Cô giáo trường cấp 2 Tô Hiệu đạt giải Nhất cuộc thi an toàn giao thông

20/04/2021 07:20
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với bài dự thi ấn tượng, phản ánh mô hình hiệu quả của trường cấp 2 Tô Hiệu, cô giáo Trần Thị Thu Hường đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi an toàn giao thông.

Xuất sắc vượt qua hơn 90 nghìn bài dự thi trên toàn quốc

Tháng 1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc thi tìm hiểu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2020-2021 nhằm khuyến khích giáo viên, học sinh củng cố lại kiến thức về an toàn giao thông và có thêm động lực dạy và học về an toàn giao thông.

Thông qua cuộc thi hay thông qua những tiết dạy tiêu biểu của đại diện giáo viên các nhà trường, học sinh năm được khái niệm văn hóa giao thông và ý nghĩa của văn hóa giao thông, nhận biết được một số hành vi biểu hiện của văn hóa giao thông và nâng cao ý thức thực hiện văn hóa giao thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm của học sinh, vận dụng kiến thức đã học được để tuyên truyền mọi người cùng thực hiện văn hóa giao thông khi tham gia giao thông.

Sau gần 2 tháng phát động, hơn 2,112 triệu bài dự thi có chất lượng cao, được đầu tư công phu và sáng tạo của các thầy cô giáo và các em học sinh toàn quốc được gửi đến cuộc thi.

Tại lễ trao giải Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, 10 giải Nhất, 16 giải Nhì, 160 giải Ba, 800 giải Khuyến khích được trao cho học sinh và 7 giải Nhất, 16 giải Nhì, 60 giải Ba và 160 giải Khuyến khích được trao tặng cho giáo viên.

Vượt qua hơn 90.000 bài dự thi, cô giáo Trần Thị Thu Hường xuất sắc dành giải Nhất chung cuộc (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Vượt qua hơn 90.000 bài dự thi, cô giáo Trần Thị Thu Hường xuất sắc dành giải Nhất chung cuộc (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Trong đó, ở hạng mục thi dành cho giáo viên Trung học cơ sở, cô giáo Trần Thị Thu Hường, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (quận Lê Chân, Hải Phong) đã xuất sắc dành giải Nhất với bài dự thi ấn tượng, được ban giám khảo đánh giá cao.

Cô Thu Hường chia sẻ về quá trình tham gia cuộc thi: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi dành cho giáo viên gồm hai phần: phần thi trắc nghiệm lý thuyết về những kiến thức liên quan đến giao thông và phần hai là tiết dạy chương trình an toàn giao thông.

Tôi vinh dự dược diện cho Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu tham gia cuộc thi để góp phần truyền tải truyền thống giữ gìn an toàn giao thông của nhà trường.

Ở phần thi lý thuyết tại vòng một, phần lớn các giáo viên tham gia đều trả lời rất tốt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bản thân đã thuyết phục được ban giảm khảo ở câu hỏi liên hệ về tình hình thực tế việc thực hiện an toàn giao thông tại địa phương.

Theo đó, tại phần thi vòng 1 tôi đã dành được điểm cao nhất toàn quốc của giáo viên Trung học cơ sở.

Tại vòng 2, trong tiết dạy chương trình về an toàn giao thông, tôi và học trò cùng nhau giải quyết các tình huống theo sách dạy an toàn giao thông.

Mở đầu tiết học các em học sinh sẽ diễn các tình huống và đưa ra các biện pháp giải quyết để dẫn vào bài chính.

Phần nội dung bài chính sẽ thông qua các câu hỏi như: Văn hóa giao thông là gì, biểu hiện của văn hóa giao thông hay bản thân em sẽ làm gì để thực hiện văn hóa giao thông?

Theo đó, trong tiết học các em được đóng kịch, vẽ tranh, sáng tác những bài hát, bài múa về giao thông dựa trên bài hát “Trống cơm”.

Ban giám khảo đã bày tỏ khen ngợi đối với các em học sinh lớp 6 tham gia tiết học.

Mặc dù các con còn nhỏ tuổi nhưng rất tự nhiên và sáng tạo, nội dung bài giảng cũng được đánh giá rất nhẹ nhàng, hiệu quả.

Cũng theo Ban giám giảo, mô hình giảng dạy hay những bài hát về an toàn giao thông do cô Hường cùng học trò sáng tạo, lồng ghép có thể được nhân rộng, áp dụng dễ dàng tại các trường khác”.

Học sinh được học tập các kiến thức an toàn giao thông, diễn các tình huống và đưa ra các biện pháp giải quyết (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Học sinh được học tập các kiến thức an toàn giao thông, diễn các tình huống và đưa ra các biện pháp giải quyết (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Lồng ghép trong các tiết học về an toàn giao thông, học sinh còn cải thiện năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức và năng lực giải quyết vấn đề cá nhân hay hợp tác giải quyết vấn đề xã hội.

Quan trọng nhất, những kiến thức và tình huống thực tế trong mỗi tiết học sẽ giúp nâng cao phẩm chất học sinh, các em sẽ có những ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông và biết tôn trọng luật lệ an toàn giao thông.

