Chung sức đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo:

Cho tư nhân viết sách giáo khoa

25/06/2014 07:41
Xuân Trung
(GDVN) - Xác định những nhiệm vụ, kế hoạch và phương hướng đi đúng đắn sẽ giúp quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được nhanh chóng, vững chắc.

LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành liên quan để góp sức đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trước đó, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29 với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện  giáo dục và đào tạo. Đây là những chủ trương, mục tiêu quan trọng giúp sự nghiệp giáo dục và đào tạo đi đúng hướng, triển khai có hiệu quả công cuộc đổi mới toàn diện. 

Góp sức với chủ trương trên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng với các chuyên gia am hiểu giáo dục đồng hành góp tiếng nói của mình để thúc đẩy chương trình hành động của Chính phủ có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Bài 1: Cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho một chương trình

Một trong những nội dung nằm trong khung chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo là vấn đề khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia viết sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) dựa trên khung chương trình được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Để mở đầu cho câu chuyện xã hội hóa làm sách giáo khoa (SGK), chúng tôi có cuộc trao đổi xung quanh chủ đề này với GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tư nhân viết sách

Chia sẻ quan điểm của mình về việc cần thiết phải có một bộ SGK, GS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, đây là một trong những việc làm cần phải đổi mới song song với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nói về thực trạng, GS. Nhĩ cho rằng chương trình và SGK của chúng ta hiện nay được viết theo nội dung lạc hậu, chủ yếu viết để làm sao giáo viên dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức, nên phải thay đổi.

Cho tư nhân viết sách giáo khoa ảnh 1

GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Quan điểm của Chính phủ về việc làm sách là huy động sức mạnh của cộng đồng, không nên để việc làm sách mang tính độc quyền từ phía Bộ GD&ĐT. Vậy làm SGK theo mô hình xã hội hóa như thế nào? GS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trước hết phải xác định được một chương trình phù hợp, sau khi có chương trình phù hợp nên đặt yêu cầu cho từng lớp. Lớp 1 yêu cầu gì, lớp 2-3-4 yêu cầu gì? Và đến tận bậc phổ thông, vấn đề này Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm để làm và lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, các chuyên gia.

Khi xác định được chương trình phải cụ thể hóa và huy động các tổ chức xã hội, những cá nhân có kinh nghiệm, có năng lực và tâm huyết để viết SGK. Khâu này ai có năng lực sẽ đăng ký làm và Bộ GD&ĐT chỉ đứng ra thành lập kiểm định xem bộ sách nào đạt và cho lưu hành.

Theo đánh giá của GS. Nhĩ, hiện nay đất nước ta đang có rất nhiều các tổ chức chuyên ngành, và việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm SGK trước hết dành cho các tổ chức chuyên ngành này đảm nhận. Lấy ví dụ làm chương trình sử sẽ có Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chương trình Sinh học có Hội sinh học Việt Nam…đứng ra đảm nhận.

Hơn nữa, theo gợi ý của GS. Nhĩ chúng ta làm SGK mới không chỉ dựa vào cộng đồng trong nước, mà hãy xem SGK ở nước nào trên thế giới là tốt nhất, thích hợp với chúng ta, nhất là SGK về tự nhiên, xã hội và ngoại ngữ.

“Nhà nước và Bộ GD&ĐT nên mời một số chuyên gia để họ đánh giá chương trình nước ngoài, đồng thời có thể Việt Nam hóa chương trình đó, đó là giải pháp nhanh. Nếu chúng ta làm như vậy tôi nghĩ sẽ nhanh chóng có bộ sách để áp dụng dạy được sớm” GS. Nhĩ tin tưởng.

Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình khi có điều kiện được làm việc ở một số nước có nền giáo dục phát triển ở Châu á, GS. Trần Xuân Nhĩ viện dẫn việc làm sách cần nhẹ nhàng, tăng cường tính trực quan. 

“Tôi từng làm việc tại Singapore và có điều kiện tiếp cận một số quyển sách dành cho các trẻ mẫu giáo, quyển sách có 50 trang, mỗi trang có 20 hình vẽ, mỗi hình vẽ được diễn giải bằng từ ngữ dễ hiểu. Trẻ con chỉ cần ngồi chơi một lúc 20 tấm hình/trang đó là hiểu hết các từ, một quyển như vậy là 1.000 từ. 

