LTS: Trong nhiều năm qua, môn Sử là môn học, môn thi được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước và sau mỗi kỳ thi và các sân chơi giải trí trên truyền hình.
Đặc biệt, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện “Hai không” năm 2006-2007 với hàng ngàn điểm không thì thực trạng đáng buồn đó mới được “khai quật” và từng bước tác động sâu sắc đến tâm lý của học sinh khi học và thi môn này trong nhiều năm qua.
Sự yếu kém về lịch sử cả về tri thức lẫn nhận thức của thế hệ trẻ đã rung lên nhiều hồi chuông đáng báo động.
Nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc gia, hội thảo chuyên gia đã mổ xẻ thực trạng và đề xuất các giải pháp để cải thiện thực trạng này.
Nhiều bản kiến nghị từ các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu và các nhà giáo tâm huyết đã được trình lên các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan hữu quan nhưng “đâu vẫn vào đó”. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” và nói nhiều vẫn thế.
Bài viết của thầy Trần Trung Hiếu, một tác giả quen thuộc của Báo Giáo dục Việt Nam – Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An sẽ cho chúng ta một góc nhìn vì sao học sinh lại “sợ” không chọn Lịch sử là môn thi quốc gia.
Học sinh không chọn thi Sử là lựa chọn đúng
Ngày 20/5/2015,Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ( Bộ GD&ĐT) đã công bố danh sách thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 với 1.004.484 thí sinh, trong đó thứ tự số lượng các môn từ thấp đến cao là Toán (959.299), Văn (937.304), Ngoại ngữ (743.067) đến các môn tự chọn Lý (407.867), Hóa (459.310), Địa ( 386.941) Sinh (283.033), Sử (153.688).
Không ngoài dự đoán, môn Lịch Sử là môn thi có số lượng thí sinh đăng ký ít nhất với tỉ lệ khoảng 13/%.
Như vậy, sau 2 kỳ thi năm học 2013-2014 và 2014-2014, Lịch Sử vẫn là môn thi mà thí sinh có sự lựa chọn với số lượng ít nhất trong các môn thi tự chọn. Đây là kết quả không vui cho những giáo viên dạy Sử nhưng lại phản ánh 1 xu thế tất yếu trong việc lựa chọn môn thi ở cả hai cấp độ: thi tốt nghiệp và thi vào đại học năm 2015.
Đó là những con số biết nói để trả lời nhiều câu hỏi: học sinh bây giờ có chán Sử và vì sao thí sinh không chọn Sử?
Việc chỉ có 153.688 thí sinh năm nay chọn môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ và trăn trở nhiều về chất lượng dạy – học môn Sử, về vai trò của người thầy, về vị thế, vai trò của bộ môn này so với các môn học khác ở trường phổ thông, về sự thay đổi nội dung, chương trình - sách giáo khoa mới sẽ được ban hành năm 2018, về đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử…
Kiến giải về vấn đề này, theo chúng tôi có hai luồng ý kiến cơ bản.
Thứ nhất, đa số người có cùng quan điểm và cách nhìn nhận phải thừa nhận một thực tế: đó là xu thế chung của phụ huynh, học sinh là nặng yếu tố thực dụng khi bản thân khoa học xã hội đang bị coi thường.
Ảnh minh họa. Trang cá nhân thầy Trần Trung Hiếu. |
Khi phải lựa chọn giữa kiến thức “học và hành”, giữa khối học và khối thi, thường học sinh phải tính đến học để làm gì, học gì để thi và điều tối quan trọng là bài toán giải quyết đầu ra sau khi tốt nghiệp đại học xong.
Trong các khối thi đại học nhiều năm qua, các khối A, B và D luôn chiếm tỉ lệ áp đảo, khối C luôn ở vị trí “lép vế”. Điều đó không có nghĩa là học sinh Việt Nam ngày nay học giỏi các môn khoa học cơ bản, giỏi Toán, Ngoại ngữ.
