Một bộ phận học sinh, sinh viên ngại học trực tuyến

27/03/2020 06:46
Cao Nguyên
(GDVN) - Học sinh, sinh viên khó khăn trong việc học trực tuyến bởi lối học thụ động đã ăn sâu bén rễ ngay từ bậc tiểu học.

Một bộ phận học sinh, sinh viên ngại học trực tuyến

Gần hai tháng qua, học sinh của nhiều địa phương trên cả nước phải nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.

Giải pháp được hầu hết các trường đưa ra trong thời gian học sinh không đến trường là dạy học online (trực tuyến).

Một trong những ứng dụng được giáo viên sử dụng nhiều nhất là Zoom Cloud Meetings (gọi tắt Zoom), bởi chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt, có khả năng share (chia sẻ) nhiều dạng file (tập tin) tài liệu và có cả bảng trắng phục vụ cho việc dạy học.

Ứng dụng Zoom hiện có cả phiên bản web, phần mềm trên máy tính và ứng dụng trên smartphone (điện thoại thông minh).

Ứng dụng Zoom Cloud Meetings được nhiều giáo viên sử dụng để dạy trực tuyến. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Ứng dụng Zoom Cloud Meetings được nhiều giáo viên sử dụng để dạy trực tuyến. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Thế nhưng, vừa qua, trên cả App Store và Google Play, rất nhiều học sinh bình luận định kiến liên tục xuất hiện nhắm vào Zoom - ứng dụng ra đời phục vụ cho hội họp trực tuyến. Trong đó không ít đánh giá nêu thẳng: không thích học online! 

Từ đầu tháng 3 đến nay, trên App Store, Zoom có hàng trăm đánh giá 1 sao từ người dùng (trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh) nhằm mục đích khiến các ứng dụng trên bị xóa khỏi chợ ứng dụng. [1]

Thậm chí, nhiều học sinh còn để lại những bình luận chỉ trích, chửi bới tục tĩu để phản đối việc học online.

Đồng nghiệp của chúng tôi (dạy bậc phổ thông) ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở trường tư thục, thời gian nghỉ phòng dịch, giáo viên chủ nhiệm ngày nào cũng hỗ trợ đồng nghiệp điểm danh qua lớp học trực tuyến từ ứng dụng Zoom.

Thế nhưng, luôn có khoảng 30-35% học sinh không tham gia với đủ lí do như: đường truyền Internet chập chờn, học trái giờ, bận làm việc cá nhân…

“Tôi cũng đã gọi điện thoại cho từng phụ huynh nhắc nhở học sinh học tập theo thời khóa biểu nhưng cha mẹ các em cũng bất lực.

Nhiều học sinh ở trường tư thục quen được nuông chiều từ bé nên ương bướng, khó bảo, thậm chí bỏ bê việc học ở quê đi chơi theo chúng bạn nên phụ huynh mới gửi vào đây (trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh).

Nếu thời gian học nghỉ kéo dài sang tháng 4, tháng 5 thì không biết số học sinh thường xuyên vắng học online này sẽ thi cử thế nào đây”, thầy Hoàng Thành T., giáo chủ nhiệm lớp 12 một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Dạy học trên internet, truyền hình là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi
Dạy học trên internet, truyền hình là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi

Một giáo viên tiếng Anh dạy bậc trung học phổ thông ở quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng, thầy có có lập nhóm dạy qua Zoom cho học sinh lớp 10. 

Thời gian đầu, học sinh tham gia lớp học khá đầy đủ và có tương tác. Nhưng thời gian về sau (cuối tháng 3), có lúc các em “vắng” học đến gần một nửa, trong đó nhiều em suy nghĩ, đây là kì… nghỉ hè sớm.

“Có hôm tôi hẹn học sinh học vào lúc 9 giờ sáng nhưng còn nhiều em… ngủ chưa dậy”, thầy giáo buồn bã nói.

Chúng tôi hỏi thăm một số cựu học sinh, nay đã là sinh viên đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh về việc học tập online thời gian nghỉ phòng dịch để xem thế nào thì tình hình cũng không mấy khá hơn.

“Hôm qua chúng em có học online của một học phần 2 tín chỉ với thời lượng 3 tiết. Tiết đầu, em và các bạn học bình thường, nhưng hết tiết thì chán quá nên rủ nhau chơi… game”, sinh viên một trường đại học ở quận Tân Phú nói.

Khi được hỏi vì sao chán học, em sinh viên này thanh minh, do giảng viên dạy… buồn ngủ và cứ nói… suốt cho hết bài.

Nhiều học sinh, sinh viên thụ động, thiếu ý thức tự học

Một gia đình hàng xóm của chúng tôi ở Phường Sơn Kỳ (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) có cháu bé hiện đang học lớp 3.

Trường cháu có dạy online nên nhờ phụ huynh nhắc nhở con lên mạng học theo quy định.

Đến giờ học, giáo viên chủ nhiệm không thấy cháu trên Zoom liền gọi điện cho phụ huynh. Mẹ cháu cuống cuồng nhắc con ngừng chơi game nhưng cháu vẫn không chịu.

Đường cùng, mẹ cháu phải sang nhờ tôi và nói “nhờ thầy dọa giúp tôi một tiếng, vì nó chỉ sợ thầy cô”. Và đúng là khi tôi qua nhà, chưa cần nói thì cháu vội vàng tắt game cùng mẹ lên Zoom học.

