Cắt chính sách “đi học có lương” của học sinh trường chuyên

23/11/2018 06:31
Tấn Tài
(GDVN) - Chính sách hỗ trợ về tài chính cho học sinh và giáo viên trường chuyên của Đà Nẵng được xác định là không đúng với các văn bản luật hiện hành nên phải bỏ.

Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện học sinh và giáo viên trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) – một cái nôi chuyên đào tạo nhân lực cao của thành phố sẽ bị cắt các hỗ trợ, ưu đãi về tài chính đã có “lịch sử” gần 14 năm qua.

Cũng có nhiều “tâm tư” từ phía học sinh, giáo viên nhà trường nhưng ngành giáo dục khẳng định việc duy trì ưu đãi như vậy là không đúng với các văn bản, quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, cơ chế đãi ngộ sẽ được chuyển sang một hình thức hỗ trợ khác.

Không còn kiểu “đi học có lương”

Tai buổi làm việc giữa Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân) và sở Giáo dục và Đào tạo ngày 21/11, vấn đề cắt chế độ hỗ đối với học sinh và giáo viên trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đến thăm trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: TT
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đến thăm trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: TT

Từ năm 2005, thành phố này đã thực hiện cơ chế miễn học phí, hỗ trợ 520.000 đồng cho học sinh nội trú, 260.000 đồng cho học sinh ngoại trú và các khoản về trang phục, học phẩm… 

Đối với giáo viên trường chuyên thì thành phố hỗ trợ thêm một lần lương với giáo viên và 0,5 lần lương với nhân viên làm việc tại trường (ví dụ lương giáo viên 5 triệu đồng/tháng thì sẽ nhận 10 triệu đồng/tháng).

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo thì chính sách này từng là cú hích để thu hút nguồn nhân lực giỏi về trường, giúp nâng cao thương hiệu của nhà trường.

Nguyên nhân học sinh trường chuyên thi đại học bị điểm thấp

Nhưng trong giai đoạn hiện nay thì nó đã phát sinh nhiều bất cập, trong đó có nhiều quy định không phù hợp với quy định của pháp luật.

“Việc hỗ trợ học sinh trường chuyên bằng phương pháp cào bằng đã không tạo động lực phấn đấu cho học sinh.

Về mặt tài chính thì trước đây còn vận dụng được, giờ kiểm toán không chấp nhận.

Sở cũng đã gửi văn bản tham khảo ý kiến của 3 Bộ là: Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nhưng cả ba Bộ này đều khẳng định việc thực hiện cơ chế như trên là không đúng và phải thay đổi”, ông Vĩnh nói.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng, việc học sinh đi học mà được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng là không nên.

Chính sách hiện tại cũng cào bằng, khiến cho học sinh đạt giải thưởng quốc tế hay học sinh thuộc diện gia đình chính sách cũng nhận được mức hỗ trợ ngang những học sinh bình thường khác của trường.

Trước đó, trong chuyến thăm trường chuyên Lê Qúy Đôn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu xem xét lại chính sách hỗ trợ hiện nay.

“Làm thế nào để giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy thì đó là trách nhiệm của thành phố. Riêng đối với các em học sinh thì chúng ta cần có cách tiếp cận cho đúng.

Các em là những học sinh giỏi, được ưu tiên, được tuyển chọn đào tạo đi học nhưng không phải học cho các chú, các bác.

Nếu làm không khéo thì trường chuyên sẽ dễ trở thành trường dân tộc nội trú, trường nuôi dạy cán bộ”.

Cũng theo ông Nghĩa thì nếu học sinh đi học mà có thu nhập, có lương thì chính sách đang có vấn đề.

Do đó, Bí thư Nghĩa yêu cầu phải tạo ra một quỹ để hỗ trợ học sinh khó khăn, để cấp cho các em nghiên cứu khoa học... hơn là hỗ trợ cào bằng như hiện tại.

Thay hỗ trợ bằng mức thưởng

Theo ông Vĩnh thì hiện nay việc đầu tư cho trường chuyên đang có nhiều quan điểm khác nhau. Nếu như trước đây, nhiều tỉnh thành đầu tư ào ạt vào trường chuyên, có trường đầu tư đến 500 tỷ đồng.

Giáo viên trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình

Nhưng trong giai đoạn hiện nay, qua trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường chuyên sẽ dần trở thành trường năng khiếu, không đặt nặng các vấn đề về tham dự các cuộc thi quốc gia, quốc tế để giành giải cao.

Việc thi này sẽ được giao cho một số khoa của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phụ trách để tham dự các đấu trường quốc gia, quốc tế - ông Vĩnh chia sẻ.

Ngoài ra, một điểm thay đổi nữa là tại các kỳ thi của Bộ trước đây thì nội dung chủ yếu là tự luận. Và đây là sở trường của học sinh trường chuyên.

Nhưng giờ Bộ chuyển sang thi trắc nghiệm, yêu cầu học sinh phải dàn trãi, nắm vững các kiến thức cơ bản nên học sinh trường chuyên đạt điểm không cao. Vì lý do này mà cũng có nhiều học sinh ngại vào học trường chuyên.

Trước những bất cập nói trên, sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có tờ trình để Hội đồng nhân dân thông qua chính sách thu hút, khuyến khích của thành phố đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, đối với học sinh trường trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn thì sẽ hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập như sau:

Học sinh đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện qua từng học kỳ của năm học, xếp loại vị thứ tính từ cao xuống thấp và cấp cho tối đa 30% số học sinh toàn trường trong một năm học.

Thi vào trường chuyên: Kẻ cười, người lo

Mức hưởng: 300.000 đồng/học sinh/tháng, thực hiện trong 9 tháng/năm học. Ngoài ra, mức thưởng đối với học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế cũng được tăng cao.

Cao nhất là thưởng 140 triệu đồng cho các học sinh đạt Huy chương vàng khu vực và quốc tế, hủy chương bạc là 100 triệu đồng.

Về mức hỗ trợ giáo viên trường chuyên Lê Qúy Đôn thì ông Vĩnh cho hay, thay vì nhận những chế độ đãi ngộ như trước đây thì giáo viên sẽ được thành phố hỗ trợ qua tiết dạy. Vì nếu tính khoản này vào lương thì Bộ không đồng ý.

Cụ thể, một tiết dạy của giáo viên trường chuyên sẽ được tính bằng 3 tiết dạy bình thường.

Các tiết dạy hiện nay của giáo viên nhà trường nhận là 80.000 đồng/tiết thì sắp tới sẽ nhận 350.000 đồng/tiết.

Tấn Tài