Có ai nghĩ rằng, một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có thày dạy sử?

29/05/2015 06:51
NGUYỄN PHÚC DUY TÂN
(GDVN) - Mỗi môn học đều có những vai trò của nó, Sử cũng thế, vậy cớ sao phải đưa ra những môn chính và môn phụ? Để đến hôm nay, những hệ lụy đã bắt đầu...

LTS: Tiếp tục loạt bài về việc học trò không thích thi môn Sử, hôm nay, Tòa soạn giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Phúc Duy Tân, làm việc tại Thư viện trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Những dòng chữ tôi viết ra đây, tôi gọi đó là những dòng chữ thôi thúc mạnh mẽ từ tận đáy lòng mình, từ tận đáy lòng của một người Việt Nam yêu mến và tôn thờ duy nhất một lịch sử của dân tộc mình.

Thử hỏi, nếu một ngày nào đó, không còn học sinh nào chọn thi môn Sử, thì lấy đâu ra những người sẽ trở thành thầy cô giáo dạy sử, những chuyên gia nghiên cứu về lịch Sử nước nhà, những con người dành cuộc đời mình cho lịch Sử dân tộc?

Có ai nghĩ rằng, một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có thày dạy sử? ảnh 1

Đổi mới dạy học - kiểm tra, đánh giá môn lịch sử?

(GDVN) - Năm nào ngành cũng hô hào cải cách, đổi mới nội dung phương pháp, cách đánh giá thi cử nhưng hiệu quả chưa được là bao nhiêu, nhiều khâu bị phê phán nặng nề.

Học Sử để không phải sau có một ngành nghề, cũng giống như nghề giáo, những người gắn bó cuộc đời mình với Sử thật sự rất cao quý.

Cao quý vì họ sống ở hiện tại đó, nhưng tinh thần của họ thì trải dài suốt 4.000 năm lịch sử dân tộc. Tinh thần đó đang tồn tại trong họ để chính họ mang một sứ mạng cao cả - nhưng ít người hiểu, giữ gìn cho tinh thần của lịch sử dân tộc được truyền lại một cách chân thật cho con cháu đời sau.

Nói như thế, không có nghĩa là chối bỏ tầm quan trọng của những môn học, những ngành học khác vì nghĩ như thế thật sự quá sai lầm và nghĩ sử chỉ là môn phụ lại cũng quá sai lầm. Mỗi môn học có vai trò riêng của nó. Toán học giúp hình thành tư duy logic. Vật lý giúp giải thích các hiện tượng tự nhiên; sinh học, hóa học ngoài nhiệm vụ đó còn giúp tìm hiểu về cấu tạo con người và giới tự nhiên.

Âm nhạc giúp mang lại những giai điệu cảm hứng bất tận của cuộc sống. Hội họa giúp cuộc sống thêm sống động và vĩnh cửu. Văn học mang trong nó sự trường tồn của những giá trị tinh thần nhân loại. Địa lý lại có vai trò tìm hiểu về bề mặt của giới tự nhiên, sự vận hành và biến điều của hàng triệu năm. Thể dục, thể thao thì giúp con người có sức khỏe, tinh thần cường tráng để thực hiện những công việc trên đây.

Đó, mỗi môn học đều có những vai trò của nó, Sử cũng thế, vậy cớ sao phải đưa ra những môn chính và môn phụ? Để đến hôm nay, những hệ lụy đã bắt đầu đây, một thế hệ những người trẻ đang dần dần “thuộc sử Tàu hơn sử Ta”, một thế hệ đang vô tình nhận được sự hậu thuẫn từ những người có trách nhiệm, để họ không chọn Sử cho tương lai của mình.

Tại sao Sử lại quan trọng? Vì hơn cả một môn học, một ngành nghề, Sử mang trong nó trọng trách giữ gìn và truyền lại cho những thế hệ con cháu tiếp theo tinh thần, chí khí và sự thật của những thế hệ đi trước.

Với dân tộc ta, đó là tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, kiên cường xây dựng đất nước từ những đống tro tàn của kháng chiến chống ngoại bang. Với dân tộc ta, đó là truyền thống “yêu nước thương nòi” – một tinh thần mà có mấy ai hiểu được tầm quan trọng của nó, vì nếu không có nó giờ này liệu có được một Việt Nam trên bản đồ thế giới hay đã là một vùng đất nào đó của người Hán nếu 1.000 năm đô hộ của họ đồng hóa được dân tộc ta như những dân Bách Việt khác.

Với dân tộc ta, Sử cho chúng ta lòng tự hào độc lập, tự chủ nhưng mấy ai hiểu được tầm vóc “phân định Bắc Nam, phân chia bờ cõi” của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là như thế nào? Mà nếu không có chiến thắng đó thì 1.000 năm triền miên tăm tối chắc có còn kéo dài tới hôm nay?

