Chưa có hướng dẫn, cớ sao lại cắt phụ cấp thâm niên giáo viên?

14/08/2020 06:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do ảnh hưởng của Covid-19 nên dừng tăng lương cơ sở từ 01/7/2020 trong khi đó một số địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên.

Câu chuyện chi trả phụ cấp thâm niên giáo viên là vấn đề được rất nhiều thầy cô quan tâm, bởi theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì trong kết cấu tiền lương của giáo viên sẽ không còn khoản nào mang tên “phụ cấp thâm niên”.

Chính vì vậy thời gian qua một số địa phương dừng chi trả phụ cấp thâm niên từ ngày 1/7 để chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn tiếp tục chi phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Điều này đã khiến nhiều giáo viên băn khoăn bởi lẽ không có sự thống nhất trong cả nước về chuyện dừng hay tiếp tục. Trong khi do ảnh hưởng của Covid-19 nên dừng tăng lương cơ sở từ 01/7/2020 mà phụ cấp thâm niên thì đã bị cắt.

Chính vì vậy khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Muốn tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo, cần trình Quốc hội” thì tòa soạn tiếp tục nhận được ý kiến của thầy cô liên quan đến một số vấn đề thực hiện Luật Giáo dục 2019 trong đó có tiền lương, phụ cấp thâm niên, học phí….

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên dừng tăng lương cơ sở từ 01/7/2020 trong khi đó một số địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên. (ảnh minh họa: Lã Tiến)

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên dừng tăng lương cơ sở từ 01/7/2020 trong khi đó một số địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên. (ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hiệu trưởng một trường sư phạm (đề nghị không nêu tên) chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

“Để thực hiện bất cứ Luật nào cũng phải có văn bản quy phạm pháp luật (còn gọi là văn bản pháp quy) hướng dẫn thực hiện Luật đó, bao gồm Nghị định Chính phủ, Thông tư của các bộ… trừ những trường hợp Luật không quy định cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện”.

“Do đó, đến nay Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực nhưng một số Điều, Khoản chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện thì đương nhiên những điều khoản đó vẫn phải thực hiện quy định của Luật cũ”, hiệu trưởng này chia sẻ.

Vị này phân tích thêm, Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực từ 1/7/2020 nhưng chưa có văn pháp quy thì việc thu học phí sinh viên sư phạm vẫn chưa thể thực hiện được bởi đến nay chưa có khung học phí, chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ học phí.

Ngoài ra, tại Điều 76 về Tiền lương, Điều 77 về Chính sách đối với nhà giáo và Điều 85 về Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đều ghi là Chính phủ quy định chi tiết điều này.

“Như vậy có nghĩa là khi nào Chính phủ quy định thì mới thực hiện còn khi chưa có quy định thì vẫn thực hiện theo Luật cũ. Đó là nguyên tắc của thực hiện văn bản quy phạm pháp luật”, vị này khẳng định.

Ví như Khoản 2, Điều 72 của Luật Giáo dục 2019 có nêu rõ “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...” thế nên ngày 30/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 8 năm 2020.

Từ những phân tích nêu trên, hiệu trưởng này khẳng định: “Thời gian qua một số địa phương cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên là quá máy móc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thầy cô bởi những Điều, Khoản liên quan trực tiếp đến đội ngũ thầy cô mới chỉ quy định trong Luật chứ Chính phủ chưa có quy định chi tiết việc thực hiện vậy cớ sao lại cắt phụ cấp của thầy cô rồi”.

Theo tìm hiểu, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ:

Điều 76. Tiền lương: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Điều 77. Chính sách đối với nhà giáo:

1. Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

2. Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

3. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 85. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt:

1. Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

2. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.

4. Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Ngày 6/7/2020 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2446/BGDĐT để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

"Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy đinh hướng dẫn mới của Chính phủ" – ông Đặng Văn Bình –Phó Cụ trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay.

Thùy Linh