Ngày nay, đa phần các gia đình đều sinh rất ít, từ 1 đến 2 con, vì thế nhiều bậc cha mẹ quá chiều con cái, làm thay con nhiều thứ, từ sinh hoạt đến học tập dẫn đến con thụ động, ỷ lại.

Chúng tôi từng chứng kiến nhiều gia đình có con học lớp 4, lớp 5, nhưng hằng đêm cha mẹ phải nhìn thời khóa biểu để soạn sách vở cho ngày mai giúp con.

Khi con lớn hơn, cha mẹ không dạy được cho con (thiếu kiến thức, phương pháp), và thế là cứ cho con đi học thêm những mong yên ổn.

Tham gia học thêm, học sinh được thầy cô giải bài sẵn, cứ thế mà chép cho đủ, hết giờ thì về nên hạn chế khả năng tự học của các em rất lớn.

Học sinh phải đi học cả ngày ở trường, tối đến còn học thêm thì việc các em thụ động trong học tập cũng không có gì khó hiểu.

Đến bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh lại càng thụ động bởi lối dạy đọc chép, chuyển sang hiện đại hơn là chiếu chép mà thiếu tranh luận trong học tập.

Cùng với đó, cứ đến kì kiểm tra, kì thi, học sinh phải cắm đầu, cắm cổ học thuộc lòng từ môn xã hội đến môn tự nhiên (học thuộc các dạng bài toán, thậm chí học thuộc đáp án trắc nghiệm).

Dễ nhận thấy, học sinh tất cả các cấp đều có đề cương, các em cứ việc học thuộc trong đó là xem như ổn, nên mất khả năng tham khảo thêm các tài liệu khác.

Điều đáng nói là, đa phần học sinh ngày nay học để phục vụ cho việc kiểm tra, thi cử mà ít chủ động tự học để nâng cao kiến thức.

Cho nên, cứ sau kì kiểm tra, thi cử, học sinh lại sao nhãng việc học, học đối phó với thầy cô, cha mẹ.

Cách học này chi phối luôn cả những sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi đang ngồi trên giảng đường đại học.

Thầy chúng tôi là giảng viên ở Trường Đại học Sài Gòn có lần trò chuyện, tỏ ra không hài lòng và bực bội với cách học của một số sinh viên ngày nay.

Theo thầy, sinh viên ngày nay có nhiều điều kiện hơn so với khoảng 10 năm về trước. Nhiều em thuê chỗ ở tiện nghi, đi xe tay ra, có laptop và không phải đi làm thêm vì gia đình có điều kiện.

Giờ lên giảng đường, nhiều sinh viên luôn tìm cách ngồi bàn cuối, lén giảng viên lướt điện thoại xem Facebook hay chơi game.

“Khi tôi trình chiếu slide bài giảng, hàng loạt sinh viên đưa điện thoại lên chụp (vì tôi không cung cấp sẵn), chụp liên tục cho bằng hết thì thôi.

Tôi thực sự không hiểu họ chụp làm gì, trong khi tài liệu tham khảo ở thư viện và mạng Internet đầy ra đó”, thầy kể.

Cô giáo làng tiên phong dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh
Cô giáo làng tiên phong dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh

Hệ lụy của lối học thụ động là sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.

Hàng năm, chúng tôi nhận nhiều sinh viên khoa Ngữ văn ngoài ngành sư phạm của một trường đại học tư thục (xin không nêu tên) ở Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh về thực tập.

Thú thực, có đến 80% sinh viên năm tư (đã học qua 7 học kì) quá mức yếu kém về chuyên môn, chưa nói đến nghiệp vụ.

Sinh viên sắp ra trường nhưng nhiều em viết sai chính tả có hệ thống, kiến thức chuyên môn ngô nghê và kém hiểu biết về xã hội.

Sau đợt thực tập, không còn cách nào khác, buộc lòng chúng tôi phải cho các em hoàn thành nhiệm vụ để kết thúc học phần bắt buộc.

Dĩ nhiên, bao giờ chúng tôi cũng có lời khuyên chân thành là sinh viên không thể chọn môi trường sư phạm để hành nghề được.

Trở lại với việc học trực tuyến, khách quan mà nói, cũng có nhiều bất cập khi học sinh, sinh viên phải học online trong một thời gian khá dài.

Đó là, nhiều giáo viên chưa thu hút được học sinh vì bài giảng còn dài, thiếu cảm xúc trong diễn đạt, không tương tác hai chiều với người học…

Tuy vậy, nếu bỏ qua những yếu tố này thì học sinh, sinh viên nếu có ý thức học, biết cách tự học và chủ động trong việc học thì hoàn toàn có thể chiếm lĩnh tri thức trong việc học online.

Suy cho cùng, học sinh, sinh viên khó khăn trong việc học trực tuyến bởi lối học thụ động đã ăn sâu bén rễ ngay từ bậc tiểu học.

Đã đến lúc học sinh, sinh viên phải thay đổi cách học để chủ động trong việc tiếp cận tri thức.

Nếu các em thiếu chịu khó, chây lười, thụ động để đổ lỗi cho việc học online thì chắc chắn còn gặp muôn vàn khó khăn hơn trong cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/nhieu-hoc-sinh-viet-doi-xoa-app-hoc-truc-tuyen-de-khoi-phai-hoc-20200319112132497.htm

[2] //tuoitre.vn/day-truc-tuyen-cho-tieu-hoc-khong-de-dau-20200324093940721.htm

Cao Nguyên