội dung học thường trùng lắp với những kiến thức đã học ở các trường sư phạm hoặc giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề qua từng năm. Nhưng, giáo viên phải tốn từ 2 triệu đồng trở lên để học và có nó.

Chứng chỉ tiếng Anh thì chủ yếu là đóng tiền đi ôn và thi nhưng nếu không có sự “giúp sức” của các trung tâm thì phần lớn giáo viên sẽ rớt vì đa phần giáo viên đã nhiều năm không sử dụng ngoại ngữ.

Các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ xuống tận các trung tâm giáo dục thường xuyên, thậm chí xuống tại đơn vị của các trường học (nếu số người đăng ký học đủ số lượng) để mở lớp.

Có được chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho người Việt Nam thì giáo viên cũng phải tốn trên dưới 5 triệu đồng.

Tốn kém, lãng phí thời gian thì ai cũng nhìn thấy nhưng cũng vì muốn đầy đủ các chứng chỉ để đảm bảo việc làm, không ảnh hưởng đến công việc của mình trong tương lai nên nhiều giáo viên đành phải đầu tư tiền bạc, thời gian để học tập.

Nhiều giáo viên đi học vì sợ. Bởi, các thông báo mở lớp học chứng chỉ có khi được Sở, Phòng gửi mail về và hiệu trưởng cũng đôi lúc đem chuyện tinh giản biên chế ra dọa giáo viên ở trường mình.

Nhưng, suy cho cùng thì giáo viên chỉ có được chứng chỉ chứ thực tế kiến thức lĩnh hội được chẳng bao nhiêu. Hơn nữa, có những chứng chỉ mà giáo viên có được không phục vụ cho công việc của họ.

Chẳng hạn như: chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp và thậm chí là chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên không dạy ngoại ngữ.

Trước những bất cập này, dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc nhiều năm qua và lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục cũng đã nhiều lần thừa nhận là các chứng chỉ này thực sự không cần thiết đối với phần lớn giáo viên.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học phải sửa đổi thêm nhiều văn bản khác

Thực tế cho thấy bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, thậm chí là cả chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên là rất thiết thực bởi phần lớn giáo viên nghèo lắm, có được 1 cái chứng chỉ đôi khi phải mất cả tháng lương mới có được.

Nhưng bỏ các chứng chỉ mà hiện nay đang có rất nhiều Thông tư yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì Bộ sẽ xử lý ra sao?

Chẳng hạn như: Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Các Thông tư này quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Điều này được thể hiện rõ trong Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài ra còn phải kể đến các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông, đó là: Thông tư số 20/2015/TTLT-BGDĐT; Thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Thậm chí trong dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập mà Bộ mới đăng tải để lấy ý kiến cũng quy định rõ các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho từng cấp học khi chuyển hạng giáo viên.

Thực ra, ai cũng biết là chứng chỉ không quan trọng bởi kiến thức thật mới cần thiết và phục vụ cho công việc hàng ngày của người thầy.

Chẳng hạn hiện nay Bộ đang triển khai tập huấn trực tuyến đại trà cho giáo viên nên nếu như giáo viên mà không có kiến thức về tin học thì chắc chắn sẽ khó thực hiện được các phần công việc được giao.

Vậy, nhìn vào đó để đánh giá giáo viên sẽ chuẩn xác hơn nhiều chứng chỉ tin học.

Khi tuyển dụng viên chức, thi thăng hạng cho giáo viên, thay vì đòi hỏi chứng chỉ thì các cơ quan chức năng kiểm tra kiến thức thật của giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Ai có khả năng tốt hơn, người đó sẽ trúng tuyển, sẽ được thăng hạng…

Hy vọng, những bất cập về chứng chỉ hiện nay sẽ được Bộ Giáo dục và các Bộ liên quan nhanh chóng tháo gỡ càng sớm càng tốt.

Chứng chỉ chỉ là những tờ giấy nhưng có được nó thì thời gian qua đã có nhiều giáo viên phải “lao tâm khổ tứ”, phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc mới có được nhưng nó chỉ để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ mà thôi.

NGUYỄN NGUYÊN