Chương trình, sách giáo khoa mới- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội

25/11/2019 09:02
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Đến thời điểm này, chúng ta thấy mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ đã đạt được như kế hoạch ban đầu.

Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được ban hành và đây là một trong những cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đến thời điểm này, sách giáo khoa lớp 1 đã được thẩm định và ban hành  nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Nhìn lại quá trình thực hiện các bước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thời điểm hiện nay, chúng ta thấy đã cơ bản hoàn tất đến khâu cuối cùng, đúng theo Nghị quyết 88 Quốc hội đã đề ra.

Bắt đầu thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn học, thẩm định sách giáo khoa, công bố sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà dư luận xã hội cảm thấy băn khoăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội

Về “nội dung đổi mới”, Nghị quyết Quốc hội cũng đã hướng dẫn việc biên soạn sách giáo khoa như sau:

“Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [1]

Chương trình, sách giáo khoa mới- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh 2Tổng Chủ biên, Chủ biên một số sách giáo khoa, hóa ra lại là…người quen sao?

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, Bộ Giáo dục đã thực hiện khá đầy đủ các bước theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành.

Đến thời điểm này, chúng ta thấy mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ đã đạt được. Sách giáo khoa lớp 1 hiện có tới 5 bộ sách của 3 Nhà xuất bản.

Tuy nhiên, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” đã không thực hiện được.

Tại buổi tập huấn các báo cáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chiều 22/5/2019 thì Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Bởi, hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Giáo dục và Đào tạo”. [2]

Thực tế cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có “tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” hay không cũng không phải là vấn đề quá quan trọng bởi chủ trương của lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này thì sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nữa.

Các địa phương được quyền lựa chọn sách cho mình nên bộ sách giáo khoa nào được Bộ thẩm định thì nó cũng đều có giá trị như nhau.

Song, vấn đề đặt ra ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo không không tuyển được tác giả viết sách giáo khoa hay Bộ không có chủ trương viết khi đơn vị trực thuộc của mình là Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vừa trình làng đến 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đóng nhiều vai trong việc đổi mới giáo dục lần này.

Chương trình, sách giáo khoa mới- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh 3Có 32 sách giáo khoa chính thức được đưa vào nhà trường

Chúng tôi không bao giờ có ý định phủ nhận vai trò, uy tín và những việc đã làm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hơn 60 năm qua đối với ngành giáo dục nước nhà.

Hơn nửa thế kỷ, đơn vị này đã đảm đương trách nhiệm cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy và học cho ngành giáo dục, làm tròn trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước.

Thế nhưng, lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới lần này, điều không thể phủ nhận được, đó là chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã “đóng rất nhiều vai” khác nhau.

Chúng ta cứ nhìn vào danh sách những chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo làm Tổng Chủ biên, Chủ biên, biên soạn sách giáo khoa lớp 1 vừa được công bố thì chúng ta thấy đều là người quen cả thôi.

Họ đã từng tham gia viết chương trình tổng thể, chương trình môn học bây giờ lại làm Tổng Chủ biên, Chủ biên, hoặc là người viết, biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Như vậy, liệu có “quá nhiều vai” hay không?

Rất tiếc là chúng tôi không thể tìm được danh sách những nhà khoa học, nhà giáo thẩm định sách giáo khoa lần này.

(Nếu như) trong đội ngũ thẩm định sách giáo khoa mà có một số chuyên gia này nữa thì quy trình từ “ý tưởng” đến “sản phẩm” cuối cùng đã được thực hiện khá hoàn chỉnh. Nói một cách nôm na như dân gian hay nói là: “vừa đá bóng lại vừa thổi còi” vậy.

Ngày 12/ 9/2019, Báo Tiền phong đã dẫn lời giáo sư  Phạm Tất Dong, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề thẩm định sách giáo khoa mới.

Giáo sư Dong chia sẻ như sau: “Mối quan hệ giữa người biên soạn sách giáo khoa, đơn vị xuất bản sách giáo khoa, hội đồng thẩm định hiện nay nhằng nhịt như một ma trận.

Chương trình, sách giáo khoa mới- nhìn từ Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh 4Sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản nào sẽ chiến thắng?

Nhà xuất bản lẽ ra chỉ là đơn vị xuất bản sách giáo khoa thì giờ kiêm luôn cả vai trò biên soạn sách giáo khoa, không phân biệt rạch ròi.

Có khi một người làm cả hai vai. Thậm chí khi Bộ Giáo dục chưa công bố chương trình đã có đơn vị viết xong sách giáo khoa, chỉ chờ Bộ “bấm nút”. Điều đó chứng tỏ những người viết sách có thông tin trước”.[3]

Rõ ràng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang đảm nhận quá nhiều công việc của lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới và việc sử dụng nhân sự để thực hiện nhiệm vụ này khá hiệu quả.

Và, có lẽ không chỉ Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam mà ngay cả Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng đều thấy bóng dáng của một số chuyên gia, một số vị đã từng là Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, Chủ biên chương trình môn học đứng tên làm Chủ biên sách giáo khoa mới.

Trở lại với phần “Yêu cầu đổi mới”, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã chỉ rõ: “Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học”. [1]

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thực hiện thì chúng ta vẫn còn băn khoăn ở tính “công khai, minh bạch”. Điều này, thể hiện rõ qua lời chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vào ngày 22/5/2019, khi ông đã nói rằng :

“Hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến”.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội

[2] //tuoitre.vn/se-khong-thieu-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-20190523092837802.htm

[3] //tienphong.vn/giao-duc/tham-dinh-sach-giao-khoa-moi-nam-nguoi-muoi-y-1463413.tpo

NGUYỄN CAO