Cốt lõi của vấn đề là sự lựa chọn đó gắn liền với định hướng nghề nghiệp khi các em có nhiều sự lựa chọn hơn, còn học và thi khối C ra trường hiện nay, để kiếm một công việc đúng với chuyên môn được đào tạo là quá khó, dù có tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí có bằng Thạc sỹ.
Thứ hai, nhiều người đổ lỗi cho nội dung, chương trình sách giáo khoa hiện hành con quá nhiều bất cập, lỗi thời; cách kiểm tra, đánh giá, thi cử chưa phù hợp; về vai trò, trách nhiệm của thầy cô dạy Sử…
Với cách nhìn nhận của một giáo viên hơn 20 năm dạy Sử, tôi muốn chúng ta có một cách nhìn thẳng thắn hơn, công bằng hơn, đó là hình ảnh của người thầy dạy Sử và đó mới chính là căn nguyên của nhiều vấn đề làm cho học sinh chán Sử và ngại thi Sử, dù rất yêu Sử và yêu quê hương, đất nước.
Học trò chán sử là di chứng của phương pháp dạy và học
(GDVN) - Giáo dục lịch sử trong thời kỳ toàn cầu hóa cần phải chú trọng tới phương pháp của sử học.
Việc học sinh không chọn Sử là môn thi tự chọn trong 2 kỳ thi của 2 năm học gần đây, theo tôi đó là một sự lựa chọn đúng. Chúng ta không nên trách học trò và vội đánh giá nặng nề về cái gọi là “yêu nước” hay “không yêu nước” khi không chọn môn Sử là môn thi.
Đừng biến những đứa trẻ hồn nhiên phải mang trên mình tri thức và nhận thức của người lớn tuổi. Cái mặt trái của nền kinh tế thị trường gắn liền với sự lựa chọn nghề nghiệp đã buộc các em không chọn Sử để chọn các môn thi khác.
Ở đối tượng thứ nhất ( tôi tạm gọi là nhóm thiểu số vì có số lương đăng ký ít) là các em thi theo khối C (Văn- Sử- Địa) thì đó là môn thi bắt buộc nên các em phải thi Sử để lấy môn đó xét tuyển vào Đại học. Như vậy, số lượng thí sinh đăng ký môn Sử là môn thi năm nay thì tuyệt đại đa số là các thí sinh thi khối C lấy môn Sử là môn xét tuyển vào đại học.
Ở nhóm đối tượng thứ hai ( tạm gọi là nhóm đa số vì có số lượng thí sinh áp đảo) là các thí sinh đăng ký dự thi khối A, A1, B và khối D, D1 thì hầu như các em không chọn Sử làm môn thi tự chọn để công nhận tốt nghiệp mà là môn Địa Lý với số lượng đăng ký gần gấp đôi môn Sử với 2 lý do cơ bản.
Thứ nhất, Sử là môn học mà các em rất ngại bởi phải nhớ các sự kiện, con số, số liệu ngày tháng năm nên rất khó kiếm điểm cao, thậm chí sợ bí dính điểm không.
Thứ hai, Địa Lý là môn học có một phần của kiến thức tự nhiên, có kỹ năng tính toán mà phương tiện hỗ trợ tối ưu lại là máy tính có các chức năng được Bộ quy định cho phép mang vào phòng thi.
Điều quan trọng hơn, chọn môn Địa thường có phần kiến thức giải quyết qua 1 tài liệu “hợp pháp” được mang vào phòng thi là cuốn Át lát Địa Lý và với dạng câu hỏi như thế này thì thí sinh chỉ cần trình độ trung bình và cơ bản cũng hoàn toàn có thể làm được, nên xác suất có điểm cao hơn nhiều môn Sử và rất hiếm hoi bị điểm “tử” môn này.
Ở bất cứ thời đại, trình độ phát triển nào thì vai trò của người thầy luôn là nhân tố quyết định đầu tiên tác động đến tâm lý, tinh thần và nhận thức đối với học sinh và môn Sử cũng không phải là ngoại lệ.