Phản ánh câu chuyện và hiệu quả thực tế

Theo cô Thu Hường, để có thể đạt được thành tích cao nhất trong cuộc thi tìm hiểu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2020 – 2021, yếu tố quan trọng nhất phải kể đến sự quan tâm của Ban giám hiệu và truyền thống giữ gìn an toàn giao thông của nhà trường.

Bài dự thi của cô Thu Hường được đánh giá cao khi phản ánh chính hoạt động an toàn giao thông thực tế diễn ra hàng ngày tại trường Trung học cơ sở Tô Hiệu.

Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu chú trọng mô hình an toàn giao thông trường học (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu chú trọng mô hình an toàn giao thông trường học (Ảnh: nhân vật cung cấp).

“Trong quá trình tôi tham gia cuộc thi, cô giáo Lê Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường luôn động viên, khích lệ và cùng với tôi tìm kiếm những nguồn tài liệu phục vụ cuộc thi.

Điều khiến tiết dạy của tôi được ban giám khảo đánh giá cao phần lớn do những kinh nghiệm, giáo án tiết học tham dự cuộc thi đều dựa trên những câu chuyện thực, hiệu quả thực trong việc đảm bảo an toàn giao thông của nhà trường.

Thực tế tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, không riêng hiện tại mà nhà trường đã có truyền thống về đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.

Nhà trường đã thực hiện rất tốt việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường và khi tan học.

Bên cạnh các tiết học lý thuyết và chuyên đề về an toàn giao thông, nhà trường nhấn mạnh việc cho học sinh trải nghiệm thực tế việc giữ gìn an toàn giao thông.

Khi học sinh được tham gia việc đảm bảo an toàn giao thông, chính các em sẽ có ý thức khi tham gia giao thông và hiểu được tầm quan trọng của việc lan tỏa tinh thần văn hóa giao thông trong môi trường học đường.

Đặc biệt, bên cạnh lực lượng học sinh trong đội xung kích, Ban giám hiệu nhà trường cũng tham gia việc rèn luyện học sinh về an toàn giao thông và trực tiếp đứng ở cổng trường để nhắc nhở học sinh khi đến trường và tan học.

Toàn nhà trường cùng chung tay khiến mô hình an toàn giao thông của nhà trường khác biệt so với các tỉnh thành khác, có hiệu quả rõ rệt.

Mặc dù trường nằm ngay mặt đường tuyến phố chính có lưu lượng giao thông cao nhưng luôn nề nếp và không xảy ra tình trạng ách tắc.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, cô và trò vẫn cần mẫn duy trì việc đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường" cô Thu Hường chia sẻ.

Trong quá trình triển khai mô hình an toàn giao thông, trường Trung học cơ sở Tô Hiệu cũng gặp phải một số khó khăn như sự hợp tác của phụ huynh học sinh.

Mô hình an toàn giao thông mang lại hiệu quả cao, không còn xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực cổng trường (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Mô hình an toàn giao thông mang lại hiệu quả cao, không còn xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực cổng trường (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Theo cô Thu Hường, ví dụ như phụ huynh đi đón con nhưng quên mang mũ bảo hiểm cho con, các thầy cô và các em học sinh trực cổng có nhắc phụ huynh học sinh đó đội mũ bảo hiểm cho con thì cũng có phụ huynh không thoải mái khi bị nhắc như vậy.

Để khắc phục, nhà trường để một khu vực cho mượn mũ bảo hiểm ở cổng trường.

Nếu phụ huynh nào quên nhà trường sẽ cho mượn mũ bảo hiểm và ghi tên học sinh để trả lại mũ vào ngày hôm sau.

Đến hiện tại, phụ huynh rất ủng hộ việc nhà trường kiên trì thực hiện mô hình đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.

Khi tới trường đón con, phụ huynh nhà trường đều đỗ xe đúng nơi quy định, không có tình trạng ách tắc tại cổng trường”.

Những sáng kiến độc đáo trong quá trình thực hiện mô hình an toàn giao thông của trường cấp 2 Tô Hiệu đã nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo cuộc thi (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Những sáng kiến độc đáo trong quá trình thực hiện mô hình an toàn giao thông của trường cấp 2 Tô Hiệu đã nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo cuộc thi (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Khi được đại diện cho trường cấp 2 Tô Hiệu tham gia cuộc thi, truyền tải những kinh nghiệm thực tế trong việc đảm bảo an toàn giao thông và có được thành tích tốt nhất, cô Thu Hường bày tỏ: “Khi được xướng tên giải Nhất, lúc bấy giờ niềm vui cho bản thân thì ít mà mừng nhiều hơn cho thành quả của nhà trường.

Đây là thành quả của tập thể giáo viên và học sinh nhà trường, tôi chỉ là người thu thập, ghi nhận sự nỗ lực của mọi người và truyền tải tới cuộc thi và thuyết phục ban giám khảo tin rằng đây là một mô hình rất hiệu quả.

Bên cạnh việc phát thanh tuyên truyền, truyền đạt kiến thức, tạo chuyên đề cho học sinh về an toàn giao thông, trải nghiệm thực tiễn là việc quan trọng nhất mà tập giáo viên nhà trường đã làm được”.

PHẠM LINH