Các thầy cô đã học được gì từ vụ đồng nghiệp bị bắt quỳ?

11/03/2018 06:19
Thanh An
(GDVN) - Sự cố cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ thực sự là bài học ứng xử cho rất nhiều người, các thầy cô học được gì từ sự việc này?

LTS: Sự việc tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về các phương pháp giáo dục hiện nay.

Thầy giáo Thanh An cho rằng nếu giáo viên biết khéo léo trong xử lý tình huống thì sẽ giúp tránh xảy ra những điều đáng tiếc như vậy.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau sự việc cô giáo Tiểu học ở Long An bị bắt quỳ trong văn phòng nhà trường đã khiến cho dư luận vô cùng bất bình về thái độ ứng xử của phụ huynh Võ Hòa Thuận.

Nhưng, cũng phải nói thật rằng một bộ phận thầy cô hiện nay đã chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình và đưa ra những hình phạt học trò chưa phù hợp với môi trường giáo dục, thậm chí có phần phản cảm.

Chỉ có điều, một số giáo viên và ban giám hiệu đó đã khéo léo giải quyết ổn thỏa các sự cố đã xảy ra và các thông tin này được giữ kín không bị lọt ra bên ngoài.

Giáo viên nên có cách ứng xử khéo léo hơn để tránh những sự cố trong giảng dạy. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân)
Giáo viên nên có cách ứng xử khéo léo hơn để tránh những sự cố trong giảng dạy. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân)

Vì có con đang học ở cấp Tiểu học nên hàng năm, tôi tham gia họp phụ huynh lớp một số lần.

Trong những lần họp phụ huynh như vậy, tôi đã nghe nhiều phản ánh từ phía phụ huynh lên cô giáo chủ nhiệm.

Hiện tượng giáo viên bắt học sinh quỳ trong giờ học, thậm chí vừa quỳ vừa chép bài vẫn xảy ra.

Có giáo viên đưa ra những hình phạt rất lạ và ảnh hưởng đến nhiều học sinh khác như việc 2 học sinh ngồi 1 bàn mà có 1 em không thuộc bài là bắt cả 2 em chép phạt.

Hiện tượng giáo viên đánh học trò cũng không phải không có.

Nhiều khi những vết bầm trên người học sinh lưu lại thì cha mẹ đến trường trao đổi, phản ánh thường được các thầy cô trong ban giám hiệu dàn xếp ổn thỏa.

Cũng có những phụ huynh chỉ gọi điện trao đổi nhẹ nhàng với giáo viên để khỏi ảnh hưởng đến con mình.

Bởi thực tế, học sinh bây giờ nhiều em cũng rất hiếu động, nghịch ngợm nên nhiều phụ huynh cũng dễ dàng thông cảm với thầy cô.

Vẫn biết hiện nay giáo viên có nhiều áp lực như việc sĩ số ở một số nơi quá đông, học sinh nói chuyện, phá phách.

Nhiều học sinh bây giờ ương ngạnh, thách thức thầy cô giáo đang giảng dạy mình.

Các thầy cô đã học được gì từ vụ đồng nghiệp bị bắt quỳ? ảnh 2Sự trả thù giáo dục

Ngoài ra, giáo viên còn phải thực hiện theo chỉ tiêu thành tích mà trường đã đưa ra nên có những giáo viên đã có những biện pháp giáo dục cứng rắn để học sinh phải sợ mà thực hiện những nhiệm vụ mà thầy cô giao.

Song, thực tế cho ta thấy rằng, các em học sinh Tiểu học chưa phải là đối tượng khó dạy và cứng đầu so với các em ở cấp học cao hơn.

Nên, nếu giáo viên có kinh nghiệm thì rất ít khi xảy ra những sự cố ngoài mong muốn.

Khi còn học ở trường sư phạm thì giáo sinh nào cũng được học nhiều về môn học tâm lý lứa tuổi, học về phương pháp sư phạm một cách thấu đáo.

Nhưng, thực tế giữa học và khi ra trường đứng lớp sẽ có nhiều điều khác biệt.

Có những tình huống xảy ra ngoài các bài học và ngoài trang giáo án.

Vì thế, người thầy cần linh hoạt để vận dụng các kiến thức sách vở đã học và cả những thực tiễn giảng dạy để giải quyết vấn đề.

Người thầy giỏi là người thầy biết dung hòa tất cả các tình huống sư phạm, biết linh hoạt trong quá trình đứng lớp và điều quan trọng hơn cả là biết truyền cảm hứng cho học sinh qua các bài giảng của mình.

Tại sao nhiều khi cũng lớp học đó nhưng có thầy cô vào lớp thì học sinh im phăng phắc để tiếp thu bài. Khi giáo viên nêu vấn đề thảo luận, trao đổi thì học sinh sôi nổi phát biểu, thảo luận.

Các thầy cô đã học được gì từ vụ đồng nghiệp bị bắt quỳ? ảnh 3Các thày cô giáo ơi, đừng hạ thấp nhân phẩm của mình

Nhưng, lại có giáo viên vào là học sinh nói chuyện, học sinh chán học.

