Con giáo viên: "Con không muốn nghèo như ba mẹ"

28/04/2015 06:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều thầy cô bước ra khỏi cổng trường người làm tư vấn viên bảo hiểm, người bán hàng đa cấp, phục vụ tiệc cưới, thợ chụp hình, thậm chí là anh xe ôm...

LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, gửi về Tòa soạn từ Bình Thuận.

Trải lòng người giáo viên, cô Tuyết tâm sự những khó khăn, vất vả của nghề giáo cũng như vấn đề tại sao phần lời con em giáo viên lại không muốn nối nghiệp cha mẹ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả

Người ngoài nhìn vào thường cho rằng nghề giáo thật sang và sung sướng nhưng chỉ có giáo viên, những người trong cuộc mới hiểu rằng áp lực của nghề “cao quý” này như thế nào. Chính vì thế, phần đông con giáo viên lại không theo nghiệp của ba mẹ.

Chỉ tính riêng trong địa bàn nơi tôi dạy học, có nhiều gia đình thầy cô giáo có con học giỏi, thậm chí là rất giỏi nhưng ít có ai theo nghề dạy học của ba mẹ mình.

Có thầy cô thích an phận nên khuyên con đi nghề giáo dù nghèo nhưng môi trường giáo dục ít có sự cạnh tranh hơn.

Nhưng có em cương quyết: “Con không muốn nghèo như ba mẹ. Nhìn ba mẹ dạy cả ngày, tối về miệt mài soạn bài, làm đồ dùng dạy học, chẳng còn thời gian thư giãn nữa, con thấy sợ”.

Có em thích đi dạy, lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính ba mẹ mình: “Nếu không nghe, cứ quyết tâm thi vào sư phạm thì đừng nhìn mặt bố mẹ nữa”…

Nhiều thầy cô khuyên con đi nghề giáo dù nghèo nhưng môi trường giáo dục ít có sự cạnh tranh. Ảnh: Zing
Nhiều thầy cô khuyên con đi nghề giáo dù nghèo nhưng môi trường giáo dục ít có sự cạnh tranh. Ảnh: Zing

Nghề nào cũng vất vả nhưng có lẽ chỉ có nghề dạy học thời nay là luôn “căng như sợi dây đàn”.

Giáo viên vừa lo bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học cho phù hợp với các đối tượng học sinh, lo kiểm tra dự giờ thăm lớp, lo cho sự tiến bộ của các em, lo vượt qua các kỳ thi, các phong trào thi đua cho cả cô và trò…Và lo thêm việc phải “đối phó” với những học sinh “đại ca”, với sự “bạo hành” từ phía phụ huynh khi họ không vừa lòng điều gì đó.

Suốt ngày trên trường, giáo viên quay như chong chóng với bao điều phải lo toan như thế. Tối về, khi thiên hạ nghỉ ngơi, thư giãn thì thầy cô lại “chúi đầu chúi mũi” vào phiếu học tập, đồ dùng dạy học rồi soạn giáo án, thiết kế bài giảng điện tử, hoàn thành hồ sơ sổ sách khác…đêm nào cũng đến khuya mới xong.

Ngày nghỉ cuối tuần lại tất tả đi làm thêm với đủ thứ nghề để cải thiện cuộc sống. Nếu gia đình có một người làm nhà giáo còn đỡ, nhưng cả hai vợ chồng thì coi như “khéo gói thì no, khéo nằm co thì ấm”.

Khi con cái còn nhỏ, cuộc sống bằng đồng lương cũng coi như tàm tạm qua ngày, nhưng khi các con vào đại học thì “vay đầu này đập đầu nọ” mới đủ.

Nhiều thầy cô bước ra khỏi cổng trường người làm tư vấn viên bảo hiểm, người bán hàng đa cấp, phục vụ tiệc cưới, thợ chụp hình, thậm chí là anh xe ôm, anh cò đất hay anh nông dân đích thực…

Số khác làm gia sư, bảo mẫu hoặc dạy thêm…nhưng cũng chẳng yên ổn chút nào. Nay người này kiện, mai kẻ kia tố vì dạy thêm trái phép. Mặc dù phụ huynh tự nguyện gửi, không dạy học sinh của mình, nhóm học chưa đến chục em…

Khi thiên hạ nghỉ ngơi, thư giãn thì thầy cô lại “chúi đầu chúi mũi” vào giáo án, bài vở. Ảnh: Baomoi
Khi thiên hạ nghỉ ngơi, thư giãn thì thầy cô lại “chúi đầu chúi mũi” vào giáo án, bài vở. Ảnh: Baomoi

Cả năm làm lụng vất vả, nhiều gia đình thầy cô không dám bỏ ra 5 triệu đồng để cùng cả nhà đi du lịch đâu đó một chuyến.

Ngày lễ, ngày Tết trong khi các ngành khác hồ hởi nhận thưởng tiền triệu thì nghề giáo đành ngậm ngùi với gói bột ngọt hay kí đường hộp sữa, có sang lắm cũng được dăm trăm ngàn là nhiều.

Áp lực công việc lớn, sự đãi ngộ không nhiều là nguyên nhân ít người giỏi muốn vào sư phạm, đặc biệt là con của các thầy cô giáo lại không muốn nối nghiệp ba mẹ mình.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Phan Tuyết