Chuyện chỉ cán bộ giáo viên tham gia Hội đồng chấm phúc khảo mới biết

03/07/2017 06:22
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Lâu nay, dư luận xã hội luôn nảy sinh tâm lý hoài nghi: có hay không chuyện tiêu cực trong công đoạn chấm phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10?

LTS: Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 tại các địa phương vào lớp 10 đã có, tuy nhiên, một số bậc phụ huynh có con không trúng tuyển đã tìm mọi cách để "chạy" phúc khảo bài thi.

Đặt câu hỏi về việc có hay không tiêu cực trong việc chấm phúc khảo vào lớp 10, thầy giáo Kiên Trung cho rằng chỉ có những cán bộ, giáo viên tham gia trực tiếp nhiệm vụ này mới trả lời được.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Sau khi các trường trung học phổ thông công lập công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 vào lớp 10, các bậc phụ huynh, các thí sinh trúng tuyển thì mừng vui, phấn khởi.

Có phụ huynh còn tổ chức liên hoan hoành tráng, tưng bừng với sự hiện diện của nhiều bà con, anh, chị em, bạn bè…

Ngược lại, nhiều thí sinh bị trượt, buộc phải học ở các trường tư thục, dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề thì thất vọng, buồn bã.

Âu đó cũng là lẽ thường tình, sau mỗi mùa thi, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương có tính cạnh tranh, phân loại cao.

Học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. (Ảnh minh họa: P.L)
Học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. (Ảnh minh họa: P.L)

Tuy biết mình thi không đủ điểm trúng nguyện vọng 1 và 2 trường công lập nhưng không ít thí sinh vẫn nuôi hy vọng, cứu cánh mong manh, đấy là làm đơn phúc khảo gửi Hội đồng chấm thi các Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét lại bài thi.

Có phụ huynh và thí sinh làm đơn phúc khảo đến tất cả bài thi tuyển sinh vào lớp 10.

Có thí sinh trúng nguyện vọng 2 (trường xa nhà, không ưng ý) nhưng vẫn làm đơn phúc khảo với kỳ vọng sẽ trúng nguyện vọng 1.

Đến thời điểm này, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp nhận đơn phúc khảo bài thi vào lớp 10 của thí sinh.

Nhiều phụ huynh đến nhà tôi than thở: “Cháu nó đi thi về, nói rằng làm bài cũng được lắm, chắc chắn trúng nguyện vọng 1, nào ngờ, kết quả lại thấp tịt, nguyện vọng 2 cũng chẳng được luôn, bây giờ chỉ còn trông đợi vào kết quả phúc khảo thôi, thầy ạ.”

Để thay đổi kết quả thi từ việc phúc khảo là điều vô cùng khó khăn, vì quy trình, khâu chấm thi trước đó làm rất chặt chẽ, nghiêm túc, chấm 2 vòng độc lập như thi trung học phổ thông quốc gia.

Một số phụ huynh thừa biết điều đó nên thường “thăm dò” các thầy, cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường, chỗ thân tình, quen biết:

Thầy có cách nào hỗ trợ, giúp cháu “vượt qua” phúc khảo, trúng tuyển trường công lập được không thầy, có phải “chạy”, phải lo “nước non”, “quà cáp” … cho ai đó, phụ huynh chúng tôi luôn sẵn sàng.”

Chuyện chỉ cán bộ giáo viên tham gia Hội đồng chấm phúc khảo mới biết ảnh 2

Những lưu ý khi học sinh muốn phúc khảo bài thi tuyển sinh lớp 10 ở Sài Gòn

Có thầy, cô giáo từ chối thẳng thừng. Có giáo viên lại vẽ đường:

Việc chấm phúc khảo thuộc quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phụ huynh có quan hệ, quen biết, thân tình với cán bộ nào ở trên đó không, chức vụ càng to càng tốt, tới nhà trình bày “hoàn cảnh” nếu họ ok (đồng ý) là khả năng đỗ rất cao đó. Được rồi, chớ quên ơn của tôi đấy…”

Công đoạn chấm phúc khảo thường diễn biến phức tạp, khó lường, lắm người gửi gắm, nhờ vả…

Vì thế, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ này một cách kín đáo, danh sách giáo viên chấm phúc khảo ít công khai rộng rãi, nhiều ngày, đến cận ngày chấm mới thông báo, gọi điện cho hay.

Thực tế cho thấy, số thí sinh được thay đổi kết quả, từ trượt thành đỗ, từ trúng nguyện vọng 2 chuyển sang trúng nguyện vọng 1 sau khi chấm phúc khảo thường rất ít, mỗi trường cao lắm được vài, ba trường hợp là cùng.

Sau một thời gian tìm hiểu, nhiều giáo viên và phụ huynh mới được biết:

Các trường hợp trúng tuyển nhờ phúc khảo đa số là những thành phần “có võ” cả, thí sinh, phụ huynh “thân cô, thế cô” thật khó có cơ may đổi thay số phận”.

Lâu nay, dư luận xã hội luôn nảy sinh tâm lý hoài nghi: có hay không chuyện tiêu cực trong công đoạn chấm phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 cũng như thi trung học phổ thông quốc gia?

Chỉ có những người trong cuộc, tham gia trực tiếp Hội đồng chấm phúc khảo mới hiểu và trả lời được mối băn khoăn, hoài nghi ấy?

KIÊN TRUNG