Cán bộ VKSNDTC chỉ ra những hạn chế, bất cập để cải cách giáo dục

07/12/2013 09:09
Th.S Trần Đức Tuấn/ VKSNDTC
(GDVN) - "Cải cách giáo dục được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt mà Nhà nước ta đặt ra trong những năm gần đây. Câu chuyện bắt đầu cải cách từ đâu vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Tuy nhiên, việc cải cách giáo dục từ đâu suy cho cùng cũng là việc tìm ra giải pháp hiệu quả để khắc phục những hạn chế, bất cập của nền giáo dục nước nhà". Th.S Trần Đức Tuấn hiện đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân tích.

Từ những phân tích trên, Th.S Trần Đức Tuấn đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập chính của nền giáo dục nước ta như:

Một là, giáo dục ở nước ta chưa chú trọng đến việc dạy người học những giá trị căn bản của con người như sự độc lập cá nhân, bình đẳng giữa người với người, hay đề cao tính cá thể (individualism), cũng như chưa khuyến khích người học tự do suy nghĩ và khả năng tưởng tượng không bị hạn chế.

Hai là, giáo dục thiên nặng về lý thuyết, mà chưa chú trọng đến thực hành. Vì vậy, người học, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, chỉ giỏi trên bài kiểm tra của nhà trường thay vì “được việc” trong xã hội, thành công trong cuộc sống, thực tiễn. 

Ba là, việc đánh giá người học còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, thay vì cho điểm cao đối với người học sáng tạo, khả năng suy nghĩ phong phú thì việc đánh giá lại dựa vào những đáp án, tiêu chí đã có sẵn. Do vậy, người học ở nước ta có xu hướng bị biến thành những cỗ máy học thuộc lòng, thay vì trở thành những nhà khoa học phát minh.

Bốn là, giảng dạy theo suy nghĩ một chiều từ bé, những đứa trẻ hình thành thói quen khi đánh giá một hiện tượng, sự vật hay người khác theo tiêu chuẩn đơn điệu là tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai mà thiếu đi khả năng phân tích, bình luận.

Năm là, giáo dục hướng người học có suy nghĩ thành công cá nhân (việc làm, địa vị trong tương lai…) mới là đích đến, mà chưa quan tâm đến việc trang bị những kiến thức về bảo vệ, nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần, phát triển nhân cách của con người, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng... Ngoài ra, với truyền thống áp đặt của người lớn, những đứa trẻ thường không được tự mình lựa chọn cho mình những môn học, ngành học theo đúng sở thích, đam mê; và đôi khi những đứa trẻ phải có sứ mệnh hoàn thành những nhiệm vụ, ước nguyện mà bố mẹ chúng chưa đạt được.

Từ góc nhìn những bất cập của nền giáo dục nước nhà, một số giải pháp nên được nghiên cứu, áp dụng như:

Thứ nhất, lấy người học làm trung tâm, nhà trường phải trở thành ngôi nhà thứ hai của người học, đặc biệt là nơi mà những đứa trẻ được nô đùa, vui chơi, được hít thở không khí thoáng đãng, trong lành như những đứa trẻ ở nhiều nước được hưởng. Những ngôi nhà là nơi mà người học xem nhau như những thành viên trong gia đình, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau và từ đó nâng cao ý thức cá nhân của người học.

Thứ hai, thay đổi cách đánh giá người học để kích thích khả năng suy nghĩ sáng tạo của người học thay cho những khung đáp án có sẵn. Tùy theo từng lứa tuổi, cấp học, có thể đưa các tiêu chuẩn đánh giá như đạo đức; việc học; việc thực hành sức khỏe thể chất và tinh thần; sự phát triển đam mê, sáng tạo, cá tính…

Thứ ba, giáo viên phải là những “quan tòa” công bằng để người học tôn trọng. Việc đưa ra những quy định, quy tắc về đạo đức nghề giáo, cũng như chú trọng việc áp dụng có hiệu quả cần được đề cao. Người thầy cần phải tuân thủ chặt chẽ khuôn phép học thuật, cũng như tránh để trở thành những ví dụ không tốt đối với người học.

Thứ tư, nên có chính sách hợp lý để khuyến khích các trường tư phát triển để có thể cạnh tranh công bằng với các trường công lập. Trong khi các trường công chú trọng vào phát triển học thuật, lý thuyết, các trường tư thường thiên về việc phát triển khả năng thực hành của sinh viên, đáp ứng yêu cầu ‘người mua, kẻ bán’. Trường tư ngày càng năng động và đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển của nền giáo dục nói chung./.

Th.S Trần Đức Tuấn/ VKSNDTC