Vẫn biết, mỗi môn học mỗi nhiệm vụ khác nhau nhưng môn học nào thì cũng cần phương pháp sư phạm của người thầy.

Nhiều giáo viên khi đứng lớp nhưng truyền giảng không phù hợp và cách đặt câu hỏi, tiếp cận vấn đề kiến thức chưa tốt.

Vì thế, bài giảng chưa lôi cuốn được học sinh nên nhiều em chán ngán và nói chuyện, làm việc riêng trong lớp.

Trong khi, thấy những tình huống như vậy thì giáo viên chỉ có một biện pháp là phạt học trò.

Tuy nhiên, chuyện phạt học trò không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả.

Đối với các em học sinh nhỏ tuổi thì phạt các em sợ nhưng các em lớn thì chẳng có tác dụng gì. Các em không sợ mà còn có cả những lời thách thức.

Thực tế, những người thầy dạy giỏi, am hiểu tâm lý học trò không bao giờ để “thời gian chết” trong giảng dạy.

Những hoạt động giáo dục liên tục đưa ra để học sinh phải liên tục làm việc.

Và, những tiết học hay là tiết học luôn lôi cuốn học trò, các em cũng không tìm được khoảng trống để nói chuyện, làm việc riêng.

Thế nhưng, một bộ phận thầy cô chưa làm được điều này nên tạo ra những sự cố ngoài ý muốn.

Các thầy cô đã học được gì từ vụ đồng nghiệp bị bắt quỳ? ảnh 4Người lớn tranh cãi việc "cô giáo bị quỳ gối" chỉ gây tổn thương cho học sinh

Trong quá trình dự giờ đồng nghiệp trong trường và các tiết chuyên đề ở trường bạn, điều chúng tôi nhận thấy là một số giáo viên rất ít khen và khích lệ học trò.

Cách xưng hô của một bộ phận thầy cô cũng còn chưa phù hợp.

Một số thầy cô vẫn xưng hô mày - tao với học trò. Tại sao vậy?

Đến người lớn chúng ta vẫn còn thích những lời khen, điều khích lệ, thích những lời ngọt ngào thì cớ gì thầy cô lại không tạo thói quen với học trò của mình một cách thân thiện nhất.

Khen học trò, không chỉ tạo cho các em thích mà còn tạo động lực cho các em phát huy. Em này được khen, chắc chắn em khác cũng mong muốn được như vậy.

Nhất là cách xưng hô thì thầy cô cũng cần thiết tạo một thói quen cho mình.

Những lời xưng hô phù hợp, ngọt ngào bao giờ cũng có thiện cảm với học trò nhiều hơn và chắc chắn sẽ không thể có sự việc nào học sinh phản đối hay vô lễ với thầy.

Thực tế, có những giáo viên khi học sinh trả lời sai, hoặc không trả lời được bài thì chê ra mặt.

Làm vậy, học sinh vừa mắc cỡ trước bạn bè mà tư tưởng các em sẽ nặng nề hơn, nhiều em phản đối thầy cô và một số sự cố đã xảy ra…

Các thầy cô đã học được gì từ vụ đồng nghiệp bị bắt quỳ? ảnh 5Đứng lên em!

Sự cố cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ thực sự là bài học ứng xử cho rất nhiều người.

Trong đó, người thầy đứng lớp sẽ cảm nhận được nhiều điều quý báu.

Một số thầy cô lâu nay hay phạt học trò có thể tự điều chỉnh mình để hướng đến những biện pháp giáo dục nhân ái, phù hợp hơn.

Theo chúng tôi, ngay từ những ngày đầu năm học giáo viên cần phải có một kế hoạch cụ thể cho riêng mình để áp dụng phù hợp cho từng đối tượng học trò.

Những tuần đầu năm học, giáo viên cần nghiêm khắc để tạo nền nếp, tạo thói quen cho lớp, sau đó sẽ từ từ “nới” dần ra.

Trong quá trình đứng lớp, giáo viên cần có những ngôn phong, cư xử, hành động phù hợp với môi trường sư phạm.

Biết khích lệ học trò học tập, biết răn đe, nghiêm khắc khi cần thiết, và cũng phải có một chút khiếu hài hước khi học trò mỏi mệt ở cuối tiết, cuối buổi học.

Mỗi khi gọi học trò phát biểu hay trả bài cũng cần biết khen các em và nhất thiết không bao giờ được xúc phạm học trò trước lớp, nhất là đối với các em học sinh khi đã lớn.

Thiết nghĩ, hiện cả nước có hơn một triệu giáo viên, phần lớn các thầy cô đang làm tròn trách nhiệm của mình và dành tình yêu cho học trò.

Thế nhưng, một vài sự cố của giáo viên cũng làm cho ngành giáo dục chao đảo khi có quá nhiều những luồng dư luận khác nhau.

Vì thế, mỗi giáo viên cần một chút khéo léo trong ứng xử với học trò và phụ huynh để giữ hình ảnh người thầy một cách tốt đẹp nhất.

Thanh An