Có 9 bản thảo sách giáo khoa không đạt yêu cầu

04/10/2019 06:52
Thùy Linh
(GDVN) - 9 bản thảo không đạt yêu cầu bao gồm các môn: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và xã hội, Toán, Tiếng Việt.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháng 10, Bộ sẽ công bố những sách giáo khoa đầu tiên theo chương trình mới đạt thẩm định để các địa phương, giáo viên, học sinh lựa chọn sử dụng.

Liên quan đến vấn đề thẩm định sách giáo khoa, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/10, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin:

“Trong quá trình thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì có tổng số 9 bản thảo không đạt yêu cầu chứ không riêng gì 2 bản thảo Tiếng Việt Công nghệ, Toán Công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

9 bản thảo ấy bao gồm ở các môn:  Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và xã hội, Toán, Tiếng Việt”. 

“Cũng lưu ý thêm, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình” – ông Thái Văn Tài lưu ý. (Ảnh: Thùy Linh)
“Cũng lưu ý thêm, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình” – ông Thái Văn Tài lưu ý. (Ảnh: Thùy Linh)

Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học khẳng định: “Hầu hết các bản thảo không đạt do không đáp ứng được nội dung chương trình theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT chứ không phải do tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT”.  

Ví dụ, đối với Hoạt động trải nghiệm có tác giả thiết kế 2 tập, có tác giả thiết kế 1 tập thì cũng không ảnh hưởng gì, nhưng chương trình quy định 105 tiết/năm học mà tác giả thiết kế 70 tiết thì dù sách có hay thế nào cũng không đáp ứng mục tiêu chương trình. 

Lý giải thêm về điều này, ông Tài cho hay, để một bản thảo được đánh giá “Đạt” thì trước tiên nội dung của sách giáo khoa đó phải đáp ứng được mục tiêu, thời lượng, dung lượng kiến thức và tất cả các tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông mới đã công bố. 

Sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại bị loại, oan ức gì?

Khi đã đạt những yêu cầu về nội dung thì soi chiếu vào quy định ở Thông tư 33 xem tác giả thiết kế cấu trúc đã đúng quy chuẩn hay chưa. Ví dụ, một hình ảnh đưa vào sách thì phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, không định kiến về giới tính, tôn giáo, bình đẳng dân tộc…

“Thông tư 33 với 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí giúp hội đồng thẩm định chi tiết được những nội dung cần đạt về mặt kỹ thuật trong sách giáo khoa như thế nào còn muốn đánh giá yêu cầu nội dung thì phải dựa vào Thông tư 32”, ông Tài nhấn mạnh. 

“Cũng lưu ý thêm, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình” – ông Thái Văn Tài lưu ý.

Chia sẻ thêm, ông Tài nói: “Tác giả viết sách và Hội đồng thẩm định đều chung đích đến là làm sao có được bộ sách giáo khoa tốt, được xã hội đánh giá cao. Do đó, nếu sách giáo khoa được chấm đạt mà không được địa phương lựa chọn thì cũng vô nghĩa”. 

Nói về quy trình thẩm định, ông Tài chia sẻ, quy trình thẩm định sách giáo khoa được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Theo đó, tác giả trình bày sách của mình, sau đó hội đồng thẩm định làm việc bằng cách phân tích chương trình. Khi hội đồng công bố kết quả thẩm định sẽ mời tác giả đến nghe, nếu tác giả có khiếu nại nội dung nào thì gửi đơn lên hội đồng nội dung ấy. 

Nói về 9 bản thảo không đạt yêu cầu, ông Tài nói: “Cả 9 bản thảo này các tác giả đều không lên tiếng chính thức, không có ý kiến khiếu nại nào gửi tới hội đồng thẩm định”. 

Được biết, tùy theo số tiết của môn học ít hay nhiều, số lượng thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ từ 7 đến 15 người.

Cơ cấu của hội đồng cũng rất đa dạng, gồm những nhà khoa học có uy tín, các giảng viên đến từ các trường sư phạm và các giáo viên đang dạy ở các trường tiểu học.

Số giáo viên chiếm ít nhất 1/3 số thành viên của hội đồng thẩm định. Họ được điều động từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam, từ khu vực nông thôn, miền núi đến thành thị. Hội đồng cũng có đủ thời gian để xem xét tỷ mỷ các khía cạnh.

Thùy Linh