Với dân tộc ta, Sử nước ta hào hùng vô cùng với những chiến công từng đẩy lùi những đế quốc hung hãn nhất thế giới, khát máu nhất thế giới. Nhưng sẽ có mấy ai hiểu được vì sao dân tộc ta thắng Trung Hoa, thắng Mông Cổ, rồi thắng Nhật, Pháp và Mỹ? Do dân ta giỏi, do truyền thống đấu tranh, do tinh thần bất khuất…

Phải, nhưng đó chỉ là một phần, một phần rất nhỏ của một dân tộc mang trong mình dòng máu sinh tồn vĩ đại. Sự cảm nhận về lý do chiến thắng, về lý do dân tộc Việt còn tồn tại đến hôm nay là do ở mỗi người bằng tình yêu với lịch Sử dân tộc này và trở thành động lực cho những hành động của mỗi người đó.

Có ai nghĩ rằng, một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có thày dạy sử? ảnh 2

Để dạy và học tốt bộ môn lịch sử

(GDVN) - Để dạy và học tốt bộ môn lịch sử, phải đổi mới phương pháp dạy và học làm cho thế hệ trẻ ngày càng tự hào về cuội nguồn của đất nước.

Chúng ta học Sử là phải học cái tinh thần của lịch Sử, chứ không phải học những con số khô khan với những trang chi chít là chữ. Nhất là Sử hiện đại về cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người Việt Nam chống Pháp và Mỹ. Hào hùng lắm chứ, kiên cường và bất khuất vô cùng và những chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến đó nào có thua gì một Bạch Đằng 938 phân định bờ cõi Bắc Nam, có thua gì một Chi Lăng đánh tan quân xâm lược, có thua gì một Đống Đa quét sạch quân xâm lăng. Nhưng khác, khác ở cách mà những người có trách nhiệm bắt buộc học sinh phải nhớ về lịch Sử nước mình.

Sao phải bắt học sinh nhớ về trận đánh đó đốt được hằng trăm xe tăng, máy bay, giết được hàng ngàn lính giặc mà không bắt học sinh phải nhớ về tinh thần đã làm nên chiến thắng của những trận đánh đó, về cục diện để Đảng lãnh đạo phải tiến hành cuộc chiến như thế nào?

Tinh thần nào đã làm nên chiến thắng Điện Biên phủ 1954? Tinh thần nào đã làm nên một Mùa hè đỏ lửa 1972? Tinh thần nào đã làm nên những Vạn Tường, Ấp Bắc, Đồng Khởi, Đồng Xoài, Bình Long…? Và tinh thần nào đã làm nên một chiến thắng mùa Xuân 1975 Thống nhất đất nước?

Nếu nói rằng phần đông thế hệ trẻ hôm nay không quan tâm đến Sử dân tộc thì có phần đúng. Họ mở các phương tiện truyền thông lên, thì phải xem những bộ phim lịch sử Trung Quốc hoành tráng, những bài ca hào hùng nói về lịch sử… Trung Hoa, những câu chuyện về thời phong kiến Triều Tiên… thì tìm đâu ra những tác phẩm điện ảnh lịch sử Việt Nam?

Có, nhiều những tác phẩm về Sử dân tộc lắm, nhưng so với những bộ phim về lịch sử Trung Hoa, Triều Tiên thì thật khác xa nhau về chất lượng. Nhưng chất lượng không phải là vấn đề, vấn đề là người xem và học sinh có muốn xem những bộ phim lịch sử đó hay không khi họ có thật sự hiểu về những giá trị tinh thần hết sức quan trọng mà môn Sử trong nhà trường đã truyền tải đến họ?

Vẫn còn một bộ phận những người trẻ hôm nay mà trong họ vẫn có một tình yêu sâu sắc với lịch Sử dân tộc. Lướt qua mạng xã hội Faecbook, chúng ta sẽ tìm thấy những trang fanpage kêu gọi tập họp những người có cùng tình yêu với lịch sử dân tộc, như Hội những người Yêu Sử Việt và các fanpage cùng tên Lịch sử Việt Nam, Tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

Trong các trang fanpage này, cách truyền tải hầu như rất đơn giản, chỉ với hình ảnh sống động về thời khắc, sự kiện lịch sử, về minh họa nhân vật lịch sử hay một câu nói đầy chí khí của một vi anh hùng nào đó cũng nhận được rất nhiều sự tán đồng, thảo luận từ những người theo dõi. Họ chia sẻ để những bạn bè, người quen của mình biết đến nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn. Cứ như thế, một tinh thần tìm hiểu Sử dân tộc thật sự đang diễn ra… trên mạng xã hội.

Một quốc gia mà người dân đang thờ ơ với chính lịch Sử dân tộc mình thì quốc gia đó sẽ dần bị đồng hóa và mất đi nền văn hóa dân tộc. Điều đó sẽ xảy ra, nếu cứ mãi giữ cách phân chia môn chính và môn phụ như hiện tại. Cùng với cách tỏ ra bình đẳng để học sinh tự lựa chọn môn thi sau bao nhiêu năm đã hình thành nên những tư tưởng môn chính – môn phụ vào suy nghĩ của rất nhiều người, đó là một sự không công bằng với môn Sử và với lịch Sử của dân tộc.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu một ngày nào đó “dân ta thuộc sử Tàu hơn sử Ta”? Một cuộc tự để mình bị đồng hóa mới chăng?

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền. 

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

NGUYỄN PHÚC DUY TÂN