Cô giáo Tuệ kể về nhân duyên đến với nghề giáo

19/10/2019 07:10
Công Tiến
(GDVN) - Cô giáo Nguyễn Thị Tuệ (Lạng Sơn) tấm gương sáng Ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, “Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc 2019.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuệ (sinh năm 1985) hiện công tác tại Trường trung học phổ thông Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là tấm gương sáng của Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.

Không những vững vàng về chuyên môn cô Tuệ còn là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Vinh dự cho trường và cho bản thân cô Tuệ khi cô được chọn tuyên dương là “Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc 2019.  

Cô Tuệ (áo hồng) cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TT.
Cô Tuệ (áo hồng) cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TT.

Hành trình bén duyên với nghề giáo của cô Tuệ

“Nhà có 4 anh chị em đi học, tôi là con thứ 3 trong nhà. Lúc học cấp 3 tôi chưa thích sư phạm đâu, khi đó ước làm bác sĩ nhưng vì nhà nghèo nên bố mẹ định hướng tôi theo sư phạm vì học sư phạm khi đó không mất tiền học phí.

Nhưng khi đã chọn Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên để thi tôi xác định là phải thực sự yêu thích với nghề, bộ môn thì mới giảng dạy tốt được (với tổng số điểm thi 3 môn là 25 điểm chưa tính điểm cộng mình đã thi đỗ đại học).

Tuy nhiên, khi mới vào học do phương pháp học mới chưa quen nên kết quả chưa cao, sau đó tìm được phương pháp học phù hợp nên tôi cũng học nhẹ nhàng hơn, có kì đạt trên 8 phẩy và được nhận học bổng của trường.

Khi ra trường với tấm bằng khá trên tay do tỉnh Bắc Giang khó xin việc nên tôi đã làm hồ sơ xin lên Lạng Sơn công tác từ tháng 9/2008 đến nay tại Trường trung học phổ thông Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Ngày đầu tiên đến trường đi trên con đường đèo Bén vào trường công tác mà như là “đường lên trời”, đường dốc, khó đi, thưa dân.

Nhưng tôi nghĩ giáo viên phải là một người có tâm với nghề và với học sinh thì dù khó khăn thế nào cũng sẽ làm được”, cô Tuệ chia sẻ.

Cô giáo Tuệ (áo vàng đứng bên phải) cùng bộ môn Sinh, Hóa tham gia trải nghiệm tìm hiểu kĩ thuật trồng cam canh tại Y Tịch, Chi Lăng. Ảnh: TT.
Cô giáo Tuệ (áo vàng đứng bên phải) cùng bộ môn Sinh, Hóa tham gia trải nghiệm tìm hiểu kĩ thuật trồng cam canh tại Y Tịch, Chi Lăng. Ảnh: TT.

giáo viên ở miền núi sẽ có rất nhiều khó khăn, thiệt thòi và không có dạy thêm, thu nhập của các thầy cô chỉ có lương, đa số các thầy cô giáo ở xa được ở tập thể trong trường...

Người tiên phong giúp học sinh nơi đây đạt giải cao môn Sinh

Học sinh của Trường trung học phổ thông Hòa Bình chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Gia đình các em làm nông nghiệp là chính, rất nhiều em học sinh xa trường, có em đi gần 20km mới đến trường...

“Ngày xưa, các em đi xe đạp đến trường và phải dậy từ 4h sáng. Có học sinh đi học chiều còn phải đốt đuốc dọc đường để về vì muộn.

Có học sinh đi xe đạp còn không về đến tận nhà được nên phải đi bộ 3 – 4km, thậm chí đến nay vẫn còn có nơi gia đình các em ở không có sóng điện thoại, thậm chí có học sinh là lao động chính trong nhà...”, cô Tuệ chia sẻ.

“Lần đầu tiên lên Trường trung học phổ thông Hòa Bình là năm học 2008 – 2009,  tôi được phân công ôn học sinh giỏi nên tôi rất vui và còn gọi điện về khoe bố mẹ vì nghĩ không phải ai cũng được ôn học sinh giỏi giống như dưới xuôi...

Nhưng khi thành lập đội tuyển, học sinh luôn bảo em không có năng khiếu, em không ôn được; đồng nghiệp bảo từ trước tới giờ Trường trung học phổ thông Hòa Bình chỉ có đội tuyển môn Văn, Sử, Địa còn môn Sinh chưa thành lập bao giờ, nếu có kết quả cấp tỉnh thấp ôn chỉ mang tiếng...

Nữ thủ lĩnh phong trào sinh viên, nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Hưng Yên
Nữ thủ lĩnh phong trào sinh viên, nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Hưng Yên

Tôi lập đội tuyển trong khoảng thời gian 10 ngày, động viên, phân tích cho học sinh cuối cùng mình có đội tuyển với 4 em học sinh. May mắn năm đó thi cấp tỉnh đội tuyển của mình đã đạt 2 giải khuyến khích, cô và trò đều cười ra nước mắt.

Từ đó đến nay năm nào tôi ôn thi học sinh giỏi cũng có giải cấp tỉnh, thậm chí có năm đạt 100% giải với 2 giải nhì, 4 giải ba cấp tỉnh”, cô Bình vui vẻ kể lại.

Quá trình, ôn học sinh giỏi ngoài cần đầu tư chuyên môn sâu, còn cần có sự đánh giá đúng năng lực học sinh và động viên học sinh thường xuyên (cả lúc ôn và lúc nói chuyện với học sinh).

Sáng kiến có giá trị

Với tố chất chăm chỉ, đam mê nghiên cứu khoa học và trong công việc luôn tích cực học hỏi đồng nghiệp, chủ động... cô Tuệ đã có cho mình rất nhiều sáng kiến khoa học trong lĩnh vực giáo dục được ghi nhận.

Tiêu biểu như năm học 2017 - 2018 với sáng kiến là “Thiết kế các hoạt động học tập theo nhóm để dạy học chương trình sinh trưởng và phát triển môn Sinh học 11 cho học sinh Trường trung học phổ thông Hòa Bình” đã được áp dụng ở trường và đạt hiệu quả. Được hội đồng sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đánh giá xếp loại Khá.

Tiếp đến năm học 2018 - 2019 là sáng kiến “Phương pháp ôn học sinh giỏi phần sinh học tế bào và sinh học vi sinh vật môn Sinh học đã được áp dụng ở trường và đạt hiệu quả. Được đánh giá xếp loại Khá...

Với sự cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Tuệ vinh dự được nhận “Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục từ năm học 2016 - 2017 và năm học 2017 - 2018”.

“Nhưng tôi vẫn luôn thấy, để có thành tích như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp và đặc biệt là Ban giám hiệu Trường đã giúp đỡ, động viên và chỉ bảo tận tình”, cô Tuệ nhấn mạnh.

Công Tiến