Với quyển sách này nếu được in tất cả cho các trường mẫu giáo là rất nên, điều đó vừa nhẹ nhàng như chơi mà học, học mà chơi. Trong vòng 2-3 năm trừ những từ sai sót trẻ có thể nhớ được hơn 1.000 từ. Với lượng từ được kết cấu trong sinh hoạt trẻ có thể giao tiếp được thông thường ở bậc mẫu giáo” GS. Nhĩ chia sẻ.

Cũng theo kinh nghiệm của Singapore, trên cơ sở cho trẻ học như vậy ở bậc mẫu giáo, sách sẽ được in và tích lũy ở các bậc học cao hơn. Như vậy, không bất ngờ khi tiếng Anh của học sinh ở đây rất giỏi.

Cho tư nhân viết sách giáo khoa ảnh 3

Cần nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia viết SGK. Ảnh minh họa Xuân Trung

Ở nước ta, theo quan điểm của GS. Nhĩ, chúng ta có thể từ một chương trình chuẩn và có nhiều bộ SGK khác nhau. Trước đó, có thể chỉ dạy một tác phẩm văn học cho học sinh, nhưng khi áp dụng nhiều bộ SGK có thể dạy thêm cảm nhận về dòng tác phẩm như vậy, nhiều tác phẩm khác nhau và chỉ cần giữ “cốt” khi phân tích tác phẩm.

“Để minh họa một chương trình thì có nhiều cách minh họa khác nhau”GS. Nhĩ khẳng định.

“Khi chúng ta thay đổi SGK cũng nên xem vấn đề nào lạc hậu thì bỏ đi, thiếu thì bổ sung. Đây là một dịp để cân đối chương trình” GS. Trần Xuân Nhĩ. 

Về quy trình soạn thảo, ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, sau khi Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi một chương trình chuẩn trước hết nên dành quyền làm sách cho các Hội khoa học kỹ thuật, các tổ chức chuyên ngành, bởi thực tế SGK chỉ gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Ngoại ngữ, Văn học, Đạo đức, tương ứng với các môn sẽ có những hội khoa học và sẽ đăng ký làm sách.

Thậm chí, ở đây xã hội hóa cả cộng đồng và những giáo viên dạy lâu năm về bộ môn đó cũng có thể viết được sách, trên quan điểm ai viết được sách nên viết. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức mội hội đồng thẩm định chính quyển sách của cá nhân, tổ chức xem đã đạt yêu cầu của chương trình đề ra hay chưa, nếu đạt sẽ in và công bố, tuy rằng không nên có quá nhiều bộ sách. 

Trước khi để các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách Bộ GD&ĐT phải thẩm định năng lực của tổ chức, cá nhân xem có đủ để viết SGK hay không.

Xã hội hóa SGK: Bớt được khoản tiền khổng lồ

Chia sẻ thêm với chúng tôi, người từng lãnh đạo ngành giáo dục cũng cho rằng, thuận lợi của chủ trương xã hội hóa làm SGK (sách in và điện tử) sẽ đỡ tốn kém tiền của dân. Hình dung rằng, một bộ SGK sẽ do cá nhân hay các tổ chức đứng ra viết, sau khi được thẩm định Bộ GD&ĐT chỉ việc mua bản quyền. Theo ước lượng của GS. Nhĩ có thể chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, nếu khi có khoảng 100 bộ sách cũng chỉ mất khoảng vài tỷ đồng.

“Kinh phí làm SGK tôi nghĩ không thể hết tới con số hơn 34 nghìn tỷ, mặc dù đó chỉ là chủ trương. Nhưng khi làm việc gì chúng ta cũng phải tính tới điều kiện để làm, như vậy ngay người cho cũng không thể cho được” GS. Nhĩ nói về sự vô lý về lượng kinh phí khổng lồ khi nghĩ tới làm SGK.

Cũng theo GS. Trần Xuân Nhĩ, thời gian duy trì một chương trình và bộ sách chỉ khoảng vài năm, không nên duy trì  quá lâu sẽ dẫn đến lạc hậu. Tuyệt đối không được thay SGK theo kiểu cuốn chiếu, mà ngược lại hãy đưa ra một chương trình tổng thể, sau đó tính toán việc viết SGK tổng thể rồi đối chiếu lại xem vấn đề nào được và chưa được, mỗi lớp nên làm thế nào và chỉ tiến hành trong một vài năm.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư cũng từng có bài viết trên báo chí rằng, một chương trình có thể và rất nên có nhiều bộ SGK. Việc quy định một chương trình một bộ SGK do nhà nước ban hành. Theo TS. Hoàng, việc này nên đổi mới, mà nên làm sớm, làm ngay chứ không nên kéo dài nữa.

Xuân Trung