Cổ nhân đã từng đúc kết: “Không thầy đố mày làm nên”.Theo chúng tôi, 2 yếu tố cần và đủ cho 1 giáo viên dạy Sử là ngoài vốn tri thức phong phú và cập nhật, giáo viên Sử cần 1 cái tâm đối với nghề, sự tận tụy với học trò gắn liền với phương pháp, nghệ thuật sư phạm cuốn hút để biến những con số, sự kiện, những tri thức khô khan trở nên có “hồn” và hấp dẫn.
Với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều tri thức lịch sử đã được các em lĩnh hội rất nhanh chóng ( thậm chí các em đã đọc trước các thầy cô nhờ internet).
Học sinh sẽ vô cùng chán ngán khi đến những tiết Sử, giáo viên Sử luôn “thủy chung” với cách “đọc và chép” một cách rập khuôn từ giáo án và “tuyệt đối hóa” tất cả kiến thức của sách giáo khoa, áp đặt cách tư duy từ thầy và triệt tiêu hoàn toàn khẳ năng tư duy, sáng tạo từ học trò.
Vai trò của người dạy sử
Chúng tôi thiết nghĩ, một người thầy dạy Sử tài năng là người biết “thổi hồn” vào những tiết học, bài học lịch sử và biết khơi dậy, đánh thức khả năng tưduy của học trò từ những sự kiện, con số khô khan.
Tri thức lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại hàng năm qua được viết trong sách giáo khoa rất đồ sộ và trí tuệ cùng với “dung lượng bộ nhớ” của học trò không phải là vô tận để nhớ tất cả. Người thầy giỏi là biết lựa chọn kiến thức tiêu biểu để dạy cái gì, dạy như thế nào để giúp học sinh có một cái nhìn tổng thể từ cái cụ thể.
Học lịch sử thế giới để hiểu hơn lịch sử dân tộc, tìm hiểu lịch sử dân tộc để thấy vị thế, vai trò của lịch sử dân tộc trong tiến trình lịch sử nhân loại.Học Sử để làm gì, cần học cái gì sau đó mới học như thế nào.
Hướng đi nào cho giáo dục lịch sử ở Việt Nam?
(GDVN) - Trong thời đại toàn cầu hóa, giáo dục lịch sử đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy vậy, cách dạy và học lịch sử hiện nay đang khiến học sinh xa dần.
Trong vài năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã triển khai “ma trận đề” cho giáo viên khi ra các đề kiểm tra, đánh giá. Trong các đề thi môn Sử cũng đã và đang dần khắc phục các dạng câu hỏi thiên về trình bày, liệt kê sự kiện mà trên cơ sở những kiến thức, sự kiện tiêu biểu để yêu cầu học sinh thể hiện và rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận xét, khái quát hóa các sự kiện.
Sự từng bước đổi mới đó đang dần khắc phục được 2 khuyết tật nhiều năm qua của thí sinh là: ỷ vào tài liệu và trong chờ khả năng “quay cóp” trong phòng thi; thói “học tủ’ và “học vẹt” kiến thức, tức là học thuộc lòng nhưng không hiểu. Mà đã thuộc lòng mà không hiểu là nhanh quên.
Những sự cố gắng đó của ngành giáo dục là đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thay đổi những “lối mòn” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, tư duy và hành động của dạy và học, thầy và trò để tạo nên sự “đột biến” của nền giáo dục nói chung, bậc THPT nói riêng.
Để “đổi mới toàn diện và đồng bộ” nền giáo dục nói chung, môn Sử nói riêng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Chúng tôi muốn khẳng định lại rằng, dù có bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thay đổi nội dung, chương trình sách giáo khoa, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, thi cử, đổi mới phương pháp dạy học…thì nhân tố luôn đóng vai trò quyết định để học sinh không chán Sử, yêu Sử và tự tin chọn Lịch Sử là môn thi trong các kỳ thì quốc gia chính là vai trò của người thầy dạy Sử.
Giáo viên dạy Sử mới là người trả lời chính xác nhất, trung thực nhất về thực trạng này.
Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!