Cần lời giải phù hợp cho những học sinh chưa có điều kiện tham gia học online

27/04/2020 06:16
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Học sinh chưa tham gia học cũng đồng nghĩa là khi ôn tập và làm bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, thi chuyển cấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Quãng thời gian học sinh nghỉ ở nhà để phòng tránh dịch bệnh, các địa phương đã tiến hành dạy online ở nhiều cấp học, trong đó 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các môn, chỉ trừ môn thể dục mà thôi.

Tuy nhiên, có một khó khăn là tỉ lệ học sinh học trực tuyến không cao. Những trường có điều kiện thì đạt được 80-90 % học sinh tham gia học, các trường nông thôn chỉ đạt khoảng trên dưới 50 % học sinh và thường chỉ tập trung vào lớp học cuối cấp.

Vì thế, nếu khi đi học trở lại, trường không dạy lại những bài này thì những học sinh chưa thể tham gia học sẽ tiếp cận như thế nào để có thể kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và những em lớp 9, lớp 12 còn phải tham gia kỳ thi cuối cấp?

Nhà trường sẽ không dạy lại những bài học qua truyền hình và trực tuyến (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Nhà trường sẽ không dạy lại những bài học qua truyền hình và trực tuyến (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Những bài đã dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến thì không dạy lại

Theo tinh thần chung của lãnh đạo ngành giáo dục đã triển khai là khi học sinh đi học trở lại thì giáo viên không dạy những bài đã được dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến mà Sở và nhà trường đã dạy. Giáo viên chỉ hệ thống lại kiến thức các bài đã học này. Vì thế, áp lực cho giáo viên trong thời gian tới sẽ là rất lớn.

Nếu không dạy lại những bài học online thì đương nhiên giáo viên sẽ không phải quá tải vì chỉ dạy những bài còn lại theo tinh thần giảm tải của Bộ mà thôi. Thế nhưng, những trường, lớp mà có tỉ lệ học sinh tham gia học quá thấp thì sẽ giải quyết ra sao?

Học sinh chưa tham gia học cũng đồng nghĩa là khi ôn tập và làm bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, thi chuyển cấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì những bài dạy trên truyền hình hay dạy trực tuyến không nằm trong nội dung giảm tải.

Những lớp không phải cuối cấp, không phải tham gia kỳ thi như tuyển sinh 10 hay thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì vấn đề này không khó giải quyết. Nhưng, những học sinh cuối cấp thì thường đề kiểm tra học kỳ Sở ra.

Đề thi tuyển sinh 10 cũng Sở ra, đề thi Trung học phổ thông thì Bộ ra. Vì vậy, nếu giáo viên không giảng lại thì học sinh rất khó tự học những bài này vì nhiều lý do khác nhau. Bởi, những tuần nghỉ học mà học sinh chưa có điều kiện học thì bây giờ đi học bình thường trở lại ở trường lấy đâu ra thời gian để học những bài trực tuyến mà thầy cô đã dạy trước đây.

Cần lời giải phù hợp cho những học sinh chưa có điều kiện tham gia học online ảnh 2Quan điểm của nhiều Giám đốc Sở Giáo dục về dạy học qua internet và truyền hình

Nhưng, nếu giáo viên dạy lại thì lấy đâu ra thời gian khi khoảng thời gian còn lại của năm học là rất ít. Nhất là những lớp cuối cấp đã có kế hoạch kiểm tra học kỳ vào giữa tháng 6 tới đây? Thời gian chỉ còn lại hơn 1 tháng thực học thì giáo viên chỉ có thể dạy được những bài còn lại theo phân phối chương trình mà thôi.

Nếu giáo viên ôn lại những bài học trực tuyến và những bài dạy trên truyền hình thì những bài mới sẽ không dạy được vì phải dạy theo phân phối chương trình và thời khóa biểu đã được nhà trường phân công.

Thực tế, để hoàn thành công việc mà nhà trường giao thì đơn giản vô cùng. Nhưng, dạy như vậy thì lương tâm của người thầy không khỏi không băn khoăn khi một số bài học lại có nhiều em chưa có điều kiện học tập học online trong thời gian qua. Hẫng kiến thức lớp dưới thì lớp trên các em rất khó có thể tiếp cận được tốt bởi các nội dung kiến thức của các lớp trên luôn có sự kế thừa từ các lớp ở dưới.

Giáo viên cần một lời giải cụ thể

Xét về lý thì những chỉ đạo của ngành là không dạy lại những bài mà giáo viên đã học trực tuyến hoặc Sở đã dạy trên truyền hình là đúng. Bởi, việc dạy trên truyền hình hay dạy trực tuyến thì nhà trường cũng đã thông báo rộng rãi cho phụ huynh, học sinh biết.

Nhưng, cái khổ nhất là nhiều em học sinh không có máy vi tính, không có điện thoại kết nối mạng internet và có cả những em lười học lúc ở nhà. Chính vì thế, số lượng này rất lớn, thậm chí nhiều trường học chưa đạt được 50% số lượng học sinh học tập.

Những bài dạy trên truyền hình thì giáo viên không kiểm tra được số lượng tham gia nhưng những bài giáo viên dạy trực tuyến thì những em nào tham gia học tập nó hiện hữu tên, lớp cụ thể. Chỉ tiếc, số lượng học tập của nhiều trường quá ít ỏi…

Cần lời giải phù hợp cho những học sinh chưa có điều kiện tham gia học online ảnh 3Một bộ phận học sinh, sinh viên ngại học trực tuyến

Trong khi, những bài dạy trực tuyến và bài dạy trên truyền hình đa số là bài hay, bài trọng tâm của môn học. Vì thế, trong thâm tâm của giáo viên, có lẽ nhiều người vẫn muốn dạy lại những bài này nhưng nếu không có những chỉ đạo của cấp trên thì giáo viên không ai dám làm vì nó sai quy định.

Vậy nên, giáo viên dưới cơ sở rất mong có những hướng dẫn cụ thể của Bộ và Sở Giáo dục bằng văn bản là sẽ giải quyết như thế nào đối với các học sinh chưa học những bài học đã dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình trong thời gian qua.

Để giải quyết vấn đề này cũng không phải là quá khó và không thực hiện được. Chẳng hạn, nhà trường, tổ bộ môn, khối lớp sẽ lập danh sách những học sinh chưa tham gia học trực tuyến, học trên truyền hình và bố trí những em này vào học trái buổi.

Nhà trường có thể phân công những giáo viên còn thiếu tiết dạy lại cho số học sinh này để các em có thể học được những kiến thức mà mình chưa học trong thời gian qua.

Thực tế, Bộ đã tinh giản chương trình mất 5-7 tuần rồi, bây giờ lại thêm 2-3 tuần các địa phương tổ chức dạy online bài mới thì những em này mất rất nhiều bài và đương nhiên sẽ rất khó để học ở các lớp trên hoặc tham gia các kỳ thi tới đây.

Dù có thể vất vả hơn một chút, đi thêm một vài buổi trong tuần mà đa phần học sinh nắm được kiến thức cơ bản cũng là việc nên làm khi các trường trở lại hoạt  động bình thường.

Trong bối cảnh của năm học này, những khó khăn mà ngành giáo dục, thầy cô, học sinh phải đối mặt là điều không tránh khỏi. Vì vậy, lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường cũng cần linh hoạt trong chỉ đạo và có những kế hoạch phù hợp nhất để hạn chế tối đa việc mất kiến thức căn bản của học trò trong khoảng thời gian còn lại của năm học.

NGUYỄN NGUYÊN