Thí sinh đã hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 - kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, môn Toán, Tiếng Anh được nhiều thầy cô đánh giá có độ phân hóa cao. Đây cũng là 2 môn nằm trong nhiều tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành Công nghệ thông tin.

Nhằm giúp thí sinh đưa ra quyết định về việc lựa chọn nguyện vọng một cách hợp lý nhất, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ một số cơ sở giáo dục đào tạo ngành này để dự báo điểm chuẩn năm nay.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin có thể giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin có thể thấp hơn so với năm 2024.

Theo đó, nếu dựa vào phản ánh ban đầu của thí sinh về độ phân hóa của đề thi năm nay, có thể dự đoán rằng điểm chuẩn tổ hợp A00 và A01 - hai tổ hợp chính dùng để xét tuyển vào nhóm ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có khả năng sẽ giảm nhẹ so với năm trước.

z5366730441412-d46e6bf1e0919ca94052bca08cd4380b-9863.jpg
Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

“Về cơ hội xét tuyển của nhóm thí sinh có điểm trung bình khá vào nhóm ngành Công nghệ thông tin - lĩnh vực vốn được coi là chủ chốt tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thì nhìn chung, tình hình năm nay không khiến cơ hội của các em bị thu hẹp.

Đề thi có độ phân hóa cao, nếu điểm của thí sinh thấp hơn thì cũng là mặt bằng chung và cơ hội sẽ vẫn chia đều cho các thí sinh nếu biết tận dụng đúng phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển phù hợp và có chiến lược đăng ký nguyện vọng thông minh.

Nhà trường hiện đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ có điều chỉnh phù hợp khi có dữ liệu cụ thể. Tuy nhiên, sự thay đổi phổ điểm so với mọi năm (nếu có) là tác động chung lên toàn bộ hệ thống, nên cơ hội trúng tuyển giữa các thí sinh vẫn tương đối công bằng, không tạo lợi thế hay bất lợi riêng cho thí sinh nào”, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng ban, Ban Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết điểm chuẩn xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin cũng như các ngành khác tại Nhà trường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan.

Trước hết, độ phân hóa của đề thi là một trong những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến phổ điểm chung, đặc biệt là ở các tổ hợp xét tuyển ngành Công nghệ thông tin như A00, A01.

Bên cạnh đó, tỷ trọng các phương thức tuyển sinh cũng đóng vai trò quyết định. Đại học Bách khoa Hà Nội hiện áp dụng ba phương tuyển sinh chính gồm: xét tuyển thẳng tài năng, xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo phương thức truyền thống dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Khi tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức truyền thống cao, điểm đầu vào có xu hướng thấp hơn; ngược lại, nếu tỷ trọng này giảm, điểm chuẩn sẽ tăng lên đáng kể.

Về mặt xu hướng, ngành Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính,... hiện vẫn rất “hot” và dự kiến vẫn giữ mức điểm chuẩn cao, nằm trong nhóm các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trong nhiều năm gần đây của trường.

Đồng quan điểm trên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, việc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được đánh giá là có độ phân hóa cao, đặc biệt ở hai môn Toán và Tiếng Anh dự báo khả năng phổ điểm chung sẽ giảm so với năm 2024. Điều này có thể khiến điểm chuẩn nhiều ngành học, trong đó có ngành Công nghệ thông tin có thể giảm nhẹ.

Tuy nhiên, mức giảm này được nhận định sẽ không quá sâu đối với các ngành "hot", bởi sức hút và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin vẫn duy trì ở mức cao.

“Tại Trường Đại học Hồng Đức, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi này bằng cách áp dụng nhiều tổ hợp xét tuyển linh hoạt. Điều này thể hiện qua việc Nhà trường xét tuyển ở một số tổ hợp như Toán - Ngữ văn - Vật lý hay Toán - Ngữ văn - Sinh học, bên cạnh các tổ hợp truyền thống.

Sự linh hoạt này giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển theo tổ hợp có điểm cao nhất của mình, thay vì bị giới hạn bởi những tổ hợp truyền thống chỉ tập trung vào một số môn nhất định.

Cách tiếp cận này đặc biệt có lợi cho các thí sinh có điểm thi ở mức khá, giúp các em mở rộng cánh cửa vào đại học ngay cả khi đề thi có độ phân hóa cao. Nhà trường khuyến khích thí sinh lựa chọn tổ hợp phù hợp với thế mạnh cá nhân để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển", Tiến sĩ Đậu Bá Thìn thông tin.

1f9a8004jpg-20240920104407-e-4937.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: website nhà trường

Về xu hướng lựa chọn ngành trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh có thể bị ảnh hưởng tâm lý bởi cho rằng đề thi có độ phân hóa cao và lo ngại về mức điểm chuẩn cao ở ngành Công nghệ thông tin, dẫn đến việc chuyển hướng sang những ngành được cho là “an toàn” hơn.

Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, sức hút của lĩnh vực Công nghệ thông tin vẫn sẽ rất lớn. Điều này là do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành lớn và tiềm năng thu nhập sau khi tốt nghiệp vô cùng hấp dẫn.

Ưu tiên đặt nguyện vọng từ cao xuống thấp, đúng ngành nghề yêu thích

Chiến lược đặt nguyện vọng hiệu quả là yếu tố then chốt giúp thí sinh tối ưu cơ hội trúng tuyển vào ngành học mơ ước. Một chiến lược thông minh nên bao gồm ba nhóm nguyện vọng có mức độ ưu tiên rõ ràng.

Theo Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, với những thí sinh đam mê lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng có mức điểm không quá nổi bật, lời khuyên đầu tiên là hãy xuất phát từ đam mê. Đam mê chính là yếu tố giúp các em kiên trì, vượt qua khó khăn trong quá trình học tập và sau này phát triển nghề nghiệp. Sau đó, thí sinh nên nghiên cứu kỹ về phương thức xét tuyển, điểm chuẩn những năm trước, đề án tuyển sinh năm nay của từng trường, từ đó xác định rõ ngành phù hợp với năng lực, sở thích và điểm số thực tế.

Một chiến lược đặt nguyện vọng thông minh là nên chọn một ngành học yêu thích và đăng ký ở nhiều trường thuộc các nhóm khác nhau (top 1, top 2, top 3), nhằm đảm bảo vừa có cơ hội thử sức ở trường top cao, vừa có phương án an toàn.

Chẳng hạn, thí sinh có thể đăng ký ngành Công nghệ thông tin ở trường top đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó đến các trường top giữa như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, phù hợp với mức điểm của mình.

“Theo quan điểm của tôi, bất kỳ ngành học nào cũng có lý do tồn tại và cơ hội thành công - vấn đề quan trọng là sự phù hợp giữa ngành học với năng lực, sở trường và niềm yêu thích cá nhân.

Nếu chọn đúng ngành bản thân thực sự đam mê và phù hợp, thí sinh sẽ có động lực học tập và khả năng thành công cao hơn, bất kể ngành đó có thuộc nhóm “hot” hay không. Thành công không phụ thuộc vào ngành, mà nằm ở sự nỗ lực và định hướng cá nhân”, thầy Sơn bày tỏ.

482028887-610212655106701-7923994540810698541-n.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Cùng đưa ra tư vấn về việc chọn ngành, chọn trường cho các thí sinh năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn nhấn mạnh trước tiên thí sinh nên mạnh dạn đăng ký vào những ngành học yêu thích tại các trường top đầu (nhóm nguyện vọng cao), dù khả năng trúng tuyển không cao. Đây là cơ hội để các em thử sức, và biết đâu sẽ có kết quả bất ngờ.

Tiếp theo là nhóm nguyện vọng mục tiêu - lựa chọn các ngành phù hợp với đam mê tại những trường có mức điểm chuẩn vừa tầm. Ví dụ như Trường Đại học Hồng Đức, nơi có chất lượng đào tạo được khẳng định, học phí hợp lý, môi trường học tập hiện đại và cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng.

Cuối cùng là nhóm nguyện vọng an toàn - nên chọn tổ hợp xét tuyển có điểm cao nhất của mình để đăng ký vào ngành yêu thích tại cơ sở giáo dục có điểm chuẩn thấp hơn một chút, nhằm đảm bảo chắc chắn cơ hội trúng tuyển.

“Tôi tin rằng, nhiều thí sinh vẫn sẽ kiên định với ngành học yêu thích của mình, nhưng các em cũng cần theo sát thông tin tuyển sinh để có sự điều chỉnh trong lựa chọn. Thay vì chỉ nhắm vào các trường top đầu với điểm chuẩn rất cao, các em nên mạnh dạn hướng tới những trường có chất lượng đào tạo tốt với mức điểm chuẩn phù hợp với năng lực của bản thân hơn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho hay.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, các thí sinh nên ưu tiên đăng ký theo đúng thứ tự sở thích ngành nghề của mình, tức là ngành yêu thích nhất đặt nguyện vọng đầu tiên, sau đó mới đến các ngành khác theo mức độ ưu tiên giảm dần.

Việc này giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành bản thân mong muốn bởi hệ thống sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ trên xuống dưới. Việc lựa chọn trường có thể được ưu tiên sau khi đã xác định được ngành học yêu thích.

Ngoài ra, điểm trúng tuyển còn phụ thuộc vào vị trí đặt nguyện vọng của thí sinh trong nhóm thí sinh xét tuyển, số lượng nguyện vọng đăng ký của ngành và các yếu tố cạnh tranh khác. Do đó, việc xác định thứ tự nguyện vọng chính xác và phù hợp với sở thích bản thân là cách tiếp cận hiệu quả nhất.

Đình Nam