Có những giáo viên "bán không từ thứ gì" cho đồng nghiệp qua mạng xã hội

14/01/2021 09:09
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phía sau ánh hào quang, danh hiệu của người thầy được đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ của bản thân mới là một niềm vinh dự, tự hào của người tham dự Hội thi.

Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông, lúc ấy đã được nhiều giáo viên hoan nghênh, ủng hộ.

Ai cũng nghĩ, rồi đây Hội thi này sẽ không còn diễn nữa bởi Thông tư này đã hướng tới sự gọn nhẹ, thiết thực với giáo viên và các cấp tổ chức.

Thế nhưng, sự thực không phải vậy, hiện tượng “diễn” của một bộ phận giáo viên vẫn xảy ra như thường, thậm chí

Lời tự sự của một "đại lý" trên trang facebook cá nhân (Ảnh chụp từ màn hình)Lời tự sự của một "đại lý" trên trang facebook cá nhân (Ảnh chụp từ màn hình)

Trớ trêu, sau một số “tiết mục diễn” như vậy là danh hiệu “giáo viên dạy giỏi”; “giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi” được trao, được vinh danh, được “gắn mác” giáo viên giỏi!

Ai đang vấy bẩn các Hội thi của ngành giáo dục

Ánh hào quang, danh hiệu của người thầy được đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ của bản thân mới là một niềm vinh dự, tự hào của người tham dự Hội thi. Nhưng, phía sau “ánh hào quang” mà được đổi bằng tiền, bằng sự gian dối thì những thầy cô này có nên xem đó là vinh dự không?

Hiện tượng mua bán “biện pháp góp phần nâng cao chất lượng” (báo cáo giải pháp) đã không còn là trường cá biệt nữa mà giờ đây nó được chào bán công khai, có hệ thống từ những giáo viên đứng lớp.

Họ bán “không từ thứ gì” cho đồng nghiệp của mình, một số người còn tự hào vì mình đang “giúp” cho nhiều đồng nghiệp trên khắp đất nước này đạt giải “giáo viên dạy giỏi”; “giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi”…

Họ tự hào vì đó là những sản phẩm họ đã đầu tư công phu, sản phẩm uy tín, đảm bảo tính bí mật cho người mua.

Nhưng, những thầy cô giáo này có biết rằng chính bản thân họ đang làm vấy bẩn các hội thi của ngành giáo dục, làm mai một niềm tin của xã hội đối với hình ảnh người thầy.

Đáng buồn là những trang facebook cá nhân này thường liên kết với các trang facebook của các nhóm giáo viên của các môn học và có rất nhiều người, nhóm người đứng ra bán sản phẩm.

Chúng tôi vào trang facebook của cô giáo Nguyễn Thị L. – một giáo viên có thâm niên bán sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo giải pháp cho các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi…thấy có vô vàn những lời quảng cáo.

Niềm vui của một giáo viên đang nói về công việc của mình (Ảnh chụp từ màn hình)Niềm vui của một giáo viên đang nói về công việc của mình (Ảnh chụp từ màn hình)

Nhưng, cũng thật buồn là sau những dòng trạng thái trên mạng xã hội facebook của giáo viên này khoe về sản phẩm của mình đã và đang bán cho một số giáo viên đạt được giải cao của hội thi thì phía dưới có một số phản hồi rất đáng suy nghĩ như sau:

Bạn Ngụy Cẩm P. viết:

Thời đại 4.0 có khác. Kinh doanh trên tất cả mọi lĩnh vực. Giáo viên giờ mua bán cả đề tài, báo cáo, ý tưởng…

Đã là người lái đò thì nên phải có những kinh nghiệm, quyết định và khắc phục như thế nào trong những lần đưa đò, chứ không phải ăn cắp hay ăn theo. Hay là bây giờ các cô cứ bảo học sinh là theo văn mẫu mà chép, hoặc cứ nhờ các bạn học trước hoặc bố mẹ bạn í làm hộ.

Tôi không phải là giáo viên nhưng tôi thích văn học nên mới vào nhóm này để tìm hiểu nhưng không hiểu tại sao admin của nhóm lại duyệt những bài như thế này”.

Bạn Nguyen Th. bức xúc trước sự việc này đã buông lời bình luận:

Làm bẩn môi trường giáo dục. Tổn hại đến nền giáo dục và xúc phạm những giáo viên tâm huyết họ bỏ bao công sức để nghiên cứu đạt những công nhận cao quý trong ngành giáo dục bị những người khác họ chỉ bỏ tiền ra mua để sao chép cũng đạt những danh hiệu ấy.

Những người như vậy gọi là người bán chữ nên bỏ dạy đi đừng làm giáo viên nữa ra ngoài mà làm kinh doanh các mặt hàng khác cho nó nhanh giàu. Hãi thật, vậy mà admin cũng không xoá những bài này”.

Những lời bất bình sau những status quảng cáo của người bán (Ảnh chụp từ màn hình)Những lời bất bình sau những status quảng cáo của người bán (Ảnh chụp từ màn hình)

Hãy đặt đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của người thầy lên hàng đầu

Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ xuống đến Ban giám hiệu nhà trường sẽ cảm thấy xót xa trước hiện tượng mua bán báo cáo giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm, học hộ, thi thay… của một bộ phận giáo viên hiện nay.

Và, họ cũng không thể nào quản lý nổi những trang mạng xã hội mà một số giáo viên lập ra để bán mua các sản phẩm phục vụ các Hội thi của ngành giáo dục.

Những thầy cô chân chính, có đạo đức, lương tâm với nghề nghiệp cũng không ai ủng hộ chuyện gian dối này.

Vấn đề còn lại là lương tâm và trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo trước nghề nghiệp của mình đang theo đuổi mà thôi.

Ông cha ta xưa từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “giấy rách phải giữ lấy lề” để khuyên răn mọi người đặt đạo đức, lương tâm của mỗi con người lên hàng đầu trong mọi hoàn cảnh sống.

Vì thế, hàng triệu thầy cô giáo trên cả nước đã và đang chung tay cho sự phát triển của ngành giáo dục, đang dạy cho học trò lòng trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội thì lẽ nào bản thân một bộ phận thầy cô giáo khác lại đi ngược lại chân lý này?

Tiền không chỉ quan trọng mà nó rất quan trọng đối với mỗi thầy cô giáo, thành tích của người thầy cũng cần lắm nhưng có biết bao nhiêu con đường để đi và đạt được mục đích này.

Vậy, hà cớ gì mà một số thầy cô giáo lại tiếp tay cho các hành vi gian dối, làm cho những Hội thi của ngành giáo dục bị hoen ố?

Hà cớ gì một số thầy cô giáo đã đăng ký dự thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mà phải bỏ tiền để đi mua sản phẩm về đối phó, để “diễn” trong Hội thi?

Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, danh hiệu giáo viên giỏi để làm gì? Giải nhất thị xã, nhất tỉnh để làm gì khi mà việc làm của những thầy cô giáo này đang dối lừa người chấm, dối lừa học trò của mình, vấy bẩn Hội thi…?

Tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự sáng tạo trước học trò của những thầy cô này đã đi đâu mất rồi mà lại đi làm cái việc gian dối như